Từ M.U đến Euro 2016: Trong sự ám ảnh về nỗi đau khủng bố

16/05/2016 12:54:00

Chỉ một ngày trước khi Premier League hạ màn, trang Daily Mail đã đăng tải thông tin cho biết những trận đấu của tuyển Anh tại Euro 2016 có khả năng bị tấn công khủng bố cao nhất. Khi ấy, nhiều người còn cười khẩy đợi đến tháng Sáu cơ mà...

Chỉ một ngày trước khi Premier League hạ màn, trang Daily Mail đã đăng tải thông tin cho biết những trận đấu của tuyển Anh tại Euro 2016 có khả năng bị tấn công khủng bố cao nhất. Khi ấy, nhiều người còn cười khẩy đợi đến tháng Sáu cơ mà...

Người đại diện cho cơ quan an ninh Pháp mới đây tuyên bố hai trận đấu có nguy cơ bị tấn công khủng bố lớn nhất tại Euro 2016 đều liên quan đến đội tuyển Anh. Đó là hai trận đấu với Nga và xứ Wales. Nhiều người khi ấy vẫn còn chưa quá quan tâm đến thông tin này. Họ cho rằng từ giờ đến VCK Euro 2016 còn xa lắm và giờ là lúc để tận hưởng những giây phút cuối cùng của mùa giải 2015-16.

Cho đến khi những tiếng còi báo động ở "mức đỏ" vang lên tại Old Trafford, rất nhiều cổ động viên Bournemouth vẫn còn phàn nàn vì phải sơ tán khẩn cấp. Một túi đồ khả nghi đã được phát hiện ở góc khán đài phía Tây Bắc sân Old Trafford. Chó nghiệp vụ cũng như các chuyên gia phá bom mìn của quân đội cũng được điều tới. Sau vài giờ tìm kiếm, phía cảnh sát thành Manchester tuyên bố kiểm soát được toàn bộ tình hình và không hề có quả bom nào được phát hiện. Thay vào, cái vật khả nghi nhất được cho là bom thực chất chỉ là dụng cụ luyện tập vô tình được bỏ quên trên sân trước đó. Tuy nhiên, không vì thế mà các mối lo ngại về việc bóng đá trở thành mục tiêu của khủng bố giảm đi.
 
Tu MU den Euro 2016 Trong su am anh ve noi dau khung bo hinh anh
Trận đấu giữa Man Utd và Bournemouth buộc phải hoãn vì lý do an ninh.
 
Bất chấp việc chính phủ Pháp tuyên bố tăng ngân sách an ninh trong một tháng diễn ra Euro lên 24 triệu euro cùng với khoảng 20.000 cảnh sát, binh lính được triển khai, NHM vẫn chưa vơi nỗi lo về nguy cơ vụ tấn công khủng bố nhằm vào bóng đá. Nhất là khi các tổ chức khủng bố mà dẫn đầu là Nhà nước hồi giáo tự xưng IS tuyên bố sẽ tiếp tục những vụ tấn công trên khắp châu Âu.
 
Việc IS tấn công khủng bố tại châu Âu được lý giải theo nhiều góc độ, trong đó có việc tổ chức khủng bố này muốn "thị uy". Các quốc gia châu Âu đang cùng Mỹ tham gia chiến dịch không kích tại Iraq và Syria, "sân nhà" của IS. Điều đó khiến tổ chức này liên tục thất bại trên chiến trường. Để cải thiện tình hình, IS gây ra các vụ tấn công ngay trong lòng châu Âu với mục đích khiến các quốc gia này phải rút về không can thiệp vào tình hình chiến sự tại Trung Đông nữa.
 
Sự đe dọa của IS vẫn có tác động rất lớn đến nhận thức và thói quen của nhiều người châu Âu. Trong cuộc khảo sát đưa ra vào tháng trước, có đến 1/3 số cổ động viên CH Ireland thay đổi quyết định không đến Pháp mà ở nhà xem Euro 2016 qua TV. Điều đáng nói là con số này sẽ còn tăng lên khi những mối đe dọa từ các cuộc tấn công liều chết liên tục được đưa ra từ những chuyên gia an ninh có uy tín.
 
Hơn nữa, việc IS quyết định ngắm mục tiêu tấn công vào những sự kiện bóng đá cũng khiến nhiều người e ngại trong việc đến sân. Theo IS, bóng đá là môn thể thao phi Hồi giáo và là công cụ để phương Tây lung lạc những người có tâm hồn mềm yếu. Sự truyền tải thông điệp của bóng đá cũng rất lớn qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Vì vậy, những trận đấu bóng đá là mục tiêu hàng đầu của những kẻ khủng bố.
 
Hồi tháng 11/2015, cả thế giới bàng hoàng với một loạt vụ tấn công diễn ra ngay tại Paris hoa lệ. Ba kẻ tấn công đã cố xâm nhập vào sân Stade de France, nơi tổng thống Pháp Francois Hollande đang dự khán theo dõi trận giao hữu giữa Pháp với Đức. Những tiếng nổ lớn bên ngoài sân vận động đã khiến một người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Sau vụ khủng bố liên hoàn, các CĐV vẫn rời sân trong bầu không khí đoàn kết, lạc quan.
 
Euro 2016 hinh anh 2

Đầu năm nay vào tháng 3/2016, Umut Bulut của Thổ Nhĩ Kỳ nhận tin dữ khi cha của cầu thủ qua đời sau một vụ đánh bom xe tại Ankara. HLV Fatih Terim thừa nhận ông đang gánh sứ mệnh nặng nề trên vai khi phải gắn kết cả một dân tộc đang có rất nhiều mâu thuẫn bằng bóng đá. Mới đây nhất, 17 cổ động viên Real Madrid qua đời sau vụ xả súng của các phần tử tự xưng IS tại một quán cafe tại Iraq, khi nhóm người này đang tập trung để xem lại một số trận đấu cũ của Los Blancos.
 
Và đến khi trận đấu M.U vs Bournemouth bị hoãn khi các nhân viên an ninh tìm ra kiện đồ vật lạ trên sân Old Trafford, sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với bóng đá càng nặng nề hơn. Người ta cảm thấy sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố với bóng đá đang gần hơn bao giờ hết.
 
Điều đó như hồi chuông cảnh báo về những vụ tấn công khủng bố nhằm vào Euro 2016 diễn ra trong hè này tại Pháp - "hố đen" khủng bố tại châu Âu. Các chuyên gia an ninh đã đưa ra lời khuyên rằng khu vực sân vận động là nơi an toàn nhất với các CĐV. Nhưng với khoảng 5 triệu người đổ về Pháp trong một tháng diễn ra Euro, những quán bar, cafe,... sẽ trở thành nơi tập trung đông người. Đồng thời, khu fan-zone cũng là điểm tập trung quen thuộc đối với những CĐV không kiếm được vé vào sân.
 
Sẽ ra sao nếu những kẻ khủng bố xả súng hay đánh bom liều chết trong khu vực fan-zone khi một trận đấu đang diễn ra?
 
Theo Như Đạt (Bongda24h.vn)

Nổi bật