“Có một truyền thuyết về con chim chỉ hót có một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian”. Có một câu chuyện về chàng cầu thủ chỉ tỏa sáng có một tháng trong sự nghiệp, nhưng khiến cả thế giới phải ngước nhìn. Chú chim hót trong bụi mận gai của nữ văn sĩ Colleen McCulough và tiền vệ Theo Zagorakis của ĐT Hy Lạp có những nét tương đồng rất thi vị.
Sau 12 năm dài bóng đá châu Âu chứng kiến sự thống trị của Tây Ban Nha với 2 chức vô địch Euro liên tiếp, người ta dễ dàng quên đi những người đã lên đỉnh năm 2004. Hy Lạp chỉ được xem là đội “lót đường” tại ngày hội bóng đá lớn nhất lục địa già nhưng hóa ra lại trở thành một trong những đội khó đánh bại nhất trong lịch sử. Thủ lĩnh của họ năm đó là tiền vệ Thedoros Zagorakis, cũng không có tiếng tăm ngoài xứ sở các vị thần nhưng rồi lại là ngôi sao tỏa sáng chói lọi nhất tại giải.
|
Zagorakis tỏa sáng rực rỡ tại Euro 2004 |
Zagorakis khởi nghiệp năm 1988 tại CLB Kavala hạng 3 của Hy Lạp. Sau một mùa giải làm quen, tiền vệ phòng ngự này đã dần chiếm được suất đá chính và là một phần quan trọng giúp đội bóng lên hạng 2 năm 1989. Anh tiến lên một tầm cao mới khi chuyển tới PAOK Thessaloniki và chơi ở giải VĐQG. Sau 5 năm tại sân Toumba (từ năm 1993 tới 1998), Theo có 183 trận và ghi được 10 bàn cho “Đại bàng hai đầu”. Sau 2 mùa cuối đeo băng đội trưởng PAOK, Zagorakis được Leicester City của HLV Martin O'Neill chiêu mộ đầu năm 1998.
Anh ở đây có 2 năm rưỡi, không có suất cứng dù vẫn có những khoảnh khắc thiên tài như đi bóng qua Roy Keane và sút tung lưới Manchester United ở khoảng cách lên tới 30m. Mùa hè năm 2000, Theo hồi hương đầu quân cho AEK Athens. Khi đó, đội bóng thủ đô Hy Lạp có lực lượng rất mạnh với hàng loạt tuyển thủ như Kapsis, Lakis, Nikolaidis hay Tsiartas… Nhưng rốt cục trong suốt 4 năm tại AEK, Zagorakis cùng đồng đội đã không một lần vô địch quốc gia dù 4 mùa liên tiếp đều có tên trong top 4 đội dẫn đầu và sự nghiệp của anh tới sát tuổi 33 vẫn chưa có dấu ấn đáng kể.
Thế rồi Euro 2004 tới và đưa cái tên Zagorakis vang danh thiên hạ. Trước cái năm để đời ấy, Theo đã có ngót nghét cả trăm lần khoác áo ĐTQG song chẳng mấy ai ngoài lãnh thổ Hy Lạp biết tới. 33 năm trên đời, 10 năm lên tuyển và 16 năm chơi bóng chuyên nghiệp phải nói rằng phần lớn Zagorakis đã chìm vào bóng tối. Nhưng ai ngờ một người không thể bật lên các giải vô địch của một quốc gia lại có thể thăng hoa tới vậy tại ngày hội bóng đá tầm cỡ châu lục.
|
Dù sự nghiệp trước đó của anh là không mấy ấn tượng |
Cũng như nhân vật ở trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nữ văn sĩ Colleen McCulough người Úc vậy. Người ta đồn rằng “có một con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó hát lên bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị.”
Giữa Theo và chú chim kia, giữa bụi mận gai và Euro 2004 sao giống nhau tới vậy. 9 năm chơi tại giải VĐQG Hy Lạp cho những đội bóng top đầu như PAOK hay AEK Athens chẳng mang về nhiều vinh quang. Sang Leicester tại Premier League cũng nhanh chóng phải ra đi vì không tìm được chỗ đứng. Thế mà trước biết bao anh tài của châu Âu, lại chỉ chơi cho một tập thể được xem là ngoài cuộc chơi như Hy Lạp, Zagorakis vẫn bật lên trên hết thảy.
