“Nếu anh ấy đủ tốt cho bạn, tức anh ấy đủ tốt cho tôi. Và nếu anh ấy lại ghi một bàn thắng, thì tôi cũng là một người Hồi giáo, như anh ấy”, các CĐV Liverpool say sưa hát trên các khán đài Anfield, sau khi Mohamed Salah nã tới 4 bàn vào lưới Watford hôm thứ bảy.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Salah trở thành người hùng dân tộc của Ai Cập khi ghi bàn quyết định, đưa đất nước này tới World Cup 2018. Và bây giờ, anh là niềm tự hào của cả thế giới Hồi giáo. Nhờ Salah, người châu Âu dần lấy lại thiện cảm với các tín đồ Islam. Họ yêu mọi thứ những gì liên quan đến anh, bao gồm nghi lễ lạy tạ Thượng đế sau mỗi pha làm bàn, đồng thời ngưỡng mộ sự siêng năng cùng ý chí vươn lên của anh, những điều được khuyến khích trong kinh Koran.
Thế nhưng nếu đến ngôi làng Nagrig, nơi cách thủ đô Cairo một con đường gập ghềnh dài 121 cây số giữa những rặng linh lăng và lúa mỳ, khó ai có thể tưởng tượng nổi đây là nơi chàng trai nổi tiếng ấy lớn lên.
Không có bức tượng nào về Salah được dựng lên, các bức tranh tường cũng không nốt. Và ngôi nhà mà gia đình anh đang sống có 3 tầng, giống như những ngôi nhà khác, mặt ngoài không được phủ sơn, ngoại trừ ban công.
Không một dấu hiệu nào của sự phô trương, nhưng ảnh hưởng của Salah hiện diện ở khắp mọi nơi. Từ Học viện Azhari for Girls, dự án dịch vụ đến khu bệnh xá, rồi trung tâm kết nối cộng đồng, trường Mohamed Ayyad Al-Tantawy với sân bóng đá hiện đại và Quỹ Salah, tất cả được tạo ra hoặc được đóng góp bởi cầu thủ 25 tuổi.
Nếu hỏi những người dân ở đây, điều gì khiến họ yêu mến nhất ở Salah, câu trả lời chỉ có một: Sự khiêm tốn. Vua Ai Cập - như các liverpudlian vẫn hay gọi - không bao giờ nói về mình, đặc biệt là đề cập tới những thứ mà anh đã làm để giúp đỡ quê hương. Dẹp bỏ sự nổi tiếng, Salah vẫn đi khắp làng như mọi thanh niên khác, gõ cửa nhà hàng xóm để hỏi thăm họ vào dịp lễ.
Như hiện tại, Salah là ngôi sao sáng nhất Premier League. Nhưng trên con đường anh đã đi không được phủ đắp bởi những lời lẽ đao to búa lớn. Một câu mà Salah lặp đi lặp lại trong các cuộc phỏng vấn là “tôi phải tiếp tục tập luyện chăm chỉ, tôi phải tiếp tục nhìn về phía trước”.
Đó là bí quyết để "Vua Ai Cập" chinh phục mọi cột mốc chỉ trong vòng 8 tháng khoác áo The Kop. Với 28 bàn, hiện Salah đứng trước cơ hội trở thành Vua phá lưới vĩ đại nhất lịch sử Premier League. Nếu có thêm 4 bàn thắng nữa ở 7 trận còn lại, anh sẽ vượt qua kỷ lục 31 bàn được tạo ra bởi Ronaldo 2007/08, Luis Suarez 2013/14 và Alan Shearer 1995/96. Với bình quân 0,93 bàn/trận hoặc 85,5 phút cho mỗi pha lập công, mục tiêu này không hề khó.
Duy trì phong độ này, Salah cũng hoàn toàn có thể kết thúc mùa giải với danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu, thay vì Lionel Messi, Luis Suarez hay Ronaldo như 9 mùa trước. Nhưng ngay cả có thế, chắc chắn cầu thủ người Ai Cập cũng không ưỡn ngực tự nhận mình là giỏi nhất.
Anh sẽ vẫn cúi xuống mặt cỏ để tạ ơn Thượng đế sau mỗi pha lập công rồi tự nhủ, “phải tiếp tục tập luyện chăm chỉ và nhìn về phía trước”. Ngôi sao khiêm nhường này sẽ lại chạy không ngừng, cố gắng tận dụng tài năng của mình để cống hiến cho người hâm mộ, đội bóng và quê hương.
Theo Thanh Đình (Tri Thức Trực Tuyến)