Làng võ Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam trước năm 1975 nổi lên rất nhiều cao thủ từng làm mưa làm gió trên các sàn đấu võ tự do như Sáu Nhỏ, Chà Và Hương, Huỳnh Tiền, Lý Huỳnh, Kid Dempsey…
Tuy nhiên, cũng có những võ sư gần như không bao giờ đấu đài nhưng cũng rất nổi tiếng, được giới võ kính nể. Theo võ sư - nhà nghiên cứu võ thuật Hồ Tường (Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm Võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM) thì trước năm 1975, làng võ miền Nam có một võ sư người Bến Tre, tên thật là Võ Văn Hiến, biệt danh là Hiền Long.
Ông sống với nghề đi bán dạo bánh dừa Bến Tre khắp nẻo đường Sài Gòn. Người quen thường gọi ông là "Anh Hai Bánh Dừa". Đây chính là người năm xưa từng tham gia rất nhiều màn trấn áp tội phạm cướp giật nức tiếng trong giới võ thuật Sài Gòn.
Võ sư Hồ Tường kể với chuyên trang Trí Thức Trẻ, báo điện tử Tổ Quốc: "Võ sư Võ Văn Hiến (biệt danh Hiền Long) là một người bạn của cha tôi (cố võ sư Hồ Văn Lành, môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà). Chính ông ấy từng nói với ba tôi rằng nghề bán bánh dừa dễ kiếm tiền lắm. Mỗi cái bánh lấy tại lò giá có 5 cắc, mà khi bán tới 1 đồng (1 đồng bằng 10 cắc theo giá tiền lưu hành tại Sài Gòn trước năm 1975), như vậy là một lời một.
Mặc dù rất yêu nghề võ, nhưng trong thực tế, hầu hết các thầy dạy Võ Việt Nam trước năm 1975 đều rất nghèo, cho nên võ sư Hiền Long đã chọn thêm nghề bán bánh dừa để nuôi gia đình, còn chuyện dạy võ là chạy theo đam mê mà thôi.
"Anh Hai Bánh Dừa" những năm trước 1975 tuổi cũng đã ngoài 50, tuy lấy bánh dừa tận Bến Tre, nhưng ông có một tổ ấm ở Sài Gòn, trong một căn nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Công việc thường ngày của ông là đi bán dạo bánh dừa khắp nội thành Sài Gòn. Khi thì bán ở quận 1, quận 2; lúc thì bán ở quận 5, quận 6... Ông liên tục thay đổi địa bàn để tiêu thụ được nhiều bánh dừa hơn.
Công việc bán dạo của võ sư Hiền Long cũng gặp không ít trở ngại bên cạnh sự gian lao, cực nhọc chạy xe đạp từ nơi này đến nơi nọ, rày đây mai đó. Trở ngại lớn nhất là rất nhiều lần, ông đã bị mấy tay anh chị nơi này, nơi nọ trấn lột, đòi cướp hết tiền của ông bán được.
Thế nhưng, nhóm lưu manh đâu biết rằng bọn chúng đã đụng phải một bậc cao thủ trong làng võ Sài Gòn thời bấy giờ. Cứ mỗi lần đụng chạm nhóm cướp giật, võ sư Hiền Long đều đã nện cho bọn chúng những đòn chí mạng, co giò chạy mất, không dám bén mảng tới thêm một lần nào nữa...
Có một câu chuyện năm xưa từng nhiều người chứng kiến, đó là lần ở khu hẻm Văn Hiền nằm trên đường Trần Quang Khải, giữa hai chợ Đa Kao và Tân Định của quận 1, có một nhóm cướp chừng khoảng 10 tên đã chặn đường võ sư Hiền Long toan trấn lột. Thế nhưng, chỉ với một cây đòn gánh nhỏ mà ông thường khi dùng để treo hai đầu những xâu bánh dừa, ông đã tả xung hữu đột đánh văng mấy con dao trong tay bọn côn đồ, tung thêm mấy quả đấm, mấy đòn đá là cho tụi nó xúm nhau chạy mất dạng".
