"Tôi nghĩ quyết định của ông Park thể hiện sự nóng nảy. Không cần thiết như vậy. Quyết định ấy có thể làm tổn thương cầu thủ, nhất là một cầu thủ còn trẻ. Vừa mới đá một trận không tốt đã lập tức bị xuống đội dưới, cầu thủ họ sẽ rất hoang mang.
Những trường hợp giống Thanh Bình vừa gặp có thể làm thui chột cầu thủ trẻ, khiến họ mất đi sự vững vàng, gặp tâm lý tiêu cực nếu không có đủ mạnh mẽ. Lần này ông Park thể hiện rất lạ. Tôi cho rằng đó là quyết định thiếu tế nhị nhất ông Park từng thực hiện kể từ khi sang Việt Nam cuối năm 2017 tới giờ", một chuyên gia kỳ cựu của bóng đá Việt Nam vừa nhận xét.
Vậy quyết định ấy là quyết định gì? Nó là quyết định khiến người ta đang xôn xao rằng thầy Park "đã sai lại sai tiếp với Thanh Bình" khi gạt cầu thủ trẻ này ra khỏi danh sách đội tuyển Việt Nam đấu Oman ngày 12/10, thay vào đó để cầu thủ này ở lại UAE tập cùng U22 Việt Nam.
Nếu mang cả Thanh Bình sang Oman, liệu HLV Park Hang-seo có dám tung cầu thủ này vào sân, thậm chí chỉ là đưa anh vào danh sách thi đấu hay không? Câu trả lời là rất khó. Đành rằng quyết định tung Thanh Bình vào sân trong trận gặp Trung Quốc là sai lầm của nhà cầm quân người Hàn Quốc, nhưng ông đã rất dũng cảm nhận trách nhiệm về mình, và chẳng có lý do gì để "đì" cậu học trò trẻ tuổi của mình cả.
Sau lỗi lầm của mình ở trận gặp Trung Quốc, chắc chắn Thanh Bình sẽ gặp phải rất nhiều áp lực nếu tiếp tục được tung vào sân. Nếu cầm chắc việc sẽ không được ra sân trong trận gặp Oman, chẳng phải ở lại UAE không phải là "hình phạt", mà là sự quan tâm đầy chất nhân văn lẫn chuyên môn và thầy Park dành cho trung vệ mới 21 tuổi này sao?
Ở lại UAE, Thanh Bình sẽ tránh được chuyến di chuyển hai chiều mất không ít thời gian và sức lực. Trong khi đó ở lại UAE, cầu thủ này sẽ có cơ hội được ra sân trong trận giao hữu giữa U22 Việt Nam gặp U22 Tajikistan, tiếp đó là U22 Kyrgyzstan. Đây là cơ hội cực tốt để Thanh Bình lấy lại sự cân bằng, đồng thời có được trải nghiệm rất vừa phải để chuẩn bị tốt hơn về cả chuyên môn lẫn tâm lý cho vòng loại U23 châu Á sẽ diễn ra vào cuối tháng này.
Suốt bốn năm gắn bó của HLV Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam, tình cảm và sự quan tâm của ông dành cho các cầu thủ là điều không còn phải bàn cãi. Đáng tiếc là quyết định đậm tính chuyên môn và nhân văn của ông lại bị nhìn theo một góc nhìn khác đầy tiêu cực và cay cú, biến người hùng của bóng đá Việt Nam thành "tội đồ" bất đắc dĩ.
Góc nhìn ấy khiến ngay cả những chuyên gia hàng đầu của bóng đá Việt Nam cũng có những suy diễn hết sức tiêu cực, tỷ như "đây là hành động nóng nảy, thiếu tế nhị của ông Park", "vừa sai lầm đã bị gạt xuống đội dưới, có xấu hổ không?", cho đến "những người hỗ trợ ông ấy, rồi trưởng đoàn ở đâu khi ông Park ra quyết định thế này với một cầu thủ trẻ?".
Chắc hẳn HLV Park Hang-seo cũng như Ban lãnh đạo đội tuyển Việt Nam đã giải thích rất rõ với Thanh Bình về quyết định của ông thầy người Hàn Quốc, và ở giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" với rất nhiều giải đấu quan trọng trước mắt, đội ngũ trợ lý sẽ không bao giờ để ông Park đưa ra quyết định bất lợi như bị quy kết với cầu thủ của mình.
Đáng tiếc, câu chuyện "một nửa sự thật không phải là sự thật" ấy lại lan nhanh hơn rất nhiều những điều tốt lành, đến mức truyền thông Oman cũng đã lên tiếng thắc mắc. Nếu đội tuyển Việt Nam tiếp tục thất bại, hoặc Thanh Bình tiếp tục gây thất vọng trong màu áo U22 Việt Nam, chắc hẳn nó lại sẽ được lôi ra mổ xẻ thêm nhiều lần.
Với tất cả những điều tốt đẹp mà HLV Park Hang-seo đang làm cho bóng đá Việt Nam, liệu đấy có phải là "sự công bằng" mà nhà cầm quân người Hàn Quốc này xứng đáng phải nhận?
Theo Ngô Trà (Pháp Luật & Bạn Đọc)