Ông Lê Hùng Dũng là nhân vật cao cấp nhất của làng bóng đá Việt Nam khi là người giữ “tay hòm chìa khóa” phụ trách tài chính, tài trợ cho bóng đá Việt nhiều năm. Năm 2014, ông Dũng trúng cử chức Chủ tịch VFF sau khi Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải không tham gia tranh cử. Khi trúng cử, ông Dũng hứa đem về cho bóng đá khoản tiền lên tới hơn 300 tỉ trong nhiệm kỳ này, nhưng cho đến nay, lời hứa vẫn là lời hứa.
Chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng. |
Trong vai trò Chủ tịch VFF, ông Dũng cũng không còn xuất hiện nhiều trên báo chí để nói về những vấn đề nóng của bóng đá, một phần do ông đang điều trị bệnh, một phần ông “không còn tâm trí” với bóng đá sau khi thừa nhận thất bại ở Eximbank.
Ngày 18.8, làng bóng đá xôn xao thông tin đồn ông Lê Hùng Dũng - chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, Chủ tịch VFF, bị bắt và Eximbank bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, ngay lập tức đại diện Eximbank và ông Dũng đều khẳng định tất cả đều là tin đồn không có cơ sở và có phần ác ý.
Song, những thông tin như vậy góp phần tác động khá tiêu cực tới giải bóng đá V.League đang ở giai đoạn nóng nhất - giai đoạn cuối mùa giải. Hiện V.League đang ở trong giai đoạn nhạy cảm và có khả năng mất lái cao với hàng loạt những trận đấu “có mùi” nhưng không được xem xét triệt để như trận Cần Thơ - Hải Phòng, ĐT.Long An - Đà Nẵng, Đồng Nai - Thanh Hóa đều là những trận có tỉ số bất thường.
Trong bối cảnh ấy, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB HAGL, PCT VFF, người được cho là “hợp cạ” với ông Lê Hùng Dũng - cũng công khai “không mấy quan tâm” tới tình hình VFF.
Nhiệm vụ của bóng đá phong trào
Trong lúc NHM đang “bối rối” trước những vấn đề mới của bóng đá Việt Nam thì một điểm sáng đã được ghi nhận: Hôm qua, giải bóng đá Ngoại hạng Hà Nội do VietFootball tổ chức đã ra mắt mùa thứ 3. Đây là giải bóng đá phong trào được tổ chức theo thể thức League đi theo định hướng “chuyên nghiệp hóa bóng đá phong trào” nhưng vẫn bảo toàn nét hay, đẹp, tính cộng đồng, phổ cập bóng đá như một phương tiện phát triển thể chất và tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần vào giao lưu xã hội, gắn kết cộng đồng. Điều lệ giải cho phép đăng ký cả cầu thủ chuyên nghiệp nên HPL-S1 quy tụ rất nhiều gương mặt đình đám như Quả bóng Vàng Việt Nam Phạm Thành Lương, cựu tuyển thủ QG Đặng Phương Nam, cựu tuyển thủ QG Tuấn Thành, Quốc Trung…
Điều đáng nói, giải này được xã hội hóa khá cao và trở thành động lực thúc đẩy bóng đá phong trào, đại diện Bia Sài Gòn (doanh nghiệp tài trợ cho nhiều giải phong trào) khẳng định họ “cảm thấy tự hào khi đồng hành giải”. Trong khi đó, Phó chủ tịch VFF - ông Nguyễn Xuân Gụ - chia sẻ thẳng thắn: “Bóng đá chuyên nghiệp thì Việt Nam có thể thua Thái Lan nhưng bóng đá phong trào thì có thể thắng. Có lẽ cần lên kế hoạch để tập hợp một đội tuyển phong trào sang Thái Lan đá để cho họ biết bóng đá Việt Nam vẫn có những điểm mạnh, điểm hay”.
Theo Thuận An (Lao Động)