"Đốt đuốc" tìm người kế vị "ghế nóng"
Tờ Pháp luật TP.HCM đưa tin, sau ba lần trì hoãn đại hội khóa VIII vì những lý do khác nhau, liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tiếp tục gửi công văn đến 66 tổ chức thành viên xin đề cử các ứng viên cho những vị trí chủ chốt ở nhiệm kỳ mới.
Từ kế hoạch tổ chức đại hội khóa VIII vào tháng 3/2018, cho đến nay đại hội này đã bị hoãn tổ chức 3 lần. Cho đến giờ, tiểu ban Nhân sự VFF chỉ có thể thông báo đại hội dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2018.
Khó khăn nhất của VFF hiện nay là chọn lọc những ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới có đầy đủ phẩm chất và uy tín để thuyết phục giới chuyên môn và cả người hâm mộ bóng đá. Mới nhất, VFF gửi công văn cho các thành viên đề nghị gia hạn thời gian đề cử từ ngày 17/7 đến ngày 23/7.
Người trong cuộc cho rằng đây là một động tác chờ đợi sự đồng ý của một ứng cử viên "nặng ký" cho chức danh Chủ tịch VFF. Bởi hầu như không có thành viên nào mặn mà và VFF cũng không tìm ra nhân vật có tâm, có tầm khác ngồi vào chiếc ghế quan trọng này sau ba lần được yêu cầu bổ sung.
Động thái mới này cho thấy VFF đang “đỏ mắt” tìm người tài và sàng lọc các chức danh chủ chốt cho đại hội khóa VIII, dẫu đã đưa ra nhiều tiêu chí mở sau lần bỏ tiêu chuẩn phải có bằng đại học.
Tuy nhiên, do nhận thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc tranh cử, một số người tự cảm thấy mình không đủ sức hoặc chưa có điều kiện chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam đã xin rút.
Cuộc chạy đua vẫn chưa ngã ngũ
Ban đầu, có 4 ứng viên ứng cử vào vị trí Chủ tịch VFF. Đó là ông Lê Quý Phượng, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Thể dục Thể thao TP.HCM; ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF; ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình và ông Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, nguyên Phó Chủ tịch liên đoàn Bóng đá TP.HCM - VPF.
Sau đó, ông Lê Quý Phượng đã xin không ứng cử. Và mới nhất là ông Trần Quốc Tuấn, người từng có số phiếu đề cử cao nhất cũng vừa xin thôi ứng cử vì đang vướng kiện cáo và chờ xem xét kỷ luật.
Ông Tuấn từng có hơn 10 năm biệt phái từ tổng cục Thể dục Thể thao sang tổ chức VFF, kinh qua các chức danh Tổng thư ký và Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn. Hiện tại, vì đang vướng kiện cáo và chờ xem xét kỷ luật nên ông Tuấn đã rút khỏi danh sách ứng cử chức Chủ tịch VFF nhưng vẫn giữ nguyên ứng cử Phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII.
Tờ VnExpress bình luận, các cuộc đua tranh vào VFF khiến thượng tầng bóng đá Việt Nam ồn ào gần đây. Ông Tuấn được đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí Chủ tịch, nhờ năng lực, tuổi trẻ và những đóng góp cho bóng đá nước nhà.
Có thể cũng chính vì vậy, ông liên tục hứng chịu những đơn thư tố cáo, dù sau đó các cơ quan chức năng đều xác minh ông vô can. Mới nhất, ông Tuấn bị cho là bố trí vợ làm nhà ăn trong VFF. Nhưng kết quả kiểm tra cho thấy đây là thông tin sai sự thật. Sự việc bị đẩy xa do vợ ông và người làm bếp... trùng tên nhau.
Bầu Đức không ra ứng cử vẫn phản ứng mạnh về các tiêu chí cũng như danh sách ứng viên, đến mức ông Trần Anh Tú - Chủ tịch VPF - phải xin rút, không tham gia tranh cử vị trí phó Chủ tịch VFF.
Không lâu sau, đến lượt ông Trần Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch VPF - phải từ chức vì lộ đoạn ghi âm đe dọa Phó ban Trọng tài Dương Văn Hiền.
Và gần nhất là sự ra đi của Phó Chủ tịch VFF phụ trách truyền thông Nguyễn Xuân Gụ. Ông Gụ từ chức sau lùm xùm nghi án vào khách sạn với một cô gái trẻ tuổi.
“Tôi rất mệt mỏi. Có những phe cánh muốn rêu rao bôi nhọ tôi nên tôi quyết định từ chức. Tôi đã nộp đơn rồi”, Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ với VnExpress.
Cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực này có lẽ thực sự bắt đầu từ cách đây hơn 2 năm, khi mà Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng dù mới đi được nửa nhiệm kỳ đã gặp vấn đề về sức khỏe.
Thời điểm đầu năm 2016, báo Thanh Niên đưa tin, tại cuộc họp ban Chấp hành VFF, Chủ tịch Lê Hùng Dũng chỉ có mặt vài phút đầu và do quá mệt nên ông đã chủ động nhường quyền chủ trì cho Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Ông Dũng cũng đề xuất xin thôi chức vì lý do sức khỏe.
Tờ Thanh Niên dẫn lời một quan chức cho hay, việc ông Dũng bị ốm đã khiến thời gian qua VFF như không có thủ lĩnh, và ban Chấp hành VFF đã phải báo cáo các cấp có thẩm quyền về vấn đề quan trọng này.
Theo Vinh Phan (Nguoiduatin.vn)