Thùy Trang làm quen với trái bóng tròn từ môn ...futsal. Cô từng 2 lần giành huy chương bạc SEA Games cùng đội tuyển futsal nữ Việt Nam ở SEA Games 2011 và 2013. Năm 2014 cô gái sinh năm 1988 mới chính thức chuyển sang thi đấu bóng đá chuyên nghiệp cho CLB TP.HCM.
Từ đó đến nay Thùy Trang đã cùng đại diện Sài thành giành 6 chức vô địch quốc gia (2015, 2016, 2017, 2019, 2020, 2021, 2022) và 3 chức vô địch Cúp quốc gia (2020, 2021, 2022). Sau khi Huỳnh Như chuyển sang Bồ Đào Nha thi đấu, Thùy Trang mang tấm băng đội trưởng của TP.Hồ Chí Minh.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, kể từ lần đầu được triệu tập vào năm 2014, tính đến nay tiền vệ này đã có 60 lần ra sân, chỉ kém Huỳnh Như, Hải Yến, Chương Thị Kiều, Tuyết Dung và Bích Thùy.
Biết hình thể nhỏ con và mảnh khảnh, Thùy Trang luôn siêng năng tập luyện. Cô luôn là người tập nhiều nhất đội, đến sớm nhất và về muộn nhất, luôn tự uốn nắn, rèn luyện, khắc phục các điểm yếu của mình. Với tính cách khá mạnh mẽ, cô thi đấu như “người không phổi” ở tuyến giữa đội tuyển nữ Việt Nam những năm qua. Sự nhiệt huyết, mạnh mẽ, nhưng tỉnh táo của cô giúp đội nhà kiểm soát được thế trận và nhịp độ chơi bóng.
Với các đồng đội, Thùy Trang là một cỗ máy hoạt động không biết mệt mỏi ở khu vực giữa sân, một Kante phiên bản nữ của bóng đá Việt Nam. Nhiều năm qua, tiền vệ Thuỳ Trang đã cùng với thủ môn Kim Thanh, trung vệ Chương Thị Kiều, tiền đạo Huỳnh Như hình thành trục dọc cứng của TP.HCM và đội tuyển nữ Việt Nam, liên tiếp mang lại nhiều vinh quang cho CLB và đất nước.
Sự nỗ lực bền bỉ và khả năng xuất sắc của Thùy Trang đã giúp cô trở thành trụ cột của đội tuyển nữ Việt Nam ở sân chơi 11 người. Đến nay, cô đã có 12 năm “ăn cơm” đội tuyển, là trụ cột của đội với bảng thành tích đáng nể khi có trong tay đến 7 lần vô địch quốc gia, 3 lần vô địch Cúp quốc gia, 1 HCV và 2 HCB Đại hội TDTT toàn quốc, 2 HCV SEA Games 29 và 31, 1 HCB Đông Nam Á và 2 HCB Futsal tại Seagames 26, 27….
Đáng chú ý, Trần Thị Thùy Trang đã được vinh danh và trao danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” năm 2022, Quả bóng bạc năm 2022.
Hành trình vượt qua nghịch cảnh để trở thành thủ lĩnh của đội tuyển nữ Việt Nam
Trần Thị Thùy Trang là con áp út trong gia đình có 9 anh chị em ở Đại Lộc, 1 trong những huyện nghèo ở tỉnh Quảng Nam. Cô đến với bóng đá nhờ nguồn cảm hứng từ anh trai, người cũng suýt chút nữa theo sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp. Không may anh trai bị tai nạn và qua đời đúng vào thời điểm cô đang ôn thi đại học với đích đến là trường Đại học thể dục thể thao TP.HCM.
Khi bắt đầu thi đấu bóng đá nữ chuyên nghiệp, Thùy Trang lại không may dính chấn thương nặng và phải phẫu thuật. Hệ quả của chấn thương này vẫn còn lại tới giờ và ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt cũng như tập luyện của tiền vệ quê Quảng Nam.
"Khoảng 2 tháng sau ca mổ, xương của tôi chưa lành hẳn. Nhưng vì quá nôn nóng cho giải vô địch quốc gia lần đầu tham dự, tôi đã tập luyện sớm hơn chỉ định. Vai của tôi lòi lên cây vít cố định trước đó. Ca tiểu phẫu sau đó phải diễn ra sớm để lấy cây vít ra, còn lại thép ở trong xương lúc bấy giờ", Thùy Trang hãi hùng nhớ lại.
"2 năm sau đó, tôi trải qua ca phẫu thuật lớn thứ 2. Thép được tháo ra nhưng bác sỹ phải gắn 6 con vít cố định xương của tôi lại. Lâu dần những con vít đó gắn sâu vào bên trong.
Tôi cũng hỏi nhiều bác sỹ để xin tư vấn. Nhiều bác sỹ thừa nhận lấy ra lúc này sẽ rất đau, vì những con vít đã ở sâu bên trong người của mình. Nhưng có lẽ, sau khi khép lại World Cup, tôi vẫn sẽ mổ để lấy ra. Giờ thì vẫn phải làm bạn với nó trong hành trình giải đấu", cô bộc bạch.
Thế nhưng số phận éo le vẫn chưa dừng lại ở đó. Năm 2017, mẹ Thùy Trang được chẩn đoán mắc ung thư dạ dày. Tiền lương, thưởng và các thu nhập từ bóng đá đều được cô dồn cho mẹ chữa trị. Năm 2018, đến lượt cha Thùy Trang bị tai biến và phải nằm liệt giường. Cô bị sốc nặng và từng có ý định từ bỏ bóng đá để về chăm sóc cha mẹ.
Nhờ sự động viên của HLV và đồng đội, Thùy Trang tiếp tục chơi bóng với hy vọng kiếm thêm thu nhập giúp cha mẹ trị bệnh và gia đình vượt qua khó khăn. Cuộc sống liên tục thử thách cô gái nhỏ nhắn của đội tuyển Việt Nam nhưng bằng tài năng, ý chí kiên cường và lòng quyết tâm, cô đã lần lượt vượt qua và tiếp tục cống hiến tại World Cup nữ 2023, kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Minh Ngọc (SHTT)