Euro 2004 dường như chính là bụi mận gai với những chiếc gai dài và nhọn nhất đâm vào Theo cùng các đồng đội. Nhưng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, giữa bây giờ hoặc không bao giờ, họ đã chơi hay gấp 5, gấp 10 khả năng bình thường. Chim đã rời tổ, Zagorakis đã rời tổ quốc nhưng vượt lên trên hết mọi khó khăn ở nơi tận cùng của khắc nghiệt, họ đã khiến muôn loài, tất cả người đời phải ghen tị.
|
Zagorakis đã chứng tỏ khả năng ở hoàn cảnh khó khăn nhất |
Chẳng có chặng đường nào trải hoa hồng. Để đến được với VCK Euro 2004, ĐT Hy Lạp của Zagorakis cũng đã phải trải qua những thời khắc hiểm nghèo. Họ thua cả 2 trận đầu tiên vòng loại trước những đối thủ được xem là trực tiếp như Tây Ban Nha và Ukraine. Nhưng khi mà đường tới Bồ Đào Nha vào mùa hè trở nên xa xôi diệu vợi, Hy Lạp đã thắng một mạch 6 trận còn lại để đàng hoàng tới VCK với ngôi đầu bảng.
Nhìn vào danh sách 16 đội dự giải, Hy Lạp chỉ được coi là lót đường. Cho tới khi lá thăm đưa họ cùng bảng với chủ nhà Bồ Đào Nha, ứng viên vô địch Tây Ban Nha hay ẩn số Nga, càng có thêm nhiều tiếng cười chế giễu cất lên. Trước thềm của giải, Zagorakis phát biểu: “Chúng tôi đã vượt qua vòng loại và tất cả đều rất vui sướng. Mục tiêu tại VCK là rất đơn giản: Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng Hy Lạp có mặt ở đây không phải nhờ may mắn.”
Và điều đó đã được Hy Lạp thể hiện rõ thông qua trận mở màn với chủ nhà Bồ Đào Nha. Mới phút thứ 7, Karagounis đã mở tỉ số trước khi Basinas ghi bàn thứ 2 ở phút 51 để biến nỗ lực có bàn gỡ 1-2 của Ronaldo ở phút 90+3 trở thành công cốc. 3 điểm có được đã tạo đà tâm lý cực tốt cho Hy Lạp để tạo nên một giải đấu phi thường của thầy trò HLV Otto Rehhagel.
Sau trận, Zagorakis đã có lý giải về nguyên nhân giành chiến thắng: “Có lẽ những người Bồ Đào Nha tin rằng đó là một bữa tiệc. Chúng tôi lại có quan điểm hoàn toàn khác. Hy Lạp biết rằng khởi đầu tốt tại giải đấu sẽ là tiền đề để đội bóng tiến bộ hơn nữa. Và rốt cục điều đó đã thành sự thực. Chúng tôi chơi tốt hơn cả đội chủ nhà, những người có tên tuổi lừng lẫy hơn và có sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ trên khán đài. Nhưng trong bóng đá cũng có những thứ khác quan trọng không kém và Hy Lạp đã có được.”
Tiếp đà hưng phấn, Hy Lạp đã có màn chiến đấu quật cường trước Tây Ban Nha. Họ bị mở tỉ số trước ngay phút 28 và những tưởng đã phải đầu hàng trước sức công dữ dội từ phía dàn sao như Raul, Morientes, Vicente, Joaquin hay Torres… Nhưng rốt cục Hy Lạp vẫn không nản chỉ trong khi phía Tây Ban Nha có phần chủ quan để rồi bị Charisteas giáng cho một đòn hồi mã thương ở phút 66. Tỉ số chung cuộc là 1-1 và Zagorakis cùng đồng đội đặt một chân vào tứ kết.
Do hai đội tuyển thuộc bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ nội chiến ở lượt trận cuối cùng nên Hy Lạp chỉ cần không thua Nga trong trận cùng giờ là chắc chắn cầm vé đi tiếp. Nhưng chính tâm lý hồi hộp đó đã khiến họ mất tập trung lại gặp phải một đội tuyển tâm lý thoải mái như Nga dẫn tới thua 1-2. Nhưng với việc Tây Ban Nha thất thủ 0-1 trước chủ nhà Bồ Đào Nha, đoàn quân Rehhagel vẫn có được ngôi nhì bảng do hơn chỉ số phụ (hơn số bàn thắng).
(Còn nữa)
Theo Mạnh Hùng (Bongda24h.vn)