1. Chẳng phải đợi đến khi nhóm trụ cột Than Quảng Ninh đình công bỏ tập, hay mới đây cùng nhau “đòi nợ” lãnh đạo CLB trên mạng xã hội thì câu chuyện buồn về đội bóng đất Mỏ mới vỡ ra.
Bởi thực tế, việc Than Quảng Ninh nợ lương, thưởng và tiền lót tay chuyển nhượng các cầu thủ, BHL hay nhân viên đã kéo dài tới 8 tháng chứ chẳng phải vừa diễn ra.
Số tiền mà đội bóng đất Mỏ cần trả cho các cầu thủ lên tới vài chục tỉ đồng dường như vẫn chưa có phương án giải quyết khiến tương lai của Than Quảng Ninh đang bị đặt dấu hỏi.
2. Câu chuyện đội bóng nợ lương cầu thủ, nhân viên... ở V-League thực tế không phải là điều quá xa lạ. Rất nhiều cuộc đình công của các cầu thủ, thậm chí kéo nhau đi “đòi nợ” lãnh đạo CLB xảy ra như cơm bữa.
Thế nhưng kéo dài như ở Than Quảng Ninh thì chưa từng có tiền lệ, chưa kể số tiền không hề nhỏ khiến nhiều người thực sự ngán ngẩm, nhất là khi đội bóng vùng Mỏ từng được coi là miền đất hứa với nhiều cầu thủ ở V-League.
Trong cơn cùng quẫn vì tiền ấy, thật ngạc nhiên cũng như vô cùng khâm phục khi đến lúc này các cầu thủ đất Mỏ dù phản ứng bằng cách đình công không tập luyện, hay chẳng đặng, chẳng đừng đi đòi nợ lãnh đạo nhưng vẫn chơi rất có trách nhiệm ở V-League suốt 8 tháng qua.
Cái cách mà cầu thủ Than Quảng Ninh ra sân vẫn đầy trách nhiệm dù bị nợ lương, thưởng, lót tay như thế, chẳng hiểu lãnh đạo đội bóng vùng Mỏ có thấy... ngại hay không?
3. Ít năm trước, FIFA từng có điều chỉnh quy định về tình trạnh và chuyển nhượng cầu thủ và áp dụng trên toàn Thế giới từ 6/2018. Theo đó, các cầu thủ nếu không được trả lương trong 2 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và được phép gia nhập CLB khác.
Quy định này cho phép các Liên đoàn bóng quản lý CLB trừng phạt đội bóng nếu trả lương không đúng thời hạn cho cầu thủ tuỳ từng tình huống khác nhau. Vì vậy thật lạ khi đội bóng vùng mỏ rơi vào tình trạng mất kiểm soát nhưng cấp quản lý bóng đá Việt đến giờ vẫn lặng im.
Với tư cách tổ chức quản lý, điều hành cả nền bóng đá thì VFF cũng đủ thẩm quyền xử lý CLB Than Quảng Ninh bằng những chế tài do tổ chức này ban hành, miễn sao không đi ngược lại với điều lệ FIFA ban hành.
Đáng tiếc là cơ quan quản lý bóng đá Việt Nam chưa có động thái cụ thể, trước mắt là bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ, thứ 2 là sự tôn nghiêm của một nền bóng đá phát triển, chuyên nghiệp.
Tương tự là VPF, đơn vị này hoàn toàn được phép có chế tài đủ mạnh, quyết liệt dành cho CLB Than Quảng Ninh trong tình huống đội bóng này nợ lương các cầu thủ nhằm bảo vệ hình ảnh giải đấu.
Hãy đặt giả thiết, vòng 9 LS V-League cuối tuần này, các cầu thủ Than Quảng Ninh từ chối ra sân vì bị nợ lương thưởng thì đó là cái tát chí mạng đối với hình ảnh giải đấu đang được người hâm mộ cực kỳ quan tâm.
Cái cách dùng "lạt mềm" mà VFF, VPF chọn trong vụ Than Quảng Ninh dường như chưa đủ thấm, tìm thấy đường ra cho bài toán khó mà 2 đơn vị này vô tình "liên đới".
Chờ hành động mạnh mẽ hơn từ VFF, VPF để tháo ngòi cho những rắc rối ở hiện tượng V-League 2021.
Theo Duy Nguyễn (Vietnamnet.vn)