Nội bộ FIFA vẫn chưa “sóng yên biển lặng” sau khi nhiều cựu quan chức tố cáo cuộc chiến chống tham nhũng dưới triều đại Chủ tịch Gianni Infantino đang được tiến hành đầy mờ ám.
Sau khi đắc cử chức Chủ tịch FIFA hồi tháng 2 năm ngoái để thay thế Sepp Blatter, ông Infantino tuyên bố sẽ làm cuộc cải cách toàn diện nhằm lấy lại uy tín của tổ chức sau hàng loạt bê bối tham nhũng rúng động thể thao thế giới. Vị quan chức 47 tuổi người Thụy Sĩ được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng trong nội bộ tổ chức nhằm quét sạch những quan chức “bẩn”.
Thế nhưng, những tuyên bố “có cánh” của Infantino bắt đầu bị hoài nghi kể từ tháng 5 sau khi Hội đồng FIFA loại bỏ các quan chức đứng đầu ủy ban đạo đức, phòng điều tra và ủy ban điều hành của tổ chức lần lượt là Hans-Joachim Eckert, Cornel Borbely và Miguel Maduro. Theo FIFA, Eckert và Borbely bị thay thế vì có thể cản trở cuộc điều tra chống tham nhũng của FIFA. Trong khi đó, sự ra đi của Maduro (cựu Bộ trưởng Phát triển vùng của Bồ Đào Nha) được ông Infantino úp mở bắt nguồn từ sự liên đới chính trị.
Dẫu vậy, theo tờ The New York Times, các quyết định thay đổi nhân sự cấp cao của FIFA gây nhiều tranh cãi, trong đó kéo theo một số thành viên khác thuộc 2 ủy ban nói trên cũng như Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Domenico Scala từ chức. Hầu hết các quan chức trên là những người trực tiếp tham gia quá trình phanh phui bê bối tham nhũng triều đại Sepp Blatter khiến hơn 70 quan chức FIFA bị truy tố và kết án trong hơn 2 năm qua.
Sóng gió của Infantino bắt đầu nổi lên sau khi dư luận chỉ trích việc loại bỏ Eckert và Borbely sẽ làm hại quá trình cải cách đang diễn ra của FIFA. Nhiều ý kiến hoài nghi việc ông Infantino muốn “bịt đầu mối” những bê bối mới, trong đó có nghi án Nga và Qatar “mua” quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022, những nghi án đang có dấu hiệu bế tắc điều tra. Bởi trước khi bị cho thôi việc, Borbely tuyên bố hàng trăm trường hợp tham nhũng trong nội bộ tổ chức FIFA vẫn đang điều tra và chờ xử lý. Bản thân
2 quan chức trên tuyên bố quyết định loại bỏ họ của FIFA “sẽ đưa các công tác của Ủy ban Đạo đức trở lại vết xe đổ trong quá khứ và chấm dứt nỗ lực cải cách của tổ chức”. Phải chăng ông Infantino chỉ “hô hào” để làm yên dư luận nhưng bên trong vẫn “nuôi dưỡng” cách điều hành cục bộ như dưới thời ông Blatter?
Trước sự hoài nghi, ông Infantino bác bỏ tất cả và ví những phản ứng của các cựu quan chức FIFA nói trên chỉ như “cơn bão trong tách trà” (ý nói không có gì đáng phải ầm ĩ - PV). Tuy nhiên, sự mờ ám dưới thời của tân Chủ tịch Infantino có thể khiến FIFA rơi vào khủng hoảng mới khi ông Maduro đồng ý tiết lộ tất cả các bí mật của tổ chức quyền lực nhất bóng đá thế giới ở một phiên họp của Hạ viện Anh tuần này. Phiên họp sẽ là một phần cuộc điều tra của Ủy ban Quản lý thể thao thuộc quốc hội Anh và báo cáo (trong đó có những bí mật của FIFA) sẽ được công bố vào cuối năm nay.
Theo Tây Nguyên (Thanh Niên Online)