Vai trò của VPF ngày càng mờ nhạt

30/09/2015 10:44:11

Nhiều chuyên gia, HLV cho rằng vai trò của Công ty cổ phần Bóng đá VN (VPF) ngày càng mờ nhạt và khiến các CLB bóng đá bức xúc vì phải góp tiền “nuôi” tổ chức làm việc thiếu hiệu quả này.

Nhiều chuyên gia, HLV cho rằng vai trò của Công ty cổ phần Bóng đá VN (VPF) ngày càng mờ nhạt và khiến các CLB bóng đá bức xúc vì phải góp tiền “nuôi” tổ chức làm việc thiếu hiệu quả này.

Theo chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng quá cô độc trong ngôi nhà VPF - Ảnh: Q.Minh

 
Thành lập một tổ chức mới (VPF) nhưng lại sử dụng và tin dùng những người của một tổ chức cũ, lạc hậu (VFF) thì làm sao thúc đẩy được sự phát triển của bóng đá VN?

Chuyên gia NGUYỄN VĂN VINH

Và đây là ý kiến của các chuyên gia, HLV với PV:
 
VPF chỉ là “cánh tay nối dài” của VFF
 
Chuyên gia Nguyễn Văn Vinh nói: “Tôi không quá bất ngờ khi ở lễ tổng kết mùa bóng 2015 diễn ra hôm 28-9 tại Hà Nội, VPF đã bị các CLB phản ứng dữ dội như vậy. Cái gì cũng có nguyên nhân của nó cả. Mọi chuyện cứ như chiếc lò xo bị dồn nén lâu ngày rồi đến lúc cũng phải bật tung ra.
 
Vài năm trước, khi VPF được khai sinh, người ta kỳ vọng rất nhiều về một tương lai xán lạn của bóng đá nước nhà khi VPF thay Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đứng ra điều hành các giải bóng đá đỉnh cao. Tiếc thay khi sự chờ đợi lại không đến.
 
Mọi chuyện bắt nguồn từ việc trong thành phần của VPF có quá nhiều người là người của VFF. Tôi phát biểu không nhằm mục đích chỉ trích bất kỳ cá nhân nào mà chỉ thẳng thắn nói rằng thành viên của VFF luôn là những người thiếu dũng cảm, luôn tránh né các vấn đề gai góc trong đời sống bóng đá. Phần lớn họ muốn yên thân yên phận rồi chờ nhận lương hằng tháng! Đó chính là truyền thống của VFF và nó hoàn toàn không đúng với tinh thần mong muốn xây dựng VPF thành một tổ chức vững mạnh, là bàn đạp giúp bóng đá VN đi lên như ý định của người khai sinh ra nó là ông 
bầu Nguyễn Đức Kiên.
 
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng - là người có tâm huyết với bóng đá, sống chan hòa, tình cảm và có uy tín. Thế nhưng ngần ấy thôi cũng chưa đủ giúp ông Thắng thúc đẩy VPF trở thành một tổ chức tương xứng với sự kỳ vọng của mọi người. Nói vậy bởi là người đứng đầu tổ chức điều hành bóng đá nước nhà thì phải dũng cảm đương đầu với những chuyện gai góc, chịu va chạm trước các chuyện lùm xùm trong khi tổ chức giải. Tôi có cảm giác ông Thắng quá cô độc trên chiếc ghế của mình 
trong ngôi nhà VPF.
 
Thành lập một tổ chức mới (VPF) nhưng lại sử dụng và tin dùng những người của một tổ chức cũ, lạc hậu (VFF) thì làm sao thúc đẩy được sự phát triển của bóng đá VN? Nói cách khác, VPF không thật sự độc lập, họ đứng dưới VFF trong vai vế xã hội và gần như không tạo ra được sự riêng biệt cho chính mình. VPF chưa thật sự quy tụ, tập hợp được sự đồng thuận lẫn tín nhiệm của tất cả các CLB. Một tổ chức mà không cải tiến toàn diện thì làm sao thúc đẩy được sự phát triển.
 
Là tổ chức điều hành các giải bóng đá đỉnh cao, thế nhưng tôi không thấy và cũng không nghe được các quan chức của VPF đưa ra chính kiến rõ ràng qua việc cầu thủ Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) có hành vi phi thể thao gây chấn thương nghiêm trọng đối với Anh Khoa (SHB Đà Nẵng). Là đơn vị có quyền lực cao nhất của một giải đấu, VPF phải lên tiếng về vấn đề này chứ sao lại đá quả bóng ngược lại cho VFF. Ví dụ như thế để thấy VPF chính là cánh tay nối dài không hơn 
không kém của VFF.
 
Những phát biểu gay gắt của các CLB trong lễ tổng kết không mới. Vấn đề là VPF có dám nhìn nhận sự góp ý thẳng thắn đó để cải tổ triệt để với chính mình hay không”.
 
Mất dần các CLB: trách nhiệm của VPF ở đâu?
 
Giám đốc điều hành CLB Đồng Nai Nguyễn Văn Long: “Nếu Toyota V-League 2015 có 1,5 đội xuống hạng thì giải đâu có kiểu thi đấu chùng chình như giai đoạn cuối mùa giải được. Bởi vì, nếu đội nào đó ở nhóm cuối bảng mà thi đấu chùng chình thì coi chừng sẽ đi đá play-off nên sẽ phải thi đấu quyết tâm hơn. Khi đó, tính cạnh tranh sẽ cao hơn cho đến tận phút cuối. Đằng này V-League 2015 chỉ có một suất xuống hạng nên khi còn 2-3 vòng cuối đã mặc định CLB Đồng Nai xuống hạng rồi thì các 
đội khác cũng đâu cần nỗ lực.
 
Thứ hai, tôi đề nghị VPF phải tìm nguyên nhân tại sao một số CLB V-League sau khi xuống hạng rồi thì không còn trên bản đồ bóng đá VN. Vậy trách nhiệm của VPF - đơn vị tổ chức giải - ở đâu? VPF lẫn VFF phải tìm ra nguyên nhân tại sao lại như vậy để còn khắc phục, nếu không các CLB cứ 
dần dần mất hết.
 
Những cái làm được VPF nói rất nhiều và dĩ nhiên cần cố gắng phát huy. Nhưng vấn đề là phải làm sao để bóng đá VN phát triển. Bóng đá dĩ nhiên cần khán giả đến sân. Mà muốn kéo khán giả đến sân thì công tác tổ chức phải như thế nào, kể cả trách nhiệm và tinh thần thi đấu cống hiến của các cầu thủ, nếu để khán giả quay lưng thì không thể cứu vãn được”.
 
Tổng kết cho có
 
Chủ tịch SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa: “Điều tôi không hài lòng với VPF trong lễ tổng kết diễn ra hôm 28-9 là cách làm gần như cho có. Đâu cần phải gấp gáp tổ chức tổng kết vội vàng như vậy khi mà các CLB chưa nhận được dự thảo tổng kết để đóng góp ý kiến. Sự gấp gáp ấy khiến nhiều việc không chu toàn, bị các CLB phản ứng là chính xác. Mâu thuẫn luôn tồn đọng giữa CLB với VPF, đó là quy luật tự nhiên. Giá như VPF chịu khó đi đến từng CLB để tìm hiểu, đóng góp ý kiến, tháo gỡ khó khăn cho CLB thì vai trò của tổ chức sẽ được trân trọng và tín nhiệm cao hơn...”.
 
>> HLV Lê Thụy Hải: "BTC giải mà không thấy cái sai thì nguy hiểm"
 
Theo Sĩ Huyên - Nguyên Khôi (Tuổi Trẻ)