Đến tận bây giờ, nhắc tới J.League 2 có lẽ không ít người hâm mộ Việt Nam vẫn chưa quên được "trái đắng" mà họ phải nhận vào năm 2016.
Thời điểm đó, một trận đấu đáng nhớ giữa Công Phượng và Tuấn Anh trên đất Nhật Bản là những gì mà CĐV Việt Nam vô cùng chờ đợi. Đặc biệt sau những màn PR rầm rộ trên các phương tiện truyền thông mà Mito Hollyhock thực hiện. Nhưng rồi tất cả đã phải thất vọng.
Mọi việc diễn ra vào tháng 10/2016, khi J.League 2 đi dần về giai đoạn cuối. Cuộc đối đầu giữa Mito Hollyhock và Yokohama ở vòng 36 (giải có 42 vòng) không còn mang nhiều ý nghĩa khi cả hai đã chắc chắn trụ hạng. Tuy nhiên, lãnh đạo CLB Mito Hollyhock lại không nghĩ vậy.
Sức hút lớn từ hai cái tên Công Phượng và Tuấn Anh với người hâm mộ Việt Nam khiến mà CLB Mito Hollyhock thực hiện một chiến dịch truyền thông rầm rộ.
Họ mời một số phóng viên Việt Nam sang Nhật Bản để dự khán, đồng thời tích cực quảng cáo về trận đấu và gọi đây là trận "Vietnam derby in Japan" (derby Việt Nam tại Nhật Bản). Các phương tiện truyền thông tại Việt Nam cũng háo hức đón chờ cuộc đối đầu của hai ngôi sao trẻ. Và trận đấu này cũng được kênh truyền ở Việt Nam mua bản quyền phát sóng, quảng cáo rầm rộ.
Không chỉ thế, CLB Mito Hollyhock còn mời được 3 doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn ở Việt Nam cũng như 1 doanh nghiệp Việt bỏ tiền ra để tài trợ riêng cho trận đấu này. Rất đông CĐV Việt Nam đã tới sân để theo dõi trận đấu. Nhưng rồi tất cả đã phải nhận về sự thất vọng tràn trề, vì chẳng có cuộc derby Việt Nam nào ở đây cả.
Nguyên nhân là bởi phía Yokohama FC không đăng ký Tuấn Anh vào danh sách thi đấu. Ở phía bên kia, Công Phượng sau phần giao lưu với khán giả Việt Nam ở đầu trận cũng chỉ ngồi trên ghế dự bị và phải đến phút 86 mới được tung vào sân.
Trong số 8 phút ít ỏi có mặt trên sân, Công Phượng dù được cổ vũ nhiệt tình từ trên khán đài nhưng cũng chẳng thể có được nổi một lần chạm bóng.
CĐV Việt Nam không giấu được sự thất vọng vì màn PR quá lố của CLB Mito Hollyhock. Cả Công Phượng và Tuấn Anh vốn đều ít được ra sân. Nhưng đội bóng Nhật Bản đã tận dụng triệt để cơ hội này để PR và khiến khán giả Việt Nam phải nhận về một "miếng bánh vẽ".
Và có thể nói, trận đấu này cũng chính là hình ảnh minh họa cụ thể nhất cho chuyến đi của Công Phượng và Tuấn Anh tới J.League 2 ở mùa giải năm đó.
Trong gần 1 năm tại Nhật Bản, Công Phượng được ra sân 5 lần ra sân ở J.League 2, 2 trận đấu được đá chính tại cúp Hoàng đế Nhật Bản. Tuy nhiên dấu ấn mà tiền đạo này tạo ra gần như không có.
Với Tuấn Anh, tiền vệ này thậm chí còn chỉ có 2 lần được ra sân ở cúp Hoàng đế Nhật Bản mà không được trao cơ hội ở J.League 2. Trong 2 cơ hội hiếm hoi này, Tuấn Anh đã có được 1 bàn thắng, giúp đội nhà giành chiến thắng 3-2 ở vòng 3 trước Parceiro Nagano FC.
Đến cuối tháng 10, cầu thủ quê Thái Bình dính chấn thương đầu gối và bỏ lỡ AFF Cup 2016.
"Tôi nghĩ rằng cầu thủ có ý thức, kinh nghiệm như Cao Văn Triền sẽ nhiều triển vọng hơn. Còn với Trần Danh Trung thì mình nhìn thấy cơ hội, nhưng thách thức cũng rất lớn. Điển hình là các cầu thủ đàn anh như Công Phượng, Tuấn Anh sang Nhật đều hỏng cả. Đâu có dễ".
Đó là nhận xét của BLV Quang Tùng khi đánh giá về cơ hội của hai tuyển thủ Cao Văn Triền và Trần Danh Trung ở chuyến đi tới FC Ryukyu sắp tới.
Một lần nữa, J.League 2 được đánh giá là giải đấu vừa tầm với các cầu thủ Việt Nam. Giới chuyên gia và người hâm mộ cũng bày tỏ sự hi vọng không hề nhỏ cuộc hành trình lần này của Văn Triền và Danh Trung.
Bởi thế, mong rằng mọi việc lần này sẽ khác. Và sẽ không phải ai đi vào "vết xe đổ" từng xảy ra với Công Phượng và Tuấn Anh.
Theo Linh Đan (Pháp luật và Bạn đọc)