Đêm qua, Indonesia đã trải qua một trận đấu đáng tiếc. Họ dẫn 2-1 đến những giây cuối cùng nhưng lại không thể giữ được chiến thắng. Một trong những lý do dẫn đến trận hòa này là quyết định bù giờ “quá đà” của trọng tài người Oman, Ahmed Al Kaf.
Trên bảng điện tử chỉ bù 6 phút nhưng đến khi đồng hồ điểm phút thứ 9 ông vẫn cho cuộc chơi tiếp tục và kết cục là Bahrain đã tận dụng rất tốt lợi thế về thời gian để gỡ hòa 2-2, giật lại vị trí thứ 3 tại bảng C.
Phía Indonesia rất bức xúc về quyết định của trọng tài Ahmed Al Kaf. Sau trận, LĐBĐ xứ vạn đảo đã gửi thư phàn nàn lên AFC. Không chỉ cơ quan này, truyền thông Thái Lan cũng tỏ ra không hài lòng với cơ quan điều hành bóng đá châu Á.
Họ cho rằng sự cố của Indonesia không phải là lần đầu tiên khi trong quá khứ, nhiều đại diện Đông Nam Á phải chịu thiệt thòi dưới tiếng còi của các trọng tài Arab, đặc biệt khi gặp những đối thủ Tây Á.
Không phải ngẫu nhiên mà trong cả 3 trận gặp Saudi Arabia, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan đều nhận penalty tranh cãi. Với Việt Nam là tình huống Duy Mạnh bị bắt lỗi ở trận ra quân vòng loại World Cup 2022, Indonesia cũng dính phạt đền ở trận ra quân vòng loại World Cup 2026 (Maarten Paes cản phá thành công). Còn với Thái Lan là pha phạt đền ở vòng bảng Asian Cup 2023. Bên cạnh đó, U23 Thái Lan cũng chịu penalty khi gặp Saudi Arabia ở tứ kết giải U23 châu Á 2020.
Bên cạnh đó là nhiều tranh cãi khác liên quan đến các trọng tài Arab. Tất cả khiến tờ Mainstand của Thái Lan lên tiếng: “AFC phải ngừng sử dụng trọng tài Arab điều khiển các trận đấu mà các quốc gia Tây Á thi đấu với Đông Nam Á. Trước đây, các đội tuyển Đông Nam Á hay cả Đông Á đều bị thiệt thòi khá nhiều từ cách bố trí này.
Đặc biệt, trận đấu vòng loại World Cup 2026 giữa Bahrain và Indonesia đêm qua đã thể hiện rõ ràng sự thiệt thòi. Thời gian bù giờ kéo dài hơn số phút được công bố (9 so với 6 phút). Tại giải U23 châu Á 2020, Thái Lan đã bị loại bởi bàn thua duy nhất từ chấm phạt đền, trong trận đấu do chính ông Ahmed Al Kaf cầm còi”.
Theo Đặng Lai (Tiền Phong)