Ngôi phá lưới mặc định thuộc tiền đạo nước ngoài?
Cuối tuần trước, vòng đấu thứ 5 V-League 2016 đã diễn ra sôi động với nhiều trận cầu hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu ai yêu và theo dõi bóng đá Việt Nam, có một chi tiết rất đáng lo ngại là trong tổng số 20 bàn thắng thì có tới 16 bàn được thực hiện bằng các tiền đạo ngoại binh. Bốn bàn còn lại thuộc về cầu thủ nội nhưng cũng chỉ có hai bàn thuộc về cầu thủ Việt Nam (Xuân Hùng, Hải Phòng; Quốc Chí, Sanna Khánh Hòa). Hai bàn còn lại là các hậu vệ phản lưới nhà (Tiến Duy, SHB Đà Nẵng; Hoài Xuân, Đồng Tháp).
Những con số trên là bức tranh chung của các tiền đạo nội tại V-League từ đầu mùa. Theo thống kê, ba chân sút hàng đầu giải đấu cao nhất Việt Nam đều đến từ bên ngoài biên giới Việt Nam. Merlo (SHB Đà Nẵng) dẫn đầu với 5 bàn; Oma Faye (FLC Thanh Hóa) có bốn bàn và Odat Onoriode Marshal (SLNA) cùng Ivan Fiver (FLC Thanh Hóa) chia nhau vị trí thứ ba với ba lần lập công.
Thực ra, việc các tiền đạo nội không để lại dấu ấn ở V-League vốn không phải là vấn đề quá mới mẻ. Đã từ rất lâu, cuộc đua tới ngôi phá lưới gần như mặc định thuộc về các tiền đạo nước ngoài. Ngay từ khi bóng đá Việt Nam có ngoại binh, hầu hết các CLB đều ưu tiên sử dụng cặp tiền đạo ngoại. Có vài đội bóng ghép một chân sút ngoại với một chân sút nội nhưng vai trò của “hàng Việt Nam” vẫn rất mờ nhạt. Mùa trước, HAGL từng tuyên bố không cần tiền đạo ngoại binh và hệ quả là đội bóng phố núi thi đấu rất chật vật. Sang mùa giải năm nay, bầu Đức đã phải mua gấp Osmar Francisco để tăng cường khả năng xuyên phá.
Như vậy, có thể nhận định rằng, ngay trên sân nhà, tiền đạo Việt Nam đã đánh mất chỗ đứng. Hệ quả thì ai cũng nhìn thấy, nhiều năm nay các đội tuyển luôn thiếu chân sút đẳng cấp. Khi lên tuyển, tiền đạo nội không phải cạnh tranh với các “ông Tây” nhưng việc thường xuyên phải ngồi dự bị, sắm vai kép phụ ở CLB khiến họ thiếu hẳn sự quyết đoán, sắc sảo - hai yếu tố tiên quyết làm nên một tiền đạo đẳng cấp.
Cuộc chơi công bằng
Thực trạng tiền đạo Việt Nam thất thế ngay tại giải đấu giành cho mình khiến người yêu bóng đá Việt Nam cảm thấy chạnh lòng. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, HLV Lê Thụy Hải - GĐKT CLB FLC Thanh Hóa cho rằng, đó là một cuộc chơi công bằng: “Ở CLB nào cũng vậy thôi, ai chơi hay hơn thì sẽ được sử dụng. Các tiền đạo ngoại to khỏe, săn bàn tốt đương nhiên được đá chính. Tiền đạo Việt Nam chuyên môn chưa thể bằng họ thì làm sao cạnh tranh vị trí. Đó là một cuộc chơi công bằng”.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao các CLB vẫn dùng các tiền đạo ngoại dù ý thức chất lượng tiền đạo nội sẽ suy giảm, HLV Lê Thụy Hải phân tích. “Đã thi đấu thì ai cũng muốn có thành tích. Mà muốn có thành tích anh phải sử dụng những cầu thủ tốt nhất. Thế nên không thể yêu cầu các đội bóng phải dùng tiền đạo nội trong khi trình độ không bằng tiền đạo ngoại”.
HLV Phan Thanh Hùng - GĐKT CLB T.Quảng Ninh cũng có chung cách nhìn với ông Hải “lơ”: “Ở sân chơi V-League, đại đa số CLB đều ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại quốc và dần dần nó trở thành xu thế. Nếu đội bóng nào không có tiền đạo ngoại sẽ rất thiệt thòi trong thi đấu. Chúng ta thấy rõ ràng bài toán hiệu quả luôn được ưu tiên”.
Về giải pháp để xóa bỏ thực trạng trên, HLV Lê Thụy Hải thẳng thắn trả lời là rất khó. “Anh không thể yêu cầu các đội bóng bỏ tiền đạo ngoại bởi như vậy ảnh hưởng tới thành tích của họ. Nếu để các cầu thủ nước ngoài đá ở hàng tiền vệ hay hậu vệ thì tiền vệ, hậu vệ Việt Nam cũng mất vị trí”, ông Hải cho hay.
Bên cạnh đó, ông Hải khẳng định, nếu muốn nâng cao trình độ của tiền đạo nội, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh thì cần làm tốt công tác đào tạo từ các tuyến trẻ. “Tại sao giải Thái Lan rất nhiều ngoại binh nhưng quân của họ vẫn đá hay?
Đó là do họ đào tạo trẻ hiệu quả. Hiện nay, rất ít CLB ở V-League có hệ thống đào tạo trẻ bài bản. Như vậy không chỉ tiền đạo mà những tuyến khác khi lên chuyên nghiệp đều rất yếu. Theo tôi, VFF nên “ép” các đội vào các quy định đào tạo trẻ, chỉ có như vậy cầu thủ của chúng ta mới mong cải thiện được sự cạnh tranh với ngoại binh”, HLV Lê Thụy Hải chốt lại vấn đề.
Theo Gia Hưng (Báo Giao Thông)