Chuyện sử dụng mì tôm từng là đề tài thảo luận nhiều năm của các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Từ những ngày đầu hội nhập, thể thao Việt Nam đã quen với hình ảnh những thùng mì được xem là “vật bất ly thân” của các VĐV Việt Nam mỗi lần dự các giải đấu khu vực và châu lục.
Tuy nhiên, theo kiến thức thể thao ngày càng phổ cập, xuất hiện tranh cãi về việc các VĐV Việt Nam có nên hay không, được hay không được phép sử dụng mì tôm ở những giải đấu quan trọng.
Điều này càng được bàn nhiều hơn khi thể lực và dinh dưỡng thể thao càng có tầm quan trọng ở thể thao đỉnh cao trong khi mì tôm có giá trị dinh dưỡng thấp, lại nhiều chất béo và có nguy cơ chứa chất "lạ" khiến dính doping ngoài dự kiến.
Được nâng lên tầm thành “thiết quân luật”, đó là SEA Games 2017 của HLV Hữu Thắng. Ông thầy người xứ Nghệ trên xe buýt từ sân tập Mokpo (Hàn Quốc) vô tình nghe nói về thói quen ăn mì tôm đã mắng các học trò và cấm họ không được sử dụng nữa.
Sau đó, toàn đội U.23 Việt Nam đã “giao nộp” toàn bộ mì tôm mang theo cho BHL và hứa sẽ bỏ thói quen ăn bữa lưng bụng để về phòng nạp thêm mì tôm cho đã thèm.
Nhưng sau thất bại tại SEA Games 2017 và tiếp là việc ông Thắng từ chức, điều này đã được linh hoạt hơn. Các cầu thủ tại giải U.23 châu Á , hay đội tuyển Việt Nam vẫn bị cấm ăn mì tôm Việt Nam, nhưng mì Hàn Quốc thì lại được bật đèn xanh.
Nhưng điều này sắp tới sẽ được thay đổi khi Acecook Việt Nam trở thành “đối tác chính thức” của các đội tuyển quốc gia Việt Nam, theo bản hợp đồng 1 năm từ ngày 1.4 với giá trị tài trợ không được tiết lộ.
Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh cho biết sự xuất hiện của nhà tài trợ mới sẽ giúp đáp ứng tốt hơn điều kiện cho các đội tuyển.
Nhờ vậy, các cầu thủ cả nam lẫn nữ sẽ nhận điều kiện thi đấu tập huấn giao hữu, khách sạn, hỗ trợ chấn thương… tốt hơn. VFF vì thế sẽ có thể cung cấp thuốc và thực phẩm bổ sung cho đội tuyển, quỹ phần thưởng cho đội tuyển khi đạt thành tích tốt.
Liên quan đến câu hỏi liệu sự xuất hiện của Acecook sẽ có ảnh hưởng thế nào đến nội quy không đem mì gói theo các đội tuyển, (nhà tài trợ khi được hỏi chưa tính đến phương án cung cấp loại mì đủ dinh dưỡng từ Nhật Bản - PV), Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho biết sẽ tùy theo đánh giá của các bác sĩ và BHL.
“Chế độ dinh dưỡng của các đội tuyển Việt Nam được thực hiện theo tư vấn của bác sĩ và có trao đổi cùng HLV trưởng. Thời điểm thi đấu giải các VĐV được bổ sung protein, khoáng chất giúp tăng lực cho VĐV thi đấu...
Điều quan trọng là các cầu thủ không được bỏ bữa, hoặc ăn lưng bụng ở các bữa chính (trung bình 30 USD, khoảng trên 660 ngàn đồng mỗi bữa - PV) vốn rất giàu chất tươi dinh dưỡng, để dành bụng về phòng ăn... mì tôm.
Ở thời điểm thích hợp bác sĩ có thể cho cầu thủ sử dụng mì tôm đổi bữa. Trên khía cạnh khác, được tận hưởng hương vị mì gói thân thuộc cũng có thể giúp cầu thủ có thêm động lực và trạng thái tinh thần tốt hơn khi thi đấu”.
Theo Quốc Việt (Thanh Niên Online)