“Điều chúng tôi muốn thay đổi là bóng đá phải sạch, minh bạch trong mọi thứ”, ông Tú đã nói như vậy trong buổi họp báo của VPF hôm 10/4.
Đó là quyết tâm lớn nhất của bầu Tú khi ngồi vào “ghế nóng” ở Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Để làm được điều đó, ông bầu futsal và VPF đã nhắm tới mặt trận đầu tiên. Đó là công tác trọng tài tại các giải chuyên nghiệp quốc gia.
Câu chuyện trọng tài luôn là vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam nhiều năm qua. Mùa giải 2018 cũng không phải ngoại lệ. Sau những sai phạm liên tiếp của các trọng tài và giám sát như Nguyễn Trọng Thư, Trương Hồng Vũ, Dương Văn Hiền qua 6 vòng mở màn, bức xúc vấn đề trọng tài cuối cùng đã bùng phát bởi những quyết định đầy tranh cãi của “Vua áo đen” Nguyễn Văn Kiên trong trận Khánh Hòa - HAGL tại vòng 7.
Đến đây, VPF đã không thể ngồi yên. Bầu Tú đặt bút ký vào văn bản từ chối hợp tác với 2 trọng tài Nguyễn Trọng Thư, Nguyễn Văn Kiên cùng giám sát Dương Văn Hiền, mở ra chương đầu tiên cho cuộc chiến.
Những quyết định của trọng tài khiến HAGL phản ứng dữ dội Bên cạnh quyết định "khó hiểu" khi thổi phạt đền HAGL ở cuối trận đấu với Khánh Hòa, trọng tài Nguyễn Văn Kiên còn có những nhận định gây tranh cãi khác.
Trong vài ngày sau đó, đối đầu VPF - Ban trọng tài trở nên cực kỳ căng thẳng với hàng loạt cuộc họp, nhiều diễn biến mới. Đôi bên liên tục đấu tố qua lại trên báo chí. Lần đầu tiên trong lịch sử, VPF công khai từ chối cả sếp của Ban trọng tài cử sang là giám sát. Ở chiều ngược lại, Phó Ban trọng tài đòi tổ chức họp báo, yêu cầu lãnh đạo VPF phải xin lỗi trực tiếp.
Nhìn tổng thể, ta thấy VPF đang cố gắng điều chỉnh lại cán cân quyền lực trong việc phân công trọng tài, còn Ban trọng tài - đứng đầu là Trưởng Ban Nguyễn Văn Mùi và Phó Ban Dương Văn Hiền, cố gắng ngăn cản điều đó. Đích nhắm của hai bên đều là quyền điều hành, phân công trọng tài tại các giải chuyên nghiệp Việt Nam.
Đó là thứ quyền lực kín đáo nhưng tối thượng, đủ sức khuynh đảo bóng đá Việt.
Quyền lực của Ban trọng tài lớn thế nào?
Muốn trả lời câu hỏi đó, ta phải đi từ những vấn đề cơ bản.
Trong chuyên môn trọng tài, có hai dạng lỗi. Đó là lỗi nhận định và lỗi cơ bản. Lỗi nhận định là đánh giá chủ quan sai lầm của trọng tài với một tình huống cụ thể trên sân. Lỗi cơ bản là tình huống vận dụng, xử lý sai luật bóng đá của trọng tài. Trong hai lỗi này, lỗi nhận định được phép sai số bởi nó thường diễn ra trong các tình huống bóng nhanh, phức tạp và dễ được thông cảm. Lỗi cơ bản là lỗi nặng hơn vì nó cho thấy trọng tài không nắm được luật.
Sau 7 vòng V.League 2017, số lỗi cơ bản của trọng tài Việt Nam là không hề ít. Trong đó, riêng ông Nguyễn Trọng Thư - con trai Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi, đã mắc lỗi cơ bản ở 2 trận Cần Thơ - CLB Hà Nội (vòng 2) và Quảng Ninh - Nam Định (vòng 6). Có mặt trên khán đài trong vai trò giám sát ở vòng 6, Phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền cho rằng “lỗi của trọng tài Thư không ảnh hưởng tới trận đấu, đã được xử lý êm đẹp nên tôi không ghi vào biên bản”.
Tại sao ông Hiền không báo cáo sai phạm của trọng tài Thư dù với cùng lỗi đó, nhiều trọng tài khác đã bị “treo còi”?
