Đánh giá về cục diện bảng A, tờ Sina của Trung Quốc nhận định đội tuyển quốc gia nước này chỉ có chút ít lợi thế sau những màn "khởi động" đầu ấn tượng của cả Oman, Việt Nam lẫn Saudi Arabia.
Tờ báo này nhận định, trong mắt người hâm mộ bóng đá Trung Quốc, Nhật Bản chắc chắn là đội mạnh nhất bảng A, đội tuyển nước nhà phải vượt qua bằng được Australia và Saudi Arabia nếu muốn đoạt vé đi tiếp, còn Việt Nam và Oman là "những món quà". Song trên thực tế để thắng Việt Nam và Oman bằng thực lực là không hề dễ dàng.
Để chứng minh cho nhận định của mình, tờ Sina đã phân tích sức mạnh hiện tại của các đối thủ của đội tuyển Trung Quốc ở bảng A, bắt đầu bằng Việt Nam.
1. Việt Nam: Giải tán V.League để tập trung cho đội tuyển quốc gia
Mười lăm năm trước, đội tuyển Việt Nam chả có tý tên tuổi nào ở châu Á. Với sự ra đời của hệ thống đào tạo trẻ chuyên nghiệp, bắt đầu bằng học viện bóng đá kết hợp cùng Arsenal của bầu Đức, sự phát triển của bóng đá Việt Nam có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Họ có một giải VĐQG hoàn chỉnh, chuyên nghiệp và giành ngôi Á quân U23 châu Á. Và hiện tại, họ lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào vòng loại cuối World Cup.
Theo thông tin có được, để các tuyển thủ nước nhà có đủ thời gian tập trung đội tuyển, giải VĐQG Việt Nam đã phải bị hủy bỏ. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng đã cực kỳ tích cực để giữ được lợi thế sân nhà. Đúng mùng 1 Tết Nguyên đán, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với Việt Nam trên sân Mỹ Đình.
Đội tuyển Việt Nam vốn dĩ luôn thất bại trước Trung Quốc và bị chúng ta coi thường, song rất có thể cái dớp khó chịu ấy sẽ được phá đúng vào mùng 1 Tết Nguyên đán. Trước lễ bốc thăm, người hâm mộ Việt Nam cực kỳ mong mỏi được đối đầu với Trung Quốc, và trợ lý của HLV Park Hang-seo cũng tỏ ra cực kỳ tự tin khi nhận xét rằng được nằm cùng bảng với Trung Quốc là điều may mắn.
Trong quá khứ, đội tuyển Trung Quốc luôn dựa vào sức mạnh thể hình và thể lực để hạ Việt Nam, nhưng giờ đây đã đến lúc phải cực kỳ thận trong khi trong tay HLV Park Hang-seo đang có những chân chuyền thượng thặng, cùng chân sút "sát thủ" Nguyễn Tiến Linh - tiền đạo từng ghi 2 bàn thắng vào lưới U22 Trung Quốc.
Tiếp theo, ở vị trí thứ hai, tờ Sina nhắc đến Oman với chuỗi trận toàn thắng cực kỳ ấn tượng trong chuyến tập huấn ở Serbia với 4 chiến thắng liên tiếp, ghi 10 bàn và không để thủng lưới bất kỳ bàn nào.
Thứ ba là Saudi Arabia, với lợi thế dễ nhận ra nhất khi so sánh với đội tuyển Trung Quốc là đội tuổi trung bình chỉ là 26,1, trong khi đó các học trò của HLV Lý Thiết có đội tuổi trung bình lên đến 29, bên cạnh đó là kinh nghiệm dày dặn khi đã lọt vào VCK ở 4 kỳ World Cup.
Thứ tư là đội tuyển Australia, điểm đáng ngại nhất khiến đội tuyển Trung Quốc phải lo lắng là từ khi gia nhập AFC, Australia chưa từng vắng mặt ở bất kỳ VCk World Cup nào. Mới đây, họ tuyên bố sẽ giành đủ 6 điểm trong hai trận đối đầu với đội tuyển Trung Quốc. Rất ít người nghi ngờ khả năng này, và sẽ là một kỳ tích nếu thầy trò HLV Lý Thiết có thể kiếm được điểm trước đội bóng này.
Đối thủ còn lại - Nhật Bản, đã vượt trên tầm châu Á với rất nhiều tuyển thủ đang thi đấu ở Serie A, Premier League, Bundesliga và La Liga. Nhật Bản và Iran chính là hai đội nắm chắc nhất chiếc vé tham dự VCK World Cup 2022 dựa vào thực lực của mình. Đối đầu với họ, đội tuyển Trung Quốc chỉ có thể hi vọng vào những pha treo bóng bổng hú họa vào vòng cấm địa mà thôi.
Theo Ngô Trà (Pháp Luật & Bạn Đọc)