Vào Chủ nhật, 09/10, Iker Casillas đột nhiên tuyên bố anh là người đồng tính. Trong khi thế giới chưa hết sốc, thủ môn huyền thoại xóa tweet và giải thích tài khoản Twitter của anh bị hack.
Có thể Twitter của Casillas bị hack thật. Hoặc đó chỉ là một trò đùa nhằm đáp trả các tin đồn thất thiệt về anh, như tờ AS trích dẫn. Cũng có thể cựu thủ môn của Real đồng tính thật, nhưng anh lo ngại các phản ứng tiêu cực nên đành rút lại lời thú nhận công khai.
Chúng ta biết rằng thế giới vẫn chưa cởi mở với những người đồng tính. Đặc biệt, nếu đó là một cầu thủ bóng đá, anh ta càng không được chấp nhận. Trong mắt mọi người, bóng đá là môn thể thao đầy nam tính, không có chỗ cho những người thuộc thế giới thứ ba.
Tất cả hẳn còn nhớ câu chuyện bi thảm của Justin Fashanu, cầu thủ đầu tiên trên thế giới công khai đồng tính. Năm 1998, tức 8 năm sau lời thừa nhận trên tờ The Sun, người từng là một tài năng sáng giá, ngôi sao da màu đầu tiên có giá trị chuyển nhượng lên tới 1 triệu bảng, quyết định từ giã cõi đời trong một garage đóng kín ở Shoreditch, phía đông London.
Năm 18 tuổi, Fashanu tạo nên bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Liverpool (sau đó được bình chọn là đẹp nhất mùa giải 1979/80). Mùa kế tiếp, anh ghi 19 bàn, thuyết phục nhà vô địch Anh và châu Âu Nottingham Forest chi ra 1 triệu bảng để có được ngôi sao mới của bóng đá Anh.
Thế nhưng đó lại là khởi đầu của sự kết thúc. HLV Brian Clough bắt đầu nghe được chuyện Fashanu thường xuyên lui tới quán bar dành cho người đồng tính. Một hôm, ông bước vào phòng thay đồ và hỏi: “Thèm bánh mỳ cậu sẽ làm gì?”. “Tôi nghĩ sẽ tìm một tay làm bánh”, Fashanu đáp. “Ờ, thế muốn đùi cừu nướng cậu đi đâu?”, ông hỏi tiếp. “Tới chỗ bán thịt, tất nhiên rồi”, anh kiên nhẫn trả lời. “Thế hả, vậy sao cậu không đi tìm cô gái nào đó mà lại chui vào cái quán bar khốn kiếp kia?”, Clough gầm lên.
Kể từ đó, ông cấm anh giao du, tập luyện cùng cầu thủ đội một. Có lần Clough còn gọi cảnh sát tới lôi Fashanu ra khỏi sân. Bị cô lập, phong độ Fashanu rớt thê thảm. Rồi anh rời Forest, chơi cho những đội bóng khiêm tốn hơn. Trong vòng 9 năm, anh khoác áo 9 CLB khác nhau, từ chuyên nghiệp đến bán chuyên. Sự nghiệp ngày càng hạ cấp, Fashanu cũng rơi vào cảnh cạn tiền. Đó là lúc tờ The Sun xuất hiện.
Tờ báo chuyên moi móc chuyện đời tư này đã tiếp cận, gạ gẫm nếu Fashanu chịu công khai đồng tính sẽ nhận lại khoản tiền lớn. Anh đồng ý. The Sun mở màn bằng loạt bài dạo đầu, úp mở về một ngôi sao bóng đá là gay. Chắp nối các chi tiết, người ta sớm nhận ra nhân vật bí ẩn này là Fashanu.
Fashanu có ông em tên John đang là thủ lĩnh ở Wimbledon, đội bóng nổi tiếng côn đồ ở xứ sở sương mù. Sợ rằng danh tiếng của gia đình và bản thân sẽ bị hủy hoại, John về nhà khuyên nhủ, mắng nhiếc rồi miệt thị anh trai, đưa 100.000 bảng và cấm không được lên báo.
Fashanu cầm tiền, song hôm sau vẫn có mặt ở tòa soạn The Sun để lên trang nhất với dòng tít: “Tôi là gay”. Anh đã quá ngây thơ với suy nghĩ mình sẽ được chấp nhận, không biết rằng chờ mình phía trước là địa ngục trần gian.
Cầu thủ từng chơi U21 Anh vẫn tiếp tục sự nghiệp, nhưng các đồng đội từ chối tắm chung với anh trong phòng thay đồ. Sự hắt hủi triệt để đến mức anh phải thay nhờ quần áo ở phòng trọng tài. Thế giới bóng đá thuộc về kẻ mạnh và không có chỗ cho kẻ yếu. Là người đồng tính, Fashanu mặc nhiên bị coi là kẻ yếu, thậm chí là dạng sinh vật không nên tồn tại.
Để mọi chuyện tồi tệ hơn, truyền thông lá cải còn tấn công Fashanu trên phương diện tôn giáo, nói anh là “hiện thân của quỷ satan”. Và trong thời đại sợ hãi căn bệnh thế kỷ HIV, chính tờ The Sun tuyên truyền rằng “những kẻ biến thái, lệch lạc tình dục (như Fashanu) phải chịu trách nhiệm cho căn bệnh chết người”.
Fashanu đã phải chạy trốn khắp nơi. Tính ra trong sự nghiệp thi đấu 19 năm, anh đã chơi cho 22 CLB ở 7 quốc gia khác nhau, trải dài qua 3 châu lục. Năm 1998, 1 năm sau khi giải nghệ, Fashanu bị cáo buộc tấn công tình dục một thanh niên 17 tuổi tại Mỹ. Fashanu cho biết hành động đó có sự đồng thuận của cả hai, song tại tiểu bang Maryland, đồng tính luyến ái bị coi là bất hợp pháp. Sợ bị cầm tù, anh trốn về Anh, rồi treo cổ tự vẫn vài ngày sau đó, khi mới 37 tuổi.
Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, Fashanu viết: “Tôi hy vọng Chúa sẽ chào đón tôi trở về, và cho tôi sự bình yên”.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)