Top 10 khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử EURO

31/05/2016 11:30:00

Từ những chiến thắng đầy bất ngờ của Hy Lạp và Đan Mạch, những hành động gây tranh cãi, cho tới những bàn thắng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, lịch sử EURO đã chứng kiến không biết bao nhiêu khoảnh khắc không thể nào quên.

Từ những chiến thắng đầy bất ngờ của Hy Lạp và Đan Mạch, những hành động gây tranh cãi, cho tới những bàn thắng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, lịch sử EURO đã chứng kiến không biết bao nhiêu khoảnh khắc không thể nào quên.
 
 

10 khoảnh khắc/sự kiện mà chúng tôi đưa ra dưới đây là sự lựa chọn mang tính cá nhân, quý độc giả hoàn toàn có thể có cho riêng mình những lựa chọn khác.
 
Cú sốc Hy Lạp (2004)
 
 
Khi Hy Lạp vượt qua vòng bảng EURO 2004, nhiều người vẫn nghĩ rằng họ ăn may. Thế nhưng, khi đội quân của Otto Rehhagel đánh bại nhà ĐKVĐ Pháp ở vòng tứ kết với bàn thắng duy nhất được ghi từ một pha phối hợp đẹp mắt giữa Zagorakis và Charisteas, thì tất cả đã phải nhìn nhận họ bằng ánh mắt khác. Và thực tế là Hy Lạp đã đi tới tận trận đấu cuối cùng, trước khi đánh bại chủ nhà Bồ Đao Nha và đăng quang chức vô địch gây sốc bậc nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.
 
Cơn điên bàn thắng ở bán kết EURO 1960
 
 
Trận bán kết đầu tiên ở EURO 1960 giữa Nam Tư và Pháp tới nay vẫn được xem là trận bán kết điên rồ nhất trong lịch sử giải đấu. Nam Tư dẫn trước 1-0, nhưng Pháp nhanh chóng ghi một mạch 4 bàn để tạo ra cách biệt 3 bàn. Người Pháp có vẻ như đã hoàn toàn kiểm soát được trận đấu. Nhưng người Nam Tư lại nghĩ khác. 
 
Họ vùng lên mạnh mẽ, và ghi liên tục 3 bàn trong 15 phút cuối trận. Tỉ số chung cuộc là 5-4 nghiêng về Nam Tư, đội sau đó đã thua Liên Xô 1-2 trong trận chung kết.
 
Tây Ban Nha bỏ cuộc vì... chính trị (1960)
 
 
Cũng ở EURO 1960 còn xảy ra một sự kiện hi hữu khác: Bóng đá phải đầu hàng trước chính trị. Đó là chuyện xảy ra với Tây Ban Nha. La Roja đã vượt qua vòng 1 rất dễ dàng với chiến thắng 7-2 trước Ba Lan để hẹn hò với Liên Xô ở vòng tứ kết. Tuy nhiên, vì xung đột chính trị, nhà độc tài Franco đã cấm đội bóng tới Liên Xô (ở EURO 1960, trước vòng bán kết các đội thi đấu theo thể thức sân nhà-sân khách), đồng nghĩa với bỏ giải. Đau hơn cho Tây Ban Nha, Liên Xô cuối cùng là đội lên ngôi.
 
Hành động ngu xuẩn của Koeman (1988)
 
 
Trong bóng đá không thiếu những hành động gây tranh cãi, và cũng không thiếu những hành động ngu ngốc. Sau chiến thắng 2-1 trước chủ nhà Tây Đức ở bán kết EURO 1988, hậu vệ Ronald Koeman của Hà Lan đã có một hành động bị cho là ngu xuẩn. Ông đổi áo với Olaf Thon của Tây Đức, rồi dùng chính chiếc áo đó để... chùi mông. 
 
Koeman giải thích ông làm thế để an ủi những nạn nhân của Đức quốc xã. Nhưng ngay cả bố của Koeman cũng không chấp nhận nổi hành động đó của ông. Thật kỳ lạ là khi ấy, HLV bây giờ dẫn dắt Southampton không phải chịu án phạt nào.
 
Hai sắc thái Da cam (1996)
 
 
Hà Lan bước vào EURO 1996 với tư cách là ứng viên hàng đầu, do trong đội hình của họ có nhiều cầu thủ Ajax vừa đăng quang Champions League 1 năm trước. Mọi chuyện đã diễn ra rất thuận lợi với Hà Lan, cho tới khi một bức ảnh gây tranh cãi bị rò rỉ. 
 
