Ngày 14/2 vừa qua, cả HLV Park Hang-seo và vị trợ lý Lee Young-jin đã cùng có mặt trong buổi ra mắt của Công Phượng ở CLB Incheon United. Sau gần 2 năm làm việc, bộ đôi chiến lược gia người Hàn Quốc này đã có ảnh hưởng rất lớn tới nền bóng đá của Việt Nam.
Lo lắng khi theo ông Park sang Việt Nam
Ông Lee từ lâu luôn được coi là cánh tay phải của HLV Park Hang-seo. Từng có kinh nghiệm trong vai trò HLV cho Daegu FC ở quê nhà Hàn Quốc, thế nhưng khi nhận được lời mời của thầy Park cùng hợp tác và làm việc ở Việt Nam, ông Lee vẫn nhìn nhận đây là một thách thức không hề nhỏ.
Lee chia sẻ trong buổi phỏng vấn với SpoTV khi đang có mặt ở quê nhà Hàn Quốc: "Tôi với ông Park đã quen biết nhau từ rất lâu. Khi tôi mới gia nhập CLB Lucky-Goldstar, tiền thân của Seoul FC ngày nay, tôi đã ở cùng phòng với ông ấy".
Tại World Cup 1994, khi ông Park đã chuyển sang vai trò trợ lý HLV thì Lee vẫn đang là cầu thủ được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Dù có mối quan hệ đặc biệt thân thiết với nhà cầm quân hơn mình 4 tuổi, ông Lee vẫn rất khó khăn để đưa ra quyết định nhận lời mời hợp tác.
"Mối quan hệ của chúng tôi rất tốt. Thế nhưng khi ông Park ngỏ lời mời, tôi vẫn thấy có chút lo lắng, nhưng tôi đã nghĩ đây sẽ là cơ hội để thử thách chính mình", ông nói.
Lee nhớ lại: "Dù từng tham dự World Cup, ông Park vẫn có chút hồi hộp khi chưa có kinh nghiệm trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia ngay cả khi đã dẫn dắt đội bóng ở K.League. Đó là lý do khiến hơn một năm đầu tiên ở Việt Nam trở nên khá mới mẻ đối với cả hai chúng tôi".
Tuy nhiên, ông Park đã trấn an người trợ lý của mình rằng sẽ không có quá nhiều khác biệt khi làm việc ở Việt Nam so với Hàn Quốc. "Tôi chỉ cần chú ý nhiều hơn ở khâu giao tiếp", Lee kể lại lời nhắc nhở của ông Park.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp
Trong quãng thời gian làm việc tại Việt Nam, người cộng sự của "ngài ngủ gật" tỏ ra khá thoải mái và hài lòng. Ông nói: "Không có khó khăn nào đáng kể khi chúng tôi làm việc. Cũng thi thoảng tôi thấy chút bất tiện khi phải giao tiếp với các cầu thủ hay lúc nào cũng phải nói chuyện thông qua người phiên dịch. Nhưng cá nhân tôi tin rằng sự chân thành của tôi đều có thể chạm đến các cầu thủ".
Bên cạnh đó, Lee cũng giải thích rằng ông Park luôn khuyến khích việc giao tiếp với các cầu thủ bằng ngôn ngữ cơ thể. Điều này có ảnh hưởng rất lớn để tạo nên bầu không khí gần gũi, gắn kết giữa thầy và trò.
"Chúng tôi không thể trao đổi trực tiếp với nhau nhưng tôi có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể. Và dường như các cầu thủ có thể cảm nhận rất tốt những điều mà chúng tôi muốn truyền đạt. Tôi nghĩ rằng chính cách làm đó đã tạo nên một cơ sở tuyệt vời để biến tuyển Việt Nam thành một đội bóng tốt và đang trên đà phát triển thuận lợi như hiện tại", ông nhận định.
Trợ lý Lee và thầy Park đã quen biết nhau từ khi còn là cầu thủ. Mối quan hệ này đã sâu sắc và thân thiết hơn rất nhiều khi cả hai cùng ra nước ngoài làm việc chung kể từ năm 2017.
Trong mắt nhiều người, vai trò của một vị trợ lý phụ thuộc rất nhiều vào HLV, nhưng chính ông Park cũng phải thừa nhận tầm quan trọng của ông Lee trong công việc và cuộc sống của mình.
Theo SpoTV, nếu ông Park là chìa khóa để tạo sự đoàn kết với các cầu thủ Việt Nam thì trợ lý Lee lại đóng vai trò trở thành người chia sẻ suy nghĩ và lắng nghe ý kiến của riêng ông Park.
"Tôi từng là một HLV ở Hàn Quốc nên tôi có thể biết được ông Park đang nghĩ gì, cần gì, đội bóng của ông ấy đang thiếu cái gì hay cần làm gì để đội bóng tốt hơn. Giao tiếp và lắng nghe một cách cẩn thận là một phần trong công việc của tôi, và tôi rất vui khi làm điều đó cho ông Park", Lee chia sẻ.
Theo Bích Hiền (Tri Thức Trực Tuyến)