Nơi Thái Sung ở nằm sâu trong khu Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm (Hà Nội). Vốn là làng, sau đô thị hóa, đặc điểm nổi bật nơi đây là những con đường nhỏ ngoằn nghèo. Chúng cũng khá tối, bởi các căn nhà luôn đua ra ở phần trên, chỉ tạo nên một khe nhỏ để ánh sáng rọi xuống.
Tiến trình xây dựng vẫn đang tiếp tục. Hà Nội đất chật người đông, người ta đập đi căn nhà lụp xụp cũ và thay thế bằng một chung cư mini để cho thuê. Khu trọ của Thái Sung cũng tương tự. Chủ nhà đang cơi nới thêm. Nay mai kế bên dãy phòng cũ sẽ là một dãy mới, với những căn phòng lớn. Dĩ nhiên giá cũng đắt hơn.
Phòng Thái Sung tận trên tầng 4, phải đi cầu thang bộ, len qua đám vật liệu xây dựng vứt ngổn ngang. Căn phòng nhỏ chỉ khoảng 15m2, bao gồm một gác xép. Thái Sung ngủ trên đó. Phòng khá lộn xộn, góc này để ba lô, giày, chỗ kia là quần áo, cái treo cái bỏ trong thùng giấy hoặc túi nylon. Tất cả nổi bật sự tạm bợ, song Thái Sung lại có ý định gắn bó lâu dài.
Ngoài việc gần nơi làm việc, một trung tâm bóng đá cộng đồng, cậu còn luôn miệng khen chỗ này thoáng, quan trọng là rẻ. Thu nhập ở trung tâm không phải rất cao, nhưng cũng ổn định, cho phép Thái Sung dành dụm chút ít gửi về cho bố mẹ.
Ngồi xuống tấm phản đặt dưới sàn, chỗ ngủ của cậu bạn làm cùng trung tâm, Thái Sung bắt đầu kể về cuộc sống của cậu những năm qua. Tất nhiên không phải về việc cậu từng là cầu thủ Việt Nam duy nhất trúng tuyển, sau đó được đào tạo ở Học viện bóng đá danh tiếng Aspire Qatar; cũng không phải chuyện Thái Sung lọt tốp 10 cầu thủ hay nhất giải giao hữu dành cho lứa U17 ở Bồ Đào Nha, để rồi nhận lời mời kí hợp đồng 2 mùa ở đội trẻ Sporting Lisbon. Những cái đó báo chí đã nói nhiều, và Thái Sung cũng không muốn nhắc lại.
Những ngày ấy nói đến Thái Sung người ta thường gắn với hai từ “thần đồng”, mà Thái Sung chưa bao giờ nghĩ bản thân xứng đáng với từ ấy. “Không, em không bao giờ là một thần đồng”, cậu nói với báo Tiền Phong , “Em không phải cầu thủ xuất sắc nhất, bởi có rất nhiều cầu thủ còn hay hơn em. Có điều hồi ấy em may mắn hơn và được ra nước ngoài. Tuy nhiên thời trẻ mục tiêu lớn nhất của em chỉ là được đá chuyên nghiệp, tại V-League hoặc nơi nào đó bất kỳ, sau đó tạo dựng sự nghiệp lâu dài, chứ không nghĩ danh tiếng này khác”.
Vì vậy, Thái Sung đã rất đau khổ khi sự nghiệp phải dừng lại ở tuổi 27 (tháng 11/2021). Không phải vì cậu không thể trở thành ngôi sao, mà đơn giản vì không thể chơi bóng tiếp. Và cuộc sống sau đó như thế nào, cậu không biết.
“Giải nghệ xong em thực sự không hình dung sẽ làm gì tiếp theo”, cậu nhớ lại, “Khi theo nghiệp đá bóng ít ai có phương án dự phòng, chỉ biết mỗi quả bóng. Mà anh cũng biết, cầu thủ tụi em thời gian dành cả cho bóng đá, đâu có học hành nhiều. Vậy nên khi lỡ dở, việc đầu óc thì không làm được, đi buôn phải có vốn, thành ra chỉ có thể làm việc tay chân. Hồi lớp 10 em đã đi nước ngoài nên không có bằng cấp 3, giờ đi xin việc gì cũng khó”.
