Tối ngày 11/9 vừa qua, trận đấu giữa Hà Nội FC và CLB Nam Định diễn ra tại sân Hàng Đẫy trở thành đề tài bàn tán xôn xao dư luận. Nhưng người ta không nói về kết quả trận đấu hay màn trình diễn của các cầu thủ mà lại chỉ trích về hành động của các cổ động viên quá khích, đốt pháo sáng ném vào khán đài và xuống sân bóng, làm 1 người phụ nữ bị bỏng đến nỗi phải nhập viện cấp cứu. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra trường hợp cổ động viên làm loạn bằng pháo sáng nhưng nhưng lần này lại nghiêm trọng hơn cả khi có nạn nhân bị đe dọa tính mạng. Sự cố này hẳn sẽ trở thành vết nhơ không thể xóa nhòa của lịch sử bóng đá Việt Nam.
Hành động trên khiến người ta liên tưởng đến hooligan, thuật ngữ tiếng Anh ám chỉ những người hay nhóm người thường xuyên có các hành động côn đồ và phá hoại xung quanh các trận thi đấu bóng đá. Họ đến sân bóng dưới cái vỏ bọc cổ động viên nhưng thực chất lại là để gây ra nhiều rắc rối.
Nhắc đến hooligan, dám chắc mọi fan bóng đá không thể quên được thảm kịch xảy ra ở sân vận động Heysel, thành phố Brussels, Bỉ, vào năm 1985. Ngày hôm đó là trận bóng đỉnh cao giữa Liverpool và Juventus để tranh cúp C1 châu Âu. Chỉ 1 giờ trước khi trận đấu diễn ra, 1 nhóm hooligan của Liverpool đã tấn công sang khu vực của cổ động viên CLB nước Ý.
Cuộc ẩu đả khiến 1 bức tường bị sụp đổ và 39 người thiệt mạng, đa số là cổ động viên của Juventus, và hơn 600 người bị thương. Bất chấp những điều đó, trận đấu vẫn được diễn ra như dự kiến gây bức xúc dư luận. Những gì diễn ra ở Heysel đánh dấu phong trào hooligan đạt đến đỉnh điểm, được đánh giá là thảm kịch tồi tệ nhất lịch sử bóng đá thế giới buộc các nhà chức trách buộc phải vào cuộc giải quyết. Kết quả các đội bóng Anh bị cấm tham dự tranh cúp ở châu Âu trong vòng 5 năm, riêng Liverpool là 6 năm. 4 năm sau, việc tố tụng mới kết thúc, với 14 hooligan phải lãnh án 3 năm tù.
Bất chấp nỗ lực của các hiệp hội bóng đá, hooligan vẫn luôn là nỗi ám ảnh của các khán giả đến sân bóng để thưởng thức và cổ vũ cho đội bóng yêu thích của mình. Ngoài sự việc xảy ra ở sân Hàng Đẫy thì trong quá khứ, vào năm 2014, trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia trong khuôn khổ AFF Suzuki Cup đã không thể diễn ra suôn sẻ bởi nhóm hooligan Malaysia tấn công cổ động viên nước ta.
Trước sự lộng hành của hooligan, các nhà khoa học cũng vào cuộc nghiên cứu tâm lý của nhóm người này. Dưới góc nhìn xã hội học, nó xuất phát từ sự khác biệt về văn hóa, trình độ dân trí, phong cách cổ vũ.. của các cổ động viên. Vốn là môn thể thao vua, thu hút mọi thành phần khán giả trên khán đài, không có gì khó hiểu khi bóng đá lại xảy ra nhiều scandal nhất trong giới thể thao. Nhất là khi nạn phân biệt chủng tộc vẫn luôn là vấn đề gây nhức nhối, nó trở thành nguồn cơn gây ra rất nhiều mâu thuẫn giữa các cổ động viên.
Về phía các nhà khoa học của Đại học Pennsylvania tin vào kết luận con người có xu hướng bắt chước những gì họ chứng kiến. Cụ thể, khi tham gia đá bóng, các cầu thủ sẽ tiết ra rất nhiều hóc môn testosterone khiến họ trở nên phấn khích, kích thích hơn. Điều này cũng diễn ra tương tự với các cổ động viên. Trong trường hợp cầu thủ trên sân có hành vi tranh chấp bóng bạo lực thì cổ động viên cũng sẽ bị kích động trở thành hooligan làm loạn trên khán đài.
Đã là trận đấu thì phải có người thắng và kẻ thua cuộc. Nếu như trận đấu bóng không diễn ra như ý muốn, đội bóng yêu thích gặp thất bại thì các cổ động viên sẽ hình thành tâm lý buồn bã, lo âu. Lúc này não bộ sẽ giải phóng dopamine và serotonin để ngăn chặn ăn thẳng nhưng nhiều người vẫn không kiềm chế được sự giận dữ nên tìm cách trút cơn giận… và tất nhiên, khán giả của đội bóng đối thủ lãnh đủ.
Theo Imacho (Helino)