'Thần cước' vô địch hạ gục võ sĩ quyền Anh Mỹ bằng sở trường... đối thủ, mặc họng súng đe dọa

04/02/2021 14:30:00

Từ cậu nhóc bị ép học võ vì sự kỳ vọng của người cha, Lê Thanh Tùng trở thành nhà vô địch không đối thủ với những trận đánh "độc nhất vô nhị" trong làng võ Việt Nam.

Từ nhà vô địch quyền Anh đến danh xưng "Thần cước"

Chín năm tập luyện dưới sự chỉ dạy tận tình của người cha là võ sư nổi tiếng Lê Đại Hoan, ở ngay võ đường của nhà mình, song cậu bé 15 tuổi Lê Thanh Tùng chẳng có biểu hiện gì là tiến bộ. Ngày ấy, võ sư Lê Đại Hoan thất vọng ghê gớm về cậu con trai nối dõi của mình.

Là bởi, niềm đam mê của cậu trai mới lớn Lê Thanh Tùng không phải là những đòn thế võ thuật mà cha anh truyền dạy, thay vào đó là ngón đàn, tiếng hát. Việc tập võ chỉ là để đối phó "cho qua" với cha.

Năm 1965, khi Lê Thanh Tùng 15 tuổi, võ sư Tám Dennis - gốc Pháp, rất nổi tiếng trong giới quyền Anh Sài Gòn ngày ấy, đến võ đường Lê Đại Hoan để chơi với cha cậu, tình cờ thấy cậu thiếu niên hì hụi tập võ ngoài sân. Nghe ông bạn than vắn thở dài về đứa con "cẩu tử" của mình, ông Tám Dennis bảo ông Hoan rằng thằng bé này hợp với quyền Anh hơn là võ tự do, để ông dạy nó cho.

'Thần cước' vô địch hạ gục võ sĩ quyền Anh Mỹ bằng sở trường... đối thủ, mặc họng súng đe dọa

Thế là từ hôm sau, mỗi ngày Lê Thanh Tùng lại phải đạp xe 15 km đến sân vận động Cộng Hòa để tập luyện quyền Anh với thầy Tám Dennis và huấn luyện viên người Mỹ - Thompson. Quả tình, quyền Anh như cơn mưa rào tưới xuống mảnh đất cằn cỗi tư chất võ thuật của cậu. Chỉ sau một năm chăm chỉ tập luyện, Lê Thanh Tùng đã khiến cha mình kinh ngạc với sự tiến bộ vượt bậc, và được thầy đưa đi thi đấu.

Ngày ấy, Lê Thanh Tùng thắng tất cả các đối thủ cùng hạng cân 48kg của mình, "nhân tiện" thắng nốt võ sĩ Xuân Thanh hạng cân 51kg, gây tiếng vang lớn ở Sài thành. Suốt hai năm trời, Lê Thanh Tùng chỉ biết có chiến thắng. Năm 1968, Tổng cuộc quyền thuật phong tặng danh hiệu "võ sĩ trẻ triển vọng nhất" cho Lê Thanh Tùng.

Sau 3 năm chơi quyền Anh, Lê Thanh Tùng bắt đầu nghĩ lại về sự kỳ vọng mà người cha danh tiếng dành cho mình. Cảm thấy có lỗi, ông quay về võ đường nhà, quay lại tập võ tự do và chuyền hẳn sang đánh võ đài tự do.

Hai năm sau, năm 1970, ở võ đài mới, Lê Thanh Tùng giành chức vô địch hạng cân 51kg tại giải đấu toàn quốc to Tổng cuộc quyền thuật tổ chức, trong đó gây tiếng vang lớn nhất là trận chung kết đánh bại võ sĩ Minh Cường của võ đường Minh Sang danh tiếng thời bấy giờ.

Như mọi nhà vô địch khác của võ đài tự do miền Nam trước năm 1975, Lê Thanh Tùng tiếp tục chinh chiến ở khắp các tỉnh miền Nam, rồi đến các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đi đến đâu, danh tiếng của anh lại nổi như cồn đến đó với những trận thắng mãn nhãn, hầu hết là hạ gục đối phương chỉ trong có 1, 2 hiệp, đều bằng đòn chân cực kỳ nguy hiểm và bí hiểm. Biệt danh "Thần cước" theo anh từ đó.

 Hạ võ sĩ quyền Anh người Mỹ trước họng súng

 Đêm Noel năm 1971, tại Pleiku, Lê Thanh Tùng tiếp tục hạ võ sĩ Trần Can của võ đường Hà Trọng Sơn khét tiếng đất Bình Định chỉ trong vòng có hai hiệp, bằng cú đá knock-out đẹp mắt.

