Tiền thưởng Tết không có quy chế rõ ràng như thưởng khi đạt huy chương, do đó luôn có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Ảnh: Tùng Lê. |
Với việc lọt vào top 1.000 của Hiệp hội quần vợt nhà nghề quốc tế (ATP) cuối năm 2015, đơn vị chủ quản đã điều chỉnh mức lương mới cho Lý Hoàng Nam từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng/tháng. Một HLV của anh cho biết: “Tiền thưởng Tết của Nam được tính toán dựa trên mức lương mới. Em vẫn còn trẻ nên chúng tôi động viên, thưởng Tết ở mức 3 tháng lương".
Đây là sự khích lệ lớn cho Lý Hoàng Nam khi anh có một năm thi đấu rất thành công, điển hình là chức vô địch đôi nam trẻ Wimbledon 2015. Anh đặt ra mục tiêu trong năm 2016 là phấn đấu lọt vào top 500 của ATP. Theo kế hoạch, tay vợt người Tây Ninh sẽ tập đến 28 tháng chạp rồi mùng 2 Tết lên đường sang Trung Quốc dự 2 giải Men’s Futures.
Lý Hoàng Nam nhận thưởng Tết cao nhưng tiền thưởng của anh ở các giải đấu rất thấp. Thậm chí khi vô địch giải Wimbledon trẻ 2015, anh còn không được nhận tiền thưởng. Ảnh: Hải An |
Ánh Viên không biết số tiền thưởng Tết của mình là bao nhiêu nhưng chắc chắn không hề thấp. Cô vừa là quân nhân chuyên nghiệp, vừa là VĐV số 1 trong năm của thể thao Việt Nam (TTVN). Ông Nguyễn Văn Tác – bố của cô cho biết đã nhận được tiền thưởng từ đơn vị chủ quản cho thành tích SEA Games với mức 25 triệu đồng cho mỗi tấm HCV. Với việc giành đến 8 HCV, kình ngư sinh năm 1996 này nhận 200 triệu đồng ngay trước Tết Bính Thân.
Đa phần các địa phương hay các CLB thể thao, việc thưởng Tết chủ yếu mang hình thức động viên. Nó khác hẳn với những quy định rõ ràng, cụ thể khi thưởng cho VĐV đạt thành tích ở các giải trong nước, quốc tế. Tại Đà Nẵng – địa phương nổi tiếng biệt đãi nhân tài thể thao cũng chỉ động viên mỗi VĐV 500.000 đồng cùng túi hạt dưa, bánh mứt…
Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết: "Thực chất, các CĐV chỉ có chế độ tiền công và tiền ăn, tiền thưởng thì gắn với thành tích. Còn tiền thưởng Tết hiện tại chúng tôi không có bất cứ nguồn nào cả, nó chỉ phụ thuộc vào từng môn. Chúng tôi khuyến khích các liên đoàn, bộ môn, CLB vận động nguồn lực từ xã hội để động viên các VĐV".
Tại Hà Nội, mức thưởng Tết cũng không cao hơn. Một nữ VĐV cầu mây cho biết: “Mọi năm, chúng tôi nhận 500.000 đồng cùng một cuốn lịch. Năm nay chắc cũng vậy thôi”. Trong khi đó, Sở TDTT Bắc Giang không “cào bằng” việc này mà căn cứ vào thành tích trong 6 tháng cuối của năm để quyết định mức thưởng Tết. Một nữ VĐV cờ vua khoác áo ĐTQG cho biết dịp Tết Bính Thân cô có thể nhận hơn 10 triệu đồng, thấp hơn so với con số 24 triệu đồng năm trước.
Giới cầu thủ đa phần đều nhận thưởng Tết nhưng không nhiều. Đội nữ Phong Phú Hà Nam động viên các thành viên phần quà trị giá 300.000 đồng. Trong khi đó, các đồng nghiệp Than khoáng sản Việt Nam nhận khoảng 4-5 triệu đồng, theo mức chung của công nhân. Con số này ngang bằng với đội nam B.Bình Dương dù so về mức lương, cầu thủ nữ kém rất xa các đồng nghiệp nam.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam lì xì Tết cho các cầu thủ đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: VFF |
Một VĐV thi đấu nổi bật khác trong năm 2015 là Nguyễn Diệp Phương Trâm không có thưởng Tết. Tuy nhiên, hàng tháng cô vẫn nhận được tiền hỗ trợ tài năng từ đơn vị chủ quản TP HCM, dựa vào thành tích quốc tế đã có trong năm, trong đó mức thưởng dành cho giải trẻ Đông Nam Á ở mức 3,8 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này sẽ nhận theo một chu kỳ, từ giải năm nay đến giải năm sau.
Mới đây, kình ngư trẻ đã ký hợp đồng 6 năm (2016 - 2021) với CLB bơi Phú Thọ, ở lại thi đấu cho TP HCM. Chế độ đãi ngộ dành cho cô khá cao, ở mức 7 triệu đồng/tháng chưa kể phụ cấp. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng phối hợp với các nhà tài trợ để có thể đưa cô sang Mỹ tập huấn ngay trong năm 2016.
Theo Hoàng Tâm (Zing.vn)