Nếu việc tổ chức đấu võ tự phát, thách đấu tràn lan, thiếu luật lệ, thiếu tổ chức, gây mâu thuẫn giữa các môn phái, tăng tính hơn thua trong võ thuật, đi ngược lại tôn chỉ của võ thuật thì dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều sự thách đấu và các trận đấu giữa võ sĩ của các môn phái trên nhiều quốc gia khác nhau. Vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là các trận đấu này diễn ra có đúng luật hay không? Nếu có thương tích hoặc án mạng thì trách nhiệm thuộc về ai và hình thức xử lý như thế nào?
Trước đó, chiều (12.7), trận giao đấu giữa võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores (91 kg) và võ sư karate Đoàn Bảo Châu (62 kg) đã diễn ra tại Hà Nội. Sau hơn 1 phút thi đấu, cao thủ Vịnh Xuân Flores dễ dàng đánh bại võ sư Đoàn Bảo Châu.
Võ sư Đoàn Bảo Châu (trái) đấu với võ sư phái Vịnh Xuân Nam Anh Pierre Francois Flores |
Clip trận giao đấu giữa hai võ sư liên tục được chia sẻ lên mạng xã hội với gần 1 triệu lượt xem và rất nhiều lời bình luận. Tuy nhiên, vấn đề thách đấu võ thuật này đã nảy sinh các tình huống pháp lý đáng quan tâm.
Trao đổi với PV, luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, theo quy định pháp luật về cấp phép tổ chức sự kiện thể thao, theo pháp luật VN hiện hành, việc tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế tại VN phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
“Theo khoản 4, Điều 13 luật Thể dục thể thao 2006, cơ quan, tổ chức quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng phải tuân theo quy định của luật này và có trách nhiệm quy định nội dung, hình thức, chế độ bồi dưỡng, giải thưởng và bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức giải thi đấu. Việc báo cáo tổ chức giải phải được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư 09/2012/TT-BVHTTDL. Cụ thể phải báo cáo bằng văn bản về Tổng cục Thể dục thể thao ít nhất 20 ngày trước ngày khai mạc giải. Nêu rõ mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu; kèm theo ý kiến bằng văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) nơi tổ chức giải và ý kiến của cơ quan khác (nếu có). Sau 15 ngày kết thúc giải, báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về Tổng cục Thể dục thể thao”, LS Chánh nêu.
LS Nguyễn Thúy Lệ Huyền (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, đối với tổ chức đứng ra tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quốc tế giữa các địa phương có chung đường biên giới có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản về Sở VH-TT-DL nơi tổ chức giải trước ngày khai mạc ít nhất 20 ngày làm việc. Sau 10 ngày kết thúc giải có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản kết quả của giải về VH-TT-DL nơi tổ chức giải.
"Nếu không thành lập Ban tổ chức giải thi đấu theo quy định, không có Điều lệ giải thi đấu theo quy định, không có kế hoạch tổ chức giải thi đấu theo quy định và không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, kết quả giải thi đấu theo quy định thì cơ quan tổ chức giải có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 40 NĐ 158/2013/NĐ-CP. Theo đó, mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng", LS Huyền cho biết.
Thách đấu tự phát, nhiều rủi ro
Tuy nhiên, LS Chánh cho rằng theo quy định tại Điều 9 luật Thể dục thể thao, thi đấu thể thao quần chúng quốc tế là giải thi đấu thể thao được tổ chức tại VN có sự tham dự của các vận động viên là người nước ngoài do cơ quan, tổ chức VN mời. Như vậy trận giao đấu giữa võ sư Pierre Francois Flores và võ sư Đoàn Bảo Châu vẫn chưa được pháp luật điều chỉnh.
Trong trường hợp nếu có hậu quả xảy ra như bị thương, chết người thì theo khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 "mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ; không bị tra tấn, bạo lực…".
LS Chánh cho rằng, việc tổ chức thi đấu tự phát chứa đựng nhiều rủi ro. Trong quá trình thi đấu mà gây ra thương tích nặng thì về mặt pháp lý, người gây ra thương tích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Cố ý gây thương tích" được quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 60% thì khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều 104 BLHS, thì bị phạt tù từ 10 đến 15 năm. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10 đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Khi xảy ra thiệt hại do tính mạng, sức khỏe bị xâm phạm, người phạm tội hoặc người vi phạm còn có thể phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật Dân sự hiện hành.
LS Chánh cho rằng, nếu tổ chức thi đấu đối kháng mà có sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc thi đấu trên tinh thần võ học và dừng lại ở việc giao lưu, học hỏi thì có thể không phát sinh vấn đề rắc rối gì về pháp lý. Tuy nhiên, nếu việc tổ chức đấu võ tự phát hoặc cổ xúy việc thách đấu tràn lan, thiếu luật lệ, thiếu tổ chức, gây mâu thuẫn giữa các môn phái, tăng tính hơn thua trong võ thuật, đi ngược lại tôn chỉ của võ thuật là rèn luyện sức khỏe, tự vệ và cứu người, thì có thể dẫn đến hậu quả pháp lý như đã nêu trên.
Theo Ngọc Lê (Thanh Niên Online)