LỜI TÒA SOẠN: Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo hiện tại, võ sư Nguyễn Văn Thắng có phong cách nhẹ nhàng, hào hoa nhưng vị Chưởng môn tiền nhiệm tức cha ông, võ sư Nguyễn Văn Nhân thì ngược lại, cao lớn, oai hùng thậm chí là ngang tàng. Ông hành sự chẳng kiêng nể và đã tạo ra không ít giai thoại khiến dân võ Hà Thành khó quên.
"GIANG HỒ HÀ NỘI NGÀY XƯA NGHE TIẾNG CỤ NHÂN THÌ NGÁN LẮM. DÂN LƯU MANH, TRỘM CƯỚP NGHE TÊN CỤ LÀ SỢ VỠ MẬT".
Trong câu chuyện với tôi, võ sư Nguyễn Văn Thắng bỗng nhiên bật cười, mắt ánh lên sự tự hào khi kể về cha mình, huyền thoại võ Hà Thành Nguyễn Văn Nhân. Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo thừa nhận không phải khi nào cha mình hành xử cũng chuẩn mực, nhưng cụ Văn Nhân luôn dám làm, dám nhận.
"Có lần tôi mở sổ Đảng của cụ ra xem, thì thấy cụ tự nhận trong đó có 2 "ưu điểm". Một là làm công tác tình báo. Hai là giỏi võ, giỏi "đánh người". Đấy cụ ghi như thế. Cụ thì giang hồ lắm. Đất Hà Nội ngày xưa nghe tiếng cụ Nhân là ngán lắm. Dân lưu mạnh, trộm cướp nghe tên cụ là sợ vỡ mật..."
Trong câu chuyện về võ sư Nguyễn Văn Nhân, Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng nhớ lại một thời cha mình cùng các võ sư khác đã biến vùng bãi Lương Yên thành nơi mà dân giang hồ Hà Thành khiếp sợ.
"Ngày xưa nhà tôi ở bãi Lương Yên, khu đó khét tiếng là dân giang hồ nào dám đụng đến thì không còn đường về. Ngoài cụ Nhân thì trên đó còn vài tay đấm quyền Anh kinh khủng. Từ giang hồ Khâm Thiên, Trại Cá... nghe đến bãi Lương Yên là sợ.
Có đội nào lấn át, đụng đến họ nhà tôi là cụ tìm đến tận nhà để hỏi tội. Đối phương sợ lắm. Ngày xưa tên tuổi ai là vai vế cao thì giang hồ biết hết. Gọi điện bảo tới nhà xin lỗi là phải tới. Có nhiều khi cụ đi ngoài đường, về nhà kêu thấy mát mát, hóa ra đánh nhau chảy máu lúc nào không biết. Cuộc đời cụ suốt đời chỉ có chiến tranh, quân đội và giang hồ thôi".
HẠ GỤC CAO THỦ NHẬT BẢN, CAMPUCHIA TRÊN ĐẤT MÔNG CỔ & LẦN SUÝT VÀO TÙ VÌ ĐÁNH NGƯỜI
Cụ Nguyễn Văn Nhân ngang tàng là thế, nhưng một thân công phu đã cống hiến rất nhiều cho đất nước, cho võ thuật Việt Nam. Chính cụ là người góp phần quan trọng để xây dựng nên võ thuật của đặc công Việt Nam. Cụ cũng đóng vai trò lan tỏa sức mạnh võ cổ truyền Việt tới nhiều nơi trên thế giới.
"Ngày xưa cụ dạy võ cho cả quân đội Mông Cổ đấy chứ. Đầu tiên, có một nhóm chuyên gia quân sự của Ấn Độ sang Việt Nam học tập và được cụ dạy võ. Họ quá ưng ý, nên mời cụ tiếp tục sang Mông Cổ dạy. Hồi sang đấy, cụ cao to, để râu ria xồm xoàm, eo dắt súng côn, cưỡi lạc đà chụp ảnh về oai phong lắm!
Khi cụ sang đó, một số quan chức Mông Cổ cũng tin. Nhưng một số anh hùng hào kiệt của họ thì cũng muốn xem thế nào. Trong đó có một ông thầy dạy võ từ Nhật Bản sang. Ông ta cũng muốn xem cụ Nhân đi vài đường võ xem làm sao.
Xem xong thì ông ấy cũng nói là muốn xin giao lưu với thầy Nhân vài chiêu. Rồi có một tay võ người Campuchia ở đó cũng muốn giao lưu với cụ. Cụ Nhân ra tay, chỉ trong chớp mắt đả bại hết 2 tay võ đấy khiến người Mông Cổ phục lắm và yên tâm tập võ theo cụ" - Chưởng môn Nguyễn Văn Thắng kể lại.
Trong sự nghiệp cống hiến cho quân đội Việt Nam, cụ Nguyễn Văn Nhân từng dính tới 7 mảnh đạn găm vào người mà sau này vẫn không thể lấy ra được. Nhưng đi cùng với các thành tích oai hùng, cụ cũng gây ra không ít rắc rối thậm chí suýt... vào tù.
"Có một lần cụ muốn đi đò qua sông nhưng muộn rồi, gọi mãi không ai lại. Cụ bảo có việc gấp cần qua nhưng những người lái đò cũng không lại. Cụ rút súng ra bắn chỉ thiên. Đám lái đò cũng là dân anh chị, thấy thế thì hò nhau vào muốn đánh cụ. Cụ đánh lại hết, cụ bảo "chấp hết chúng mày" và hạ gục từng tên. Vụ đó cụ suýt đi tù!" - võ sư Thắng cảm khái nhớ về cha mình.
Nghe võ sư Nguyễn Văn Thắng kể những câu chuyện đầy "nhạy cảm" về cha mình, tôi vội hỏi, liệu ông có ngại khi các giai thoại có cả tốt lẫn chưa tốt này được truyền tải đến độc giả? Chưởng môn Thăng Long Võ Đạo cười xòa. Ông nói:
"Có gì đâu mà phải ngại. Cụ sống như thế, dám làm dám chịu, cụ sống theo đúng bản tâm của mình. Trước đây, những sai phạm cụ cũng đều dũng cảm thừa nhận. Giờ cụ cũng ra đi rồi, không có gì phải ngại cả!".
Ngược về thời trai trẻ, cụ Nguyễn Văn Nhân từng tham gia một hồi đấu võ đài đẫm máu để bảo vệ danh tiếng võ cổ truyền Việt Nam. Sau lần thi đấu ấy, cụ bị thực dân Pháp truy nã gắt gao và phải thay họ mới đào thoát được.
Theo Đoàn Dự (Pháp Luật & Bạn Đọc)