Trước Italia, tiqui-taca trở thành tử huyệt của Tây Ban Nha. Họ cầm bóng đầy mong manh, thường xuyên mất bóng và cứ mất bóng là khung thành chao đảo.
LỐI CHƠI LỖI THỜI
Năm 2014 đánh dấu sự sụp đổ của lối chơi tiqui-taca thuần chủng lẫn tiqui-tacanaccio (thiên về phòng ngự). Cùng sử dụng lối đá này, lần lượt Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha thu về những kết quả tệ hại nhất trong vòng chục năm trở lại đây. Barca trắng tay trên cả 3 mặt trận và lần đầu tiên bị loại ở vòng tứ kết Champions League sau 8 năm. Trong khi đó, La Roja bị loại ngay từ vòng bảng World Cup 2014.
Sau cú vấp này, gã khổng lồ xứ Catalan lập tức đứng dậy và hồi sinh mạnh mẽ. Sự xuất hiện của HLV Luis Enrique cùng lối đá tiqui-tacounter (tận dụng phản công) giúp Barca trở lại vị thế của kẻ thống trị. Mùa giải năm ngoái, thầy trò Enrique tái hiện “cú ăn 3” vĩ đại và năm nay vẫn đang tiến nhanh, tiến mạnh trong hành trình bảo vệ “cú ăn 3” này, điều chưa một đội bóng nào làm được.
Trong khi đó, Tây Ban Nha thể hiện hình ảnh trái ngược, vẫn loay hoay tìm lối thoát khỏi vũng lầy tiqui-taca. Có 2 lý do dẫn tới sự bế tắc của La Roja. Thứ nhất, Vicente Del Bosque quá bảo thủ, vẫn sử dụng sơ đồ chiến thuật và lối chơi đã lỗi thời. Thứ hai, lớp kế cận chưa thể lấp đầy khoảng trống những trụ cột Xavi Hernandez, Xabi Alonso hay David Villa để lại.
Trận hòa may mắn trước Italia cho thấy rõ điều đó. Tây Ban Nha thi đấu hết sức bạc nhược và tiqui-taca trở thành tử huyệt. Mặc dù cầm bóng nhiều hơn hẳn đối phương (56%) nhưng cái cách La Roja cầm bóng thật mong manh. Các học trò của Del Bosque thường xuyên mất bóng và cứ mỗi lần mất bóng là khung thành David De Gea lại bị đặt vào tình trạng báo động.
Ở trận này, Italia tung ra tổng cộng 11 cú dứt điểm, 7 lần đưa bóng trúng đích và hầu hết đều xuất phát từ những tình huống cầu thủ đối phương để mất bóng ở phần sân nhà, kể cả bàn thắng của Lorenzo Insigne ở phút 68. Hàng công Tây Ban Nha thì thể hiện hình ảnh trái ngược, cả trận chỉ có 4 lần dứt điểm, 2 lần đưa bóng trúng đích trong đó có tình huống Aduriz may mắn san bằng tỉ số sau tình huống trọng tài bỏ qua lỗi việt vị của La Roja.
NHỮNG ĐIỂM SÁNG TỪ TÂN BINH
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính sự vắng mặt của bộ đôi Sergio Busquets và Andres Iniesta khiến cho lối chơi của đội tuyển Tây Ban Nha đánh mất sự uyển chuyển. Bộ ba Mikel San Jose, Thiago Alcantara và Cesc Fabregas rồi sau đó là sự xuất hiện của Koke (46’, thay Mata) vẫn không thể giúp tuyến giữa các nhà ĐKVĐ châu Âu kiểm soát thế trận.
Ngoài ra, trong bức tranh tối ấy vẫn có những mảng sáng đem tới hy vọng cho Del Bosque. Đó là màn trình diễn của những cầu thủ có thể xem là “tân binh” như David De Gea, Alvaro Morata và Aduriz. Nổi bật nhất là De Gea. Nếu không có sự xuất sắc của thủ môn này, Tây Ban Nha có lẽ đã thảm bại. Trong 7 lần đối mặt những pha dứt điểm trúng đích của đối phương, De Gea hóa giải thành công tới 6 lần và chỉ bất lực trước cú dứt điểm cận thành của Insigne.
Morata và Aduriz thì phối hợp khá ăn ý trên hàng công. Bằng kỹ thuật và sự khôn ngoan trong di chuyển không bóng, Morata phần nào hoàn thành tốt vai trò hộ công. Nếu tuyến giữa Tây Ban Nha cầm bóng tốt hơn, Morata chắc chắn sẽ có nhiều đất diễn. Trong khi đó, Aduriz tiếp tục thể hiện cái duyên ghi bàn với tình huống ập vào chớp thời cơ rất nhanh.
Bởi vậy, nếu Del Bosque trọng dụng bộ ba này cũng như những trụ cột như Busquets, Iniesta không gặp bất trắc gì cho tới khi EURO 2016 diễn ra, cơ hội bảo vệ chức vô địch châu Âu của người Tây Ban Nha vẫn còn.
Theo Ngọc Trung (Bongdaplus.vn)