Sáng hôm sau, đội nhiên một võ sĩ người Mỹ đến gặp Ban tổ chức để đề nghị thách đấu... quyền Anh. Khi ấy, chẳng võ sĩ nào dám nhận lời thách đấu bởi đều đang đánh võ tự do, và võ sĩ người Mỹ quá to cao, cộng thêm vào đó là dàn lính Mỹ chẳng hề thân thiện là bạn của võ sĩ này.

Lúc này, võ sư Huỳnh Tiền và Hồng Long là trọng tài và giám sát của giải đấu lên bà với ông Thạnh là trưởng Ban tổ chức, đồng thời cũng là phó tỉnh trưởng Gia Lai, rằng chỉ có duy nhất Lê Thanh Tùng là có thể thi đấu.

'Thần cước' vô địch hạ gục võ sĩ quyền Anh Mỹ bằng sở trường... đối thủ, mặc họng súng đe dọa - 1
Lê Thanh Tùng (phải) giành chiến thắng trước võ sĩ Minh Cường.

Sang đến sáng hôm sau, đích thân ông Thạnh lên phòng thuyết phục Lê Thanh Tùng bằng "niềm tự hào dân tộc". Võ sĩ này nhận lời không chút đắn đo, và trận đấu được ấn định diễn ra ngay trong tối hôm đó.

"Đánh đến hiệp thứ hai thì tôi dùng tốc độ đánh tới tấp vào mặt đối thủ khiến John - võ sĩ quyền Anh người Mỹ, không kịp đỡ đòn, máu mũi chảy ròng ròng, rồi ngã quỵ và chấp nhận thua cuộc. Ngay sau khi John thua cuộc, một toán lính Mỹ chạy lên sàn đấu, chĩa súng về phía tôi. Ngay lập tức, nhiều binh lính người Việt cũng cầm súng nhảy lên sàn đấu, bảo vệ tôi rời đi, về khách sạn an toàn", võ sư Lê Thanh Tùng nhớ lại.

Sang đến đầu năm 1972, Lê Thanh Tùng lại có thêm trận đấu khiến làng võ phải trầm trồ mỗi khi nhắc lại. Tại sân vận động Quy Nhơn, Lê Thanh Tùng đánh với võ sĩ gốc Campuchia Thạch Danh. Đây cũng là trận đấu cuối cùng của buổi đánh đài hôm đấy.

Lúc chuẩn bị lên võ đài, võ sư Minh Cảnh là đại diện của Ban tổ chức đến "bỏ nhỏ": "Mày đánh thắng nó trước hiệp hai được không, nếu không là phải ngưng trận đấu lại để chạy máy phát điện đó, trời gần tối rồi đó". Lê Thanh Tùng gật đầu chắc nịch: "Dạ được".

Thạch Danh nổi tiếng là võ sĩ chịu đòn giỏi bởi "ngậm bùa" mà đánh. Vừa lên đài, võ sĩ này đã làm hàng loạt động tác mang tính nghi lễ lạ mặt, rồi đấm thùm thụp vào ngực để thị uy trước đối phương.

Kết quả, trước những đòn chân trời giáng liên hoàn của Lê Thanh Tùng, Thạch Danh rốt cuộc phải giơ tay xin hàng vì không chịu nổi. Tính đến thời điểm ấy, trận đấu mới diễn ra được chừng... một phút.

Rơi bông hồng, rơi cả bóng hồng...

 Cuối năm 1972, võ đường Hà Trọng Sơn dán lời thách đấu với võ đường Lê Đại Hoan tại Nghĩa Hòa (Cam Ranh, Khánh Hòa), để "rửa mặt" cho trận thua của Trần Can hai năm về trước. Võ sư Lê Đại Hoan cho người gỡ lời thách đấu, đồng nghĩa với việc chấp nhận đánh, và người "xung trận" không ai khác, chính là cậu con trai Lê Thanh Tùng.

Trận đấu ấy thu hút được cực kỳ nhiều sự chú ý của giới võ thuật. Buổi sáng hôm thượng đài, trước mặt rất nhiều các võ sư, võ sĩ ngồi uống cà phê với nhau, võ sư Mười Tường - trưởng Ban tổ chức trận đấu, ngồi cạnh ghé tai nói với Lê Thanh Tùng: "Tối nay, nếu Lê Thanh Tùng thắng Huỳnh Bông (võ sĩ đại diện cho võ đường Hà Trọng Sơn), thì bác Mười cho con dẫn con gái bác về Sài Gòn luôn, khỏi cưới".