Khi vận rủi tới, những điều tồi tệ sẽ đến liên tiếp. Thái Sung phải từ giã sân cỏ vì chấn thương dai dẳng nơi đầu gối. Giải nghệ rồi vẫn phải mổ lần hai. Cậu nhớ lại: “Em phải chạy vạy tiền chữa trị, mà lúc ấy mình lại không làm ra tiền, cũng không biết phải làm gì để có tiền với cái chân đau đến mức không đi nổi. Bố mẹ già rồi, kinh tế cũng khó khăn, vì bố bộ đội về hưu, mẹ thì nấu cơm cho công ty. Thế mà mình vẫn phải ăn bám. Cũng 28, 29 tuổi rồi chứ có ít đâu”.
“Trong lúc cùng quẫn, em buông thả bản thân, chơi bời nhậu nhẹt, đàn đúm bạn bè, chỉ để quên đi thực tại, chán lắm anh ạ”, Thái Sung kể, “Rồi chơi mãi cũng đến lúc phải dừng. Thường thì con cái ít nghĩ cho bố mẹ. Nhưng đến một ngày, chứng kiến ánh mắt buồn bã của bố mẹ, giật mình thấy bố mẹ ngày càng già đi, em thương quá, tự nhủ phải làm lại”.
Nhờ bạn chỉ vẽ, Thái Sung ở nhà bán quần áo online. Có điều tuy không phải bỏ vốn nhưng thu nhập ít ỏi, chỉ vài triệu. Và cũng người bạn kia hướng cậu rời Đà Nẵng, ra Hà Nội làm bóng đá cộng đồng. Rồi Thái Sung gặp anh Nguyễn Chí Kiên, người sáng lập Trung tâm bóng đá cộng đồng nơi Sung làm việc.
Nói đến anh, cậu có sự kính nể đặc biệt, mô tả “đây là người khác biệt so với những người từng gặp trước đây, lại làm bóng đá rất giỏi”. “Trước em chỉ biết đá, có biết dạy đâu, nhưng anh hướng dẫn, dạy bảo em nhiều để bây giờ em là một trong số các HLV ở trung tâm, huấn luyện lứa U9 và U13”, cậu cho biết.
Lịch dạy của Thái Sung kín cả tuần. Cứ mỗi sáng thức dậy cậu lại ra chợ mua đồ về tự nấu cơm, trong lúc chờ đến giờ ra sân lại lên mạng, tìm hiểu phương pháp dạy bóng đá của nước ngoài, rồi tự rút tỉa, kết hợp với kiến thức từng học ở Học viện Aspire Qatar và xây dựng giáo án của riêng mình. “Dạy trẻ em khó lắm anh ạ, mình không thể bê nguyên giáo án chuyên nghiệp vào giảng dạy”, Thái Sung nói, vừa chỉ vào màn hình máy tính những trang bóng đá nước ngoài cậu hay xem.
“Làm cầu thủ có thể kiếm nhiều tiền, nhưng chỉ trong một thời gian nhất định, làm huấn luyện thì bền và ổn định hơn”, Thái Sung tỏ ra khá hài lòng với cuộc sống hiện tại. Ít nhất cậu vẫn đang sống cùng bóng đá, đồng thời có một công việc tốt để bố mẹ cũng an tâm hơn. Thái Sung cũng muốn đi xa hơn khi đăng ký với CLB Đà Nẵng để học bằng C huấn luyện viên, bao giờ lớp mở CLB sẽ thông báo.
Hỏi Thái Sung có buồn không khi không thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế đã có để phát triển sự nghiệp cầu thủ, và nhiều bạn bè cùng trang lứa hoặc thế hệ đàn em lại thành công hơn, cậu nói “cũng hơi buồn bởi đời cầu