Theo võ sư Hồ Tường thì trước năm 1975, võ sư Hiền Long gần như không tham gia đấu đài. Thế nhưng, ông lại là nhân vật được sự kính trọng rất lớn từ giới võ Sài Gòn nhờ bản lĩnh ngang tàng của mình sau những lần trấn áp giới côn đồ, đặc biệt là chiến tích một mình hạ 10 tên cướp ở quận 1.
Trong giới võ lâm thời đó, võ sư Hiền Long nổi tiếng là người sở hữu thân thể mau lẹ và quyền pháp cực kỳ lợi hại. Dù chỉ cao khoảng chưa tới 1m60 nhưng võ sư Hiền Long sở hữu thể lực cực khỏe, với nước da ngăm đen do ngày ngày dầm mưa dãi nắng và những khối cơ bắp cuồn cuộn.
Một điều nữa khiến võ sư Hiền Long được giới võ ngưỡng mộ là bởi khí chất nghĩa hiệp của ông. Nói về tính cách của ông, võ sư Hồ Tường cho hay:
"Trên đường đi bán dạo, "Anh Hai Bánh Dừa" thi thoảng cũng gặp những chuyện bất bình. Mỗi lần như thế, ông luôn ra tay cứu giúp người cô thế. Có những lần, chỉ vì muốn can ngăn mà ông bị cả đám đánh hội đồng. Thế nhưng, sau màn động thủ, cả đám lưu manh đã phải bỏ chạy trước những đòn thế võ cực kỳ dũng mãnh của ông.
Ban ngày lang thang khắp phố phường bán dạo như vậy, nhưng khi tối về thì võ sư Hiền Long cũng dành thời gian để dạy võ cho thanh thiếu niên trong vùng nhằm gửi gắm những hành động tốt đẹp của con nhà võ cho tụi trẻ. Dưới sự đào tạo của ông thì võ đường Hiền Long đã có một số võ sĩ thượng đài ở sân Tinh Võ (quận 5, TP.HCM), được giới hâm mộ biết đến".
Võ sư Hồ Tường kể thêm về một kỷ niệm khá vui của võ sư Hiền Long: "Có lần, học trò của ông thượng đài ở sân Tinh Võ được cáp độ đấu với một võ sĩ thuộc võ đường người Hoa ở khu vực lò da Phú Thọ (nay là khu vực Đầm Sen). Võ sư Hiền Long đến cạnh góc đài để nhắc nhở cho học trò thì bất chợt gặp võ sư người Hoa vốn là thầy của đối thủ với học trò mình. Vị võ sư người Hoa kêu lên: "Ủa, Anh Hai Bánh Dừa đây mà!".
Tới lúc đó, võ sư Hiền Long mới nhớ ra vị võ sư người Hoa kia nhiều năm trước chính là một tên côn đồ nhưng từng bị ông trừng trị ở khu vực quận 1 nhưng về sau đã hoàn lương và hành nghề dạy võ! Thế rồi, võ sư Hiền Long và vị võ sư người Hoa đã ôm nhau thắm thiết! Cũng ở trận võ đài đó, hai học trò của hai ông đã thi đấu với kết quả hòa.
Võ sư Hiền Long thỉnh thoảng có ghé thăm ba tôi (cố võ sư Hồ Văn Lành) khi ông đi bán dạo bánh dừa ở khu vực Cầu Muối. Hai vị võ sư ngang tuổi nhau, cùng cảnh ngộ đều là dân nghèo, mê võ cho nên rất tâm đầu ý hợp".
(Bài viết được ghi theo lời kể của võ sư Hồ Tường – Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Chủ nhiệm võ đường Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 1, TP.HCM)
Theo Tiểu Mã (Pháp luật và Bạn đọc)