Mấu chốt của vấn đề nằm ở đây. Ông Hiền không thể báo cáo sai phạm của trọng tài Thư vì ông không chỉ là giám sát trận đấu mà còn là người phân công trọng tài. Nếu báo cáo trọng tài Thư, ông Hiền cũng thừa nhận chính mình đã sai. Báo cáo trọng tài Thư nghĩa là ông Hiền thừa nhận sắp xếp và đánh giá trước đó của mình cho trọng tài này là không hợp lý. Báo cáo trọng tài Thư cũng có nghĩa là ông Hiền báo cáo chính mình.
Cơ chế “vừa đá bóng, vừa thổi còi” ấy chính là điểm bất cập lớn nhất của Ban trọng tài. Sự việc trên là bằng chứng cho thấy khi Ban trọng tài vừa có quyền phân công và giám sát, tổ chức này sẽ đủ khả năng che giấu mọi sai lầm. Lẽ ra, quyền phân công và giám sát trọng tài phải thuộc về 2 tổ chức riêng biệt, phải tạo thành một cơ chế kiểm soát lẫn nhau. Như bầu Đức đã nói, cơ chế hiện tại của Ban trọng tài là “hoàn toàn sai và không thể chấp nhận được”.
Vì không có ai giám sát Ban trọng tài, đơn vị này có thể thoải mái mắc lỗi và bưng bít sai phạm. Tổ chức này còn được bảo vệ bởi “quy tắc im lặng” của FIFA, đảm bảo các án phạt của trọng tài không được tiết lộ ra ngoài.
Những cơ chế đặc thù ấy biến Ban trọng tài trở thành một vương quốc tự trị trong lòng VFF. Họ vừa phân công, vừa điều hành, vừa giám sát trận đấu. Họ trực tiếp đánh giá lỗi của các trọng tài và tự đưa ra các án phạt nội bộ. Ban trọng tài không chịu tác động từ bên ngoài nhưng tầm ảnh hưởng vươn ra bao trùm cả giải đấu. Trong quá trình khép kín ấy, VPF không nắm chút quyền lực nào.
Môi trường khép kín ấy cũng là cái nôi hoàn hảo cho những quyền lực ngầm trong Ban trọng tài. Thống kê không chính thức cho thấy rất nhiều trọng tài, giám sát trong Ban này là người nhà, người quen của ông Nguyễn Văn Mùi. Họ tập hợp nhau lại, tạo thành “một dây”. Nhiều người tin rằng Ban trọng tài tồn tại chuyện bảo vệ lẫn nhau, trù dập người giỏi, kỳ thị người không cùng phe cánh.
Chia sẻ với PV, cựu Còi Vàng Dương Mạnh Hùng kể lại: “Ngày tôi còn cầm còi, có những trận bắt rất tốt mà giám sát trọng tài vẫn phê kém. Bởi tôi không cùng dây với bất kỳ ai. Tôi biết ngày nay, có nhiều trọng tài trẻ chuyên môn rất tốt nhưng họ không được trọng dụng. Võ Minh Trí (người được xem là trọng tài số một Việt Nam nhiều năm qua - PV) cũng biết nhưng không làm được gì. Anh ta cũng phải im lặng để tồn tại trong cơ chế ấy”.
Vì quyền lực như vậy nên Ban trọng tài không phải sợ ai. Vì quyền lực như thế nên Phó Ban trọng tài mới dám đề nghị Chủ tịch VPF phải xin lỗi mình. Như bầu Đức đã nói: “Tôi khẳng định trọng tài Việt Nam không kém, họ giỏi là đằng khác. Nhưng Ban trọng tài quá kém, kém từ xưa rồi. Họ cầm trịch không được nhưng lại thao túng hết. Cốt lõi bóng đá Việt Nam, dẹp ông Mùi nghỉ và cho người khác lên thay là xong”.
Quyết tâm của VPF và vai trò của VFF
Cơ chế một chiều, thiếu minh bạch của Ban trọng tài đã kéo lùi bóng đá Việt Nam suốt nhiều năm qua. Những sai phạm có tính hệ thống của Ban này khiến người hâm mộ mất niềm tin vào giới cầm còi. Hiếm có tại giải vô địch quốc gia nào, trọng tài bị coi thường nhiều như V.League.