Trong ảnh, các cầu thủ da đen của Hà Lan ngồi ăn ở một góc riêng. Lãnh đội Hà Lan cố gắng “chữa cháy” bằng lời giải thích rằng đó chỉ là cách phân chia chỗ ngồi theo... bậc lương. Rốt cuộc thì Hà Lan bị loại êm bởi Pháp ở tứ kết.
 
“Ghế nha khoa” của Gascoigne (1996)
 
 
Top 10 khoảnh khắc đáng nhớ trong bóng đá mà không có Paul Gascoigne thì không phải là Top 10! Tiền vệ người Anh đúng mẫu tài tật song hành, rất giỏi, rất “dị”, nhưng lối sống buông thả thì chẳng ai bằng. 
 
Trước trận gặp Scotland ở EURO 1996, Gascoigne lại bị chê bai vì uống quá nhiều. Ông đáp lại bằng một siêu phẩm. Nhưng đáng nói hơn là cách ông ăn mừng sau đó. Gascoigne nằm xuống cạnh cầu môn để các đồng đội xịt nước vào miệng, gợi lại sự cố “ghế nha khoa” (thực ra là trò... uống rượu của các tuyển thủ Anh) trước giải.
 
Schmeichel đánh bại Van Basten trên chấm 11m (1992)
 
 
Đan Mạch được dự EURO 1992 theo cách đầy may mắn. Họ là đội nhận vé vớt sau khi Nam Tư bị loại vì nước này lâm vào nội chiến. Nhìn cách Đan Mạch dự giải, cộng với thực tế là những ngày tươi đẹp nhất của đội bóng này có vẻ đã ở phía sau, không nhiều người tin là Đan Mạch có thể làm được điều gì. 
 
Nhưng Đan Mạch đã gây sốc cho tất cả khi giành chức vô địch năm đó, với khoảnh khắc quyết định là thủ môn Peter Schmeichel đánh bại Van Basten trên chấm 11m ở bán kết để giúp Đan Mạch loại các nhà ĐKVĐ.
 
“Cú đúp” của ĐT Pháp (2000)
 
 
Trước năm 2000, chưa có đội tuyển nào vô địch EURO sau khi đã vô địch World Cup. Nhưng Pháp đã làm được điều đó. Chức vô địch EURO 2000 đã giúp Zinedine Zidane và đồng đội dẹp bỏ lập tức những ý kiến cho rằng họ đã vô địch World Cup 1998 bằng may mắn hơn là thực lực. Sau khi được Pháp mở đường, Tây Ban Nha cũng làm được điều tương tự, thậm chí ấn tượng hơn, khi vô địch một mạch 3 giải lớn là EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012.
 
Cú Panenka của... Panenka (1976)
 
 
Không phải vô cớ mà người ta gọi loạt sút luân lưu 11m là cuộc chiến cân não. Càng gần khoảnh khắc quyết định thì áp lực lại càng khủng khiếp. Nhưng có một người dường như không hề bị ảnh hưởng bởi những áp lực ấy. Đó là Antonin Panenka. 
 
Ông chính là người thực hiện quả 11m quyết định trong trận chung kết EURO 1976 giữa Tiệp Khắc với Đức mà nếu thành công, Tiệp Khắc sẽ lên ngôi vô địch. Cú đá lịch sử với cả quốc gia. Và Panenka đã thực hiện nó theo cách chẳng ai tin nổi: Sục bóng vào chính giữa khung thành!
 
Khoảnh khắc thiên tài của Van Basten (1988)
 
 
Bàn ấn định tỉ số 2-0 cho Hà Lan trong trận chung kết EURO 1988 với Liên Xô cho tới nay vẫn được xem là bàn thắng đẹp nhất trong lịch sử giải đấu. Đó là một bàn thắng “đi ngược logic”. Nhận bóng từ một quả tạt ở góc rất hẹp so với khung thành, Van Basten nếu là người “bình thường” sẽ khống chế lại, hay chuyền ngược cho đồng đội. 
 
Nhưng không, ông quyết định volley luôn. Thủ môn tất nhiên không thể làm gì cả. Bây giờ, cứ có bàn thắng nào khó và đẹp, là người ta lại gọi là “bàn thắng kiểu Van Basten”! 
 
Otto Rehhagel (cựu HLV trưởng ĐT Hy Lạp): “Đây là một ngày lịch sử của bóng đá Hy Lạp. Chúng tôi đã viết lên một câu chuyện thần thoại Hy Lạp thời hiện đại trên đất Bồ Đào Nha. Các cầu thủ của tôi đã thể hiện một thứ bóng đá tuyệt vời!”,
 

Theo Tùng Lâm (Bongdaplus.vn)

Nổi bật