'Thần cước' vô địch hạ gục võ sĩ quyền Anh Mỹ bằng sở trường... đối thủ, mặc họng súng đe dọa - 2

Mọi người có mặt ở đấy tất thảy đều ngạc nhiên, bởi con gái ông Mười Tường nổi tiếng xinh đẹp, được rất nhiều võ sĩ ước ao được cùng sánh duyên. Câu nói ấy chạm vào tự ái, Lê Thanh Tùng đáp lời: "Bác Mười muốn con thắng ở hiệp thứ mấy?".

Câu nói ấy, với những người trong cuộc là cực kỳ ngạo mạn, bởi ngày ấy Lê Thanh Tùng nặng có 51kg, trong khi đó Huỳnh Bông nặng 61kg. Theo luật, thậm chí Lê Thanh Tùng còn có thể từ chối thi đấu vì đối thủ nặng hơn mình đến 10kg.

Ngay trước giờ lên đài, loa Ban tổ chức đột ngột thông báo võ sĩ nào có thể thắng trong vòng 2 hiệp (trận đấu có 3 hiệp) thì sẽ được nhận thêm tiền thưởng, đồng thời sẽ có nữ khán giả xinh đẹp đích thân lên tặng bông hồng.

Trước trận đấu, võ sư Hà Trọng Sơn đã nghiên cứu rất kỹ đòn chân "thần cước" của Lê Thanh Tùng, nên đặc biệt chỉ cách cho Huỳnh Bông (Hà Trọng Nghĩa) phá đòn chân trái của ông. Võ sư Hà Trọng Sơn tự tin là chỉ cần khóa được chân trái của Lê Thanh Tùng, là Huỳnh Bông có thể thắng được.

Với chiêu "khích tướng" của võ sư Mười Tường, Lê Thanh Tùng nhanh chóng tung đòn chân sở trường hòng hạ gục nhanh đối thủ. Nhưng cả ba lần ra chân, là ba lần tuyệt kỹ của ông đều bị hóa giải.

Đến cú đá thứ tư, lần này Lê Thanh Tùng dùng chân phải ra đòn khóa được chân trước của đối thủ, nhanh như cắt tung cú đấm thôi sơn vào giữa mặt Huỳnh Bông, tiếp theo đấy là cú đấm tạt ngang của quyền Anh khiến đối phương văng từ giữa đài vào tận dây, không thể đứng dậy nổi. Trận đấu kết thúc khi chưa đi hết hiệp 1.

'Thần cước' vô địch hạ gục võ sĩ quyền Anh Mỹ bằng sở trường... đối thủ, mặc họng súng đe dọa - 3

Ngay lúc ấy, một bóng hồng lướt lên khán đài, gắn vào áo choàng của Lê Thanh Tùng một bông hồng đỏ. Ngay buổi tối đó, cô gái ấy lên tận phòng của võ sĩ thắng cuộc, tự giới thiệu mình là Lê Thị Thanh, là con gái ông Mười Tường, rồi hỏi: "Bông hồng em tặng, anh còn giữ đó không?". Lê Thanh Tùng ngẩn người, bởi bông hoa hồng đã rớt mất lúc nào chẳng hay. Người đẹp lặng lẽ quay đi không một lời từ biệt.

Ít ai biết ngày ấy, ông Lê Thanh Tùng không giữ bông hồng là bởi không tơ tưởng đến con gái ông Mười Tường, khi đã có "người trong mộng" của mình, là bóng hồng Trần Thị Thanh Tú, là con gái phó tỉnh trưởng Bình Định. Tiếc là mối tình ấy rốt cuộc cũng không thành.

Năm 1974, hai năm sau khi được phong võ sư, Lê Thanh Tùng được Tổng cuộc quyền thuật Việt Nam giao trọng làm HLV cho phái đoàn võ sĩ miền Nam đi thi đấu quốc tế tại Campuchia.

Năm 1978, ông rời Việt Nam sang định cư ở California, Mỹ, thành lập hội võ thuật để truyền bá võ thuật Việt Nam tại đây. Năm 2010, ông trở về sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012, ông cưới vợ và về quê vợ ở làng biển Phú Dương, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, vui thú điền viên và tiếp tục nghiên cứu võ học Việt Nam.

Theo Kim Thiền (Pháp luật và Bạn đọc)

Nổi bật