Khi xuất hiện một tình huống tranh cãi, dư luận luôn nghi ngờ tính trung thực của trọng tài. Mỗi sai lầm dù là nhỏ nhất của họ đều được cân đo, đong đếm. Trong bức tranh chung của bóng đá Việt, công tác trọng tài là mảng tối nhất. Đó cũng là lý do khiến bầu Tú quyết tâm thay đổi.
Nhưng các nỗ lực của ông và VPF thời gian qua dường như chưa mang lại nhiều hiệu quả. Thứ nhất, ông bầu futsal dù sao cũng là người mới trong địa hạt bóng đá. Ông mới nhậm chức chưa lâu, còn nhiều điều chưa nắm được. Đó là lý do khiến văn bản của VPF sơ hở, giúp đối thủ có cớ bắt bẻ.
Thứ hai, cuộc chiến của ông chưa nhận được sự ủng hộ lớn từ Thường trực VFF. Bởi chưa được ủng hộ nên ông Tú mới bị “đánh” ngay trong cuộc họp hôm 8/5. Bởi ông Tú chưa được hậu thuẫn nên khi giám sát Dương Văn Hiền rút lui chiều 10/5 thì VFF mới ra thông cáo báo chí vào buổi tối.
Dễ dàng nhận thấy, nỗ lực từ phía VPF và bầu Tú là không đủ để cải thiện công tác trọng tài. Bởi động tới Ban trọng tài là VPF đang động tới một đế chế quyền lực, động tới những con người, những nhóm lợi ích đã ăn sâu bám rễ trong nội bộ Liên đoàn. Trước bầu Tú, bầu Kiên, bầu Thắng và cả bầu Đức đều từng thử và thất bại.
Trong quá trình thành lập VPF hồi năm 2011, ba ông bầu này đã nỗ lực rất nhiều để cải tổ triệt để hệ thống trọng tài Việt Nam. Các ông bầu đã chung tay giải tán Hội đồng trọng tài quốc gia do ông Nguyễn Văn Mùi làm Chủ tịch. Nhưng họ thành công chưa được lâu thì bầu Kiên phải rời xa bóng đá trong khi ông Mùi quay lại với chiếc ghế cũ.
Vài năm trở lại đây, bầu Đức là người quyết liệt nhất với công tác trọng tài. Ông nhiều lần chỉ trích đích danh các trọng tài làm việc chưa tốt, nhiều lần đề nghị Thường trực VFF cách chức ông Mùi.
Nhưng cũng giống như bầu Tú, nỗ lực của ông Đức chưa mang tới kết quả. Thất bại của bầu Đức trước kia và những khó khăn của bầu Tú hiện nay cho thấy chỉ quyết tâm từ các ông bầu là chưa đủ để thay đổi công tác trọng tài Việt Nam.
Bối cảnh đó đòi hỏi vai trò của VFF mà đứng đầu là Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Bởi dù có quyền lực tới đâu, Ban trọng tài vẫn là một đơn vị thuộc VFF. Quyết tâm của VPF không thể thành công nếu không được VFF hỗ trợ.
Chừng nào cả hai đơn vị này tìm được tiếng nói chung, vấn nạn trọng tài mới có thể bị dẹp bỏ.
Phân công trọng tài: Vương trượng của ông Dương Văn Hiền?
Trong quy trình hoạt động trọng tài hiện nay, Ban trọng tài là đơn vị lên danh sách trọng tài và giám sát cho các giải chuyên nghiệp. Họ cũng là đơn vị sẽ trực tiếp đánh giá lỗi trọng tài và đưa ra án phạt trong những trường hợp cần thiết. VPF là đơn vị tổ chức giải nhưng chỉ có quyền đồng ý hoặc từ chối với danh sách của Ban trọng tài. Tổ chức của bầu Tú không nắm trong tay bất kỳ quyền giám sát hoặc xử phạt nào.
Trọng tài trên sân được xem là ông “Vua sân cỏ”, nắm quyền lực tối cao, có thể xoay chuyển trận đấu chỉ bằng một tiếng còi. Nắm trong tay quyền phân công, giám sát và xử phạt trọng tài nghĩa là Ban trọng tài có thể “thao túng” tất cả các trận đấu chuyên nghiệp nếu muốn.
Quyền lực của Ban trọng tài đáng sợ chính ở chỗ đó.
Theo Minh Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)