Tại Cúp Đông Á, thành phần ĐT Trung Quốc là các cầu thủ U23 nhằm gia tăng kinh nghiệm. Thế nhưng Hàn Quốc, đối thủ của họ ở trận ra quân, cũng chỉ sử dụng đội hình hai gồm các cầu thủ trẻ đang chơi trong nước.
Theo quan sát của chuyên gia thể thao họ Mã, những gì đã diễn ra chỉ có thể mô tả bằng hai từ “tuyệt vọng”. Ngoài việc để thua 3 bàn không gỡ, Trung Quốc chỉ cầm bóng 24%, tung ra 1 cú sút trong khi nhận lấy tới 23 pha dứt điểm từ phía đối thủ.
Nhiều người cố gắng giảm nhẹ sự nghiêm trọng của thất bại bằng lập luận, đây chỉ là “đội U23”. Tuy nhiên họ quên mất rằng lứa cầu thủ này là những lựa chọn tốt nhất ở độ tuổi U23 và sẽ trở thành trụ cột của ĐTQG trong vài năm nữa. Ngoài ra, tư duy, kỹ chiến thuật và tinh thần thi đấu của họ hoàn toàn không mang đến dấu hiệu để lạc quan.
Sau trận đấu, tờ Osen của Hàn Quốc chế nhạo ĐT Trung Quốc “đá như sinh viên đại học”, chỉ biết phòng ngự máy móc và có tính tự hủy cao. Chuyên gia họ Mã cũng chung quan điểm. Tờ Sohu trích lời ông, rằng “ĐT Trung Quốc là những kẻ đóng học phí cả đời nhưng vẫn không bao giờ tốt nghiệp”. Ông cũng thẳng thắn chỉ trích “tinh thần AQ” của những người làm bóng đá Trung Quốc. “Nói thẳng, trình độ cầu thủ Trung Quốc quá kém và không có sự tiến bộ. Đáng tiếc rằng ít người chịu thừa nhận điều đó và dùng cụm từ “học hỏi” để bao biện cho thất bại”, ông nói.
Tờ Sohu cũng nhắc lại trận thua tủi hổ 0-3 trước Việt Nam vào ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần, sự kiện khiến truyền thông Trung Quốc mô tả là “sự xuống hạng” của bóng đá nước nhà. Thay vì theo đuổi mục tiêu lọt tốp đầu châu Á, họ chỉ là đội bóng hạng ba. ĐTQG với các cầu thủ hạng A còn vậy, trận thua Hàn Quốc của lứa trẻ khiến tất cả không hiểu tương lai bóng đá Trung Quốc còn tệ đến đâu. Sợ rằng hạng ba cũng không giữ được.
“Thế mà bóng đá Trung Quốc vẫn lấy cớ học hỏi để biện minh, tiếp tục bịt tai trộm chuông thay vì đối mặt thực tại rồi tìm cách giải quyết”, tờ Sohu bình luận.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)