Bác sĩ Nguyễn Văn Triển, người trực tiếp chăm sóc các vận động viên wushu cho biết "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam giành 2 HCV khi đang chấn thương, sốt, cảm cúm.
Khi Dương Thúy Vi vừa kết thúc màn biểu diễn thương thuật, giành điểm cao nhất, và bước ra khỏi sàn đấu, người đến bên cô đầu tiên không phải người thân, đồng đội, mà là bác sĩ chăm sóc sức khỏe của đoàn wushu Việt Nam, Nguyễn Văn Triển.
"Con bé đang sốt, cảm cúm, cổ chân và đầu gối đều đau. Vì thi đấu nên không thể uống thuốc. Tôi rất lo lắng", vừa xoa bóp tay chân cho "cô gái vàng" của thể thao Việt Nam, bác sĩ vừa chia sẻ.
|
Bác sĩ Nguyễn Văn Triển, bác sĩ thể thao, phụ trách đội wushu Việt Nam, cùng Thúy Vi. Ảnh: Ngân Giang. |
Theo lời kể, Thúy Vi gặp nhiều chấn thương sau thời gian dài tập luyện và thi đấu. Nhưng từ khi tới Kuala Lumpur, cơn đau của nữ vận động viên tăng lên nhiều vì những áp lực tâm lý và mong muốn mang vàng về cho đoàn Việt Nam.
Sau khi giành được huy chương vàng nội dung kiếm thuật ngày hôm qua (20/8), Vi ngây ngấy sốt, cảm cúm, hắt xì liên tục, đau toàn bộ vùng xoang mũi, cộng thêm vết thương ở cổ chân và đầu gối chưa lành. Tuy nhiên em không thể uống thuốc do lo sợ doping.
Để nữ vận động viên có thể tham gia thi đấu sáng 21/8, bác sĩ cho cô uống vài loại thảo dược, ăn nhẹ và động viên tinh thần.
"Cơ thể Vi nhỏ bé, khá gầy, ăn uống hấp thụ kém. Sức khỏe của em không phải loại tốt, nhưng tinh thần rất kiên cường. Có thể con bé đang ốm, mệt, nhưng đã lên sàn đấu thì luôn thể hiện tốt nhất vì wushu là môn cần cả thần thái, nét mặt, sự dứt khoát của cơ thể, ngoài điều kiện sức khỏe và độ dẻo dai luôn phải có ở một vận động viên", người đồng hành cùng huy chương vàng wushu Việt Nam tại SEA Games 29 tiết lộ.
Chính Thúy Vi cũng thừa nhận với Zing.vn sức khỏe của cô không tốt khi bước lên sàn đấu hôm nay.
"Khi bắt đầu trình diễn, em chỉ biết thực hiện hết sức, cố quên đi cơn đau đầu và cổ chân đau nhức. Em đã hắt xì liên tục 10 cái ngay trước khi đấu", chủ nhân 2 HCV SEA Games kể lại.
|
Không nhiều người biết Thúy Vi thực hiện những động tác nhảy, nhào lộn khi đang cảm cúm, sốt, chấn thương. Ảnh: Hải An. |
Cũng theo bác sĩ Triển, không chỉ Vi mà rất nhiều vận động viên Việt Nam tới SEA Games 29 với chấn thương và sức khỏe không tốt. Đó là điều không thể tránh khỏi vì hầu hết phải luyện tập căng thẳng trong thời gian dài.
Có 10 năm công tác tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, gần 1 năm đồng hành cùng công tác chuẩn bị của các vận động viên sẽ tham gia kỳ đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á, vị bác sĩ chuyên chăm sóc chấn thương trong thể thao tâm sự năm nay đoàn Việt Nam có 22 bác sĩ đi theo đoàn. Mỗi người được cấp 20USD/ngày trong cả chuyến đi tới Kuala Lumpur.
So với các nước như Singapore, Indonesia, Philippines, số lượng bác sĩ đi theo vận động viên của Việt Nam quá ít. Nhưng cũng chính vì thế mà mọi người phải làm việc với cường độ cao hơn với mong muốn đảm bảo sức khỏe cho các vận động viên.
Ngoài tủ thuốc chung, mỗi bác sĩ được trang bị 1 balo thuốc cá nhân để có thể sơ cứu các vết thương và chữa trị bệnh lý đơn giản. Công việc yêu cầu người hỗ trợ ý tế vừa phải thực hiện sơ cứu, chữa trị, vừa phải theo dõi vận động viên để đưa ra lời khuyên về kiếm soát và phòng ngừa chấn thương.
"Những bệnh vận động viên dễ gặp nhất có thể kể đến là chấn thương cơ bắp, dây chằng, gân, xương... Các bác sĩ thể thao như chúng tôi luôn mong một điều quan trọng nhất là đảm bảo sức khỏe để các vận động viên luôn ở trong trạng thái tốt nhất khi bước lên sàn đấu", bác sĩ Triển tâm sự.
Theo Ngân Giang (Tri Thức Trực Tuyến)