Trên thực tế, giải V-League được điều hành bởi công ty VPF. Thành ra, khi V-League ngày càng nhiều bạo lực, trong khi số lượng khán giả lại sụt giảm nghiêm trọng, không thể nói rằng VPF không có trách nhiệm trong việc chất lượng giải đấu đi xuống.
3 vấn đề mà người ta nói đến nhiều nhất khi đề cập đến V-League đó là lượng khán giả giảm sút nghiêm trọng, vấn nạn trọng tài, cùng sự gia tăng bạo lực.
Hai trong ba vấn đề đấy lại là những vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát của VPF. Đầu tiên Ban trọng tài thuộc quyền quản lý của VFF, riêng VPF không có tiếng nói đối với ban này. Việc duy nhất mà đơn vị tổ chức giải đấu có thể tham gia liên quan đến công tác trọng tài, đó từ chối mời hợp tác đối với một số trọng tài mà họ cho rằng thiếu chuyên môn, thiếu niềm tin.
Tuy nhiên, việc này càng về sau người ta càng thấy VPF làm thiếu quyết liệt. Thành ra, công tác trọng tài càng về sau càng yếu kém. Đến lúc yếu kém quá mức, đỉnh điểm là sự cố trên sân Thống Nhất tối 19/2, liên quan đến trọng tài Nguyễn Trọng Thư liên tục bị phản ứng nhưng vẫn bình thản làm nhiệm vụ, đứng trước sức ép của dư luận, VPF mới lập ra tổ phản biện công tác phân công trọng tài.
V-League do VPF tổ chức ngày càng nhiều sự cố (ảnh: Gia Hưng) |
Dù vậy, công việc của tổ này cũng chỉ ở dừng ở mức… phản biện, chưa thể thay đổi khâu điều hành trọng tài về mặt thực chất.
Vai trò của VPF rất mờ nhạt trong việc “mổ băng” các tính huống gây tranh cãi liên quan đến giới trọng tài. Trong khi lẽ ra với chức năng phản biện, họ phải giữ vai trò chủ đạo trong những đợt mổ băng đấy, để thể hiện quan điểm trọng tài tốt hay không tốt, để còn được mời hay không được mời.
Cũng vì VPF trước sau vẫn giữ vai trò mờ nhạt đối với giới trọng tài, nên mới có chuyện quan điểm của VPF và của Ban trọng tài không thống nhất với nhau, ngay ở Hội nghị Sơ kết nửa mùa giải 2017: Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng khẳng định công tác trọng tài không tốt ở lượt đi, trong khi ngồi ngay bên cạnh, trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi bình thản phát biểu câu quen thuộc: “Trọng tài ở đâu cũng có thể sai, lượt về vẫn có thể… sai tiếp”.
... ngày càng nhiều bạo lực (ảnh: Gia Hưng)... |
Tốn biết bao nhiêu tiền để tập huấn các trọng tài, nhưng vẫn không đảm bảo rằng trọng tài có thể tốt hơn, thì thử hỏi hiệu quả của những khoản đầu tư vào trọng tài ở đâu?
V-League trong tay VPF ngày càng vắng khán giả
Vấn đề thứ hai là khâu kỷ luật. V-League ngày càng nhiều bạo lực, hay đơn giản hơn bạo lực ở giải vô địch quốc gia vẫn không giảm, nhưng VPF gần như cũng bó tay.
Giống như Ban trọng tài, Ban kỷ luật thuộc VFF, nên VPF không có chức năng phạt nặng hay nhẹ cầu thủ tham gia vào giải đấu do họ tổ chức.
Không có trong tay “Thượng Phương bảo kiếm”, càng không công cụ để khiến các đội bóng, thành viên các đội và các cầu thủ phải ngán mình, thông qua các án kỷ luật, VPF có làm công tác tư tưởng với các CLB thế nào cũng vô ích. Vì cơ bản, không thể đòi hỏi sự tự giác của vài trăm con người, thuộc hàng chục đội bóng mà không có công cụ pháp lý trong tay.
VPF rốt cuộc chỉ có thể tham gia trực tiếp vào chuyện khán giả đông hay vắng. Nhưng riêng khoản này, có thể kết luận rằng VPF làm rất tệ.
Điều nguy hiểm nhất nằm ở chỗ số lượng khán giả đang có dấu hiệu vơi dần đều, tức là mùa sau lại ít hơn mùa trước. Gạt sang một bên những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan chắc chắn đến từ sự yếu kém trong khâu điều hành của chính công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Cứ nhìn sang giải bóng rổ nhà nghề Việt Nam VBA thì khắc có câu trả lời về chất lượng điều hành 2 giải đấu bóng đá và bóng rổ chuyên nghiệp tại nước ta.
Bóng rổ không phải là môn thể thao được ưa chuộng ở Việt Nam, nhưng giải bóng rổ nhà nghề hiện tại có mật độ phủ kín các sân bóng đáng kinh ngạc, về mặt số lượng còn có nhiều trận đông người xem hơn một số trận bóng đá thuộc V-League.
Trong khi đó, giải V-League trong tay VPF càng lúc càng… “ế” khách. Bóng đá chuyên nghiệp mà các đội bóng không thu nổi tiền vé thì thử hỏi sức sống ở đâu? Vai trò điều tiết, điều hành của VPF nằm ở chỗ nào?
Theo Trọng Vũ (Dân Trí)