Thuốc cấm mà người đẹp quần vợt Maria Sharapova sử dụng là gì?

10/03/2016 11:39:13

Loại thuốc meldonium thường dùng cho bệnh nhân suy tim, Parkinson hoặc Alzheimer, bán rộng rãi ở các nước Đông Âu.

Loại thuốc meldonium thường dùng cho bệnh nhân suy tim, Parkinson hoặc Alzheimer, bán rộng rãi ở các nước Đông Âu.

Biểu tượng làng thể thao Nga đang đối mặt với án phạt do sử dụng meldonium. Ảnh: Reuters.


Theo CBS News, meldonium là thuốc tim được phát triển bởi hãng Grindeks (Latvia), rất phổ biến trong giới vận động viên Đông Âu. Tại Nga và Latvia, người ta dễ dàng mua meldonium từ trang mua sắm trực tuyến eBay. Nó không được cấp chứng nhận tại Mỹ và mới bị Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) đưa vào danh sách đen tháng 1 năm nay sau khi phát hiện bằng chứng một số vận động viên cố tình sử dụng thuốc để nâng thành tích.

Còn gọi là mildronate, meldonium được kê toa cho bệnh nhân suy tim ở một số nước châu Âu nhờ tác dụng cải thiện chứng thiếu máu cục bộ hoặc lưu thông máu kém. Nghiên cứu năm 2015 của các nhà khoa học Đức cho thấy đối với vận động viên, meldonium giúp tăng cường sức bền, đẩy nhanh quá trình hồi phục, chống căng thẳng và hỗ trợ hệ thần kinh trung ương. "Về cơ bản, meldonium cải thiện lưu thông máu bằng cách giảm lượng oxy tiêu thụ", bác sĩ Robert Glatte từ Bệnh viện Lenox Hill, New York, giải thích. "Nó cũng tác động lên hệ thần kinh trung ương nên thường dùng cho bệnh nhân Parkinson hoặc Alzheimer".

Meldonium dạng viên và lỏng được bày bán ở Nga. Ảnh: Huffington Post.


Sharapova cho biết cô bắt đầu sử dụng meldonium từ năm 2006. "Tôi mắc nhiều vấn đề sức khỏe vào thời điểm đó, tôi rất hay bị ốm. Tôi bị thiếu hụt magiê, kết quả điện tâm đồ bất thường và gia đình tôi có tiền sử bệnh tiểu đường". Trả lời lý do uống meldonium suốt từng ấy năm, "búp bê Nga" nói: "Nó giúp tôi khỏe hơn".

Theo bác sĩ Glatter, khả năng Sharapova gặp tác dụng phụ do meldonium hầu như không thể xảy ra bởi cô đã dùng thuốc liên tục 10 năm. Ông nghi ngờ ngôi sao 28 tuổi phải nhờ cậy meldonium do chức năng tim không ổn định: "Ai đó đủ sức chịu đựng một trận đấu kéo dài 4-5 tiếng sẽ không đòi hỏi loại thuốc này". Glatter kết luận, cơ quan chức năng cần làm việc với bác sĩ đã kê đơn cho nữ vận động viên trước khi đưa ra cáo buộc.

The Associated Press đưa tin ngoài Sharapova, các vận động viên khác bị phát hiện dương tính với meldonium kể từ khi nó chính thức bị cấm. Trong số này có vận động viên xe đạp Eduard Vorganov (Nga) cùng hai vận động viên điền kinh Ukraina. Nhà vô địch khiêu vũ trên băng châu Âu là Ekaterina Bobrova (Nga) cũng thừa nhận sử dụng chất cấm này.

Liên đoàn Quần vợt Quốc tế chưa quyết định hình phạt cho Sharapova. Ngôi sao khẳng định, bất chấp chấn thương, cô sẽ trở lại với quần vợt. "Tôi đã mắc một sai lầm lớn. Tôi không muốn kết thúc sự nghiệp theo cách này", biểu tượng thể thao Nga nghẹn ngào.

Doping là tên gọi chung của các chất bị cấm trong thi đấu thể thao. Nhìn chung, chúng đều có tác dụng tăng sức mạnh tạm thời, từ đó nâng cao thành tích của vận động viên. Không chỉ làm mất tính công bằng, doping còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của vận động viên bởi các tác dụng phụ.

Hiện nay, khoảng 190 chất bị liệt vào danh mục doping, bao gồm các nhóm chất kích thích, thuốc giảm đau gây nghiện, thuốc tăng đồng hóa, thuốc lợi tiểu, các hormone peptide và đồng đẳng.

Theo Minh Nguyên (VnExpress.net)