Chẳng cần là chuyên gia bóng đá hay fan lâu năm của MU cũng có thể đánh giá được thời khắc Sir Alex Ferguson rời bỏ cương vị huấn luyện viên (HLV) trưởng MU chắc chắn sẽ mở ra một kỷ nguyên đầy gian khó của "Quỷ đỏ". Tuy nhiên, không ai có thể ngờ được, kỷ nguyên tăm tối ấy đang kéo dài như vô tận. Nó đen tối tới mức còn được nhiều người ví von là “thảm họa Munich thứ 2 trong lịch sử MU”.
Hôm nay, MU gặp Chelsea, gợi lại hình ảnh đầy biểu tượng cho sự sụp đổ của "Quỷ đỏ". Đó chính là hình ảnh Jose Mourinho đang giữ cương vị HLV trưởng MU đối đầu với đội bóng cũ của mình.
Sai một ly, đi cả dặm
Theo tài liệu vừa được tờ The Times công bố cách đây vài ngày, MU thực tế ngay lập tức tìm tới Mourinho mời ông về thay thế Sir Alex Ferguson trong mùa mà Fergie nghỉ hưu. Như vậy là vào năm Mourinho rời ghế HLV Real Madrid, cả MU và Chelsea đều tiếp cận ông.
Mourinho chủ động đánh tiếng cho Chelsea qua việc gửi tới phóng viên thân cận tại Anh lịch trình làm việc trong những ngày lưu lại ở London. Sau khi được đích thân Sir Alex gọi điện, Mourinho lại nghiêng về phía MU nhiều hơn. Việc được thừa kế di sản của một chiến lược gia vĩ đại như Sir Alex quả là điều tuyệt vời.
Nhưng ở một trong những buổi đàm phán, MU bị Real Madrid yêu cầu khoản tiền đền bù hợp đồng lên tới 20 triệu bảng. Do không đạt được thỏa thuận, "Quỷ đỏ" rút lui. Vài ngày sau, Mourinho lại chủ động gọi điện thêm một lần nữa để bật đèn xanh nhưng do tự ái, MU đã quyết định không trở lại Madrid thêm một lần. Và điều đó đưa "Người đặc biệt" về lại Chelsea, đồng thời đưa David Moyes lên ghế HLV MU.
Chỉ vì thời khắc tự ái, MU đã bổ nhiệm sai HLV, quyết định mở ra những chương tăm tối đầu tiên trong những năm trượt dài. Tất nhiên, chẳng ai dám chắc chắn nếu Mourinho đến MU từ năm 2013 mọi chuyện có thể tốt hơn. Đó chỉ là một sự suy luận dựa trên logic thời điểm. Người ta cho rằng vào năm 2013, Mourinho chưa u uất, nhiều ức chế như bây giờ.
Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đến tiếp quản lại chiếc ghế HLV trưởng Chelsea trong niềm vui. Ông thậm chí còn tự lên thiết kế cho căn hộ ở London. Có cảm giác Mourinho lúc đó thật sự vẫn đang hưởng thụ nghề huấn luyện. Còn ở MU, ông luôn u uất, thậm chí chẳng thèm mua nhà tại Manchester mà ở lỳ trong khách sạn và thi thoảng lại than phiền về cuộc sống ở khách sạn chẳng có chút hơi ấm gia đình nào.
Vấn đề cần được chứng minh ở đây là MU từng quá chủ quan về vết trượt dài thời hậu Sir Alex. Bổ nhiệm David Moyes là một sự phiêu lưu vì MU tin rằng di sản của Fergie là quá đủ để bất kỳ HLV nào cũng có thể thành công. Tuy nhiên, nó dẫn tới rất nhiều những hệ lụy sau đó.
Thất bại của kỷ nguyên Moyes khiến MU trở nên sốt ruột. Cũng dễ hiểu thôi, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh đang vươn lên như vũ bão, thì một đội bóng như MU tụt hậu là điều không thể chấp nhận được. Xuất phát từ sự nóng ruột đó, ban lãnh đạo MU bắt đầu nảy sinh tư tưởng “ăn xổi”.
Họ mời những HLV đã có sẵn tên tuổi, họ mua những cầu thủ đắt tiền mà không cần quan tâm tới việc những ngôi sao đó có thật sự hợp với triết lý của đội bóng hay không. Họ trở nên mất kiên nhẫn khi thành công không ngay lập tức tới, để được chứng minh rằng thời hậu Sir Alex không quá khủng hoảng.
MU đã quên mất chính lịch sử của mình. Năm 1958, sau khi chiếc máy bay Elizabethan đâm xuống đất sau 3 lần cất cánh, cướp đi tới 8 cầu thủ tài năng của thế hệ Matt Busby, "Quỷ đỏ" cũng được dự báo sẽ trải qua quãng thời gian tăm tối nhất trong lịch sử.
Bobby Charlton - người đã may mắn sống sót sau thảm họa Munich từng nói: “Thảm họa ấy vĩnh viễn thay đổi lịch sử bóng đá Anh và cả thế giới nữa. Nếu đội quân Bubsy Babes còn nguyên vẹn, MU có thể ngăn cản Real Madrid lập thành tích 5 lần liên tiếp vô địch cúp C1 vì chúng tôi có kinh nghiệm ở đấu trường châu Âu sau khi vào đến bán kết giải này mùa bóng 1956/57”.
Tuy nhiên, Sir Matt Busby không nóng lòng phải ngay lập tức trở lại đỉnh cao. Ông kiên nhẫn đôn những cầu thủ từ đội trẻ lên thay thế những ngôi sao tử nạn và tạo nên đội bóng thiện chiến vô địch châu Âu năm 1968, tức là 10 năm sau thảm họa Munich.
10 năm để một đội bóng đi từ sự mất mát, đau thương và sụp đổ trở lại đỉnh cao. Đó là một quãng thời gian dài, đòi hỏi không chỉ tài năng của người cầm đầu, mà còn là cả sự kiên nhẫn của người hâm mộ, ban lãnh đạo, phải xây dựng một đội bóng từ gốc mới bền vững được.
Nhưng MU lúc này không có được sự kiên nhẫn đó. Quyết định đưa Mourinho về chính là một trong những ví dụ. Ai cũng biết là ngoại trừ Chelsea nhiệm kỳ 1, Mourinho đến bất kỳ CLB nào cũng chỉ có thành công ngắn hạn bằng cách mua sắm tưng bừng, chơi 1-2 mùa bóng ấn tượng rồi sau đó lụi tàn.
Khi ký quyết định đưa Mourinho về, ban lãnh đạo MU có lẽ nghĩ rằng chúng ta cần một vài chiếc cúp để kích thích sự tự tin. Mourinho đã mang Europa League về, nhưng sự tự tin vẫn ở đâu đó rất xa vời.
Dục tốc bất đạt. Nếu như năm xưa MU không tin vào Sir Matt Busby và cả Sir Alex, lịch sử của họ đã không vẻ vang đến vậy.
Theo Kiều Phong (Tri Thức Trực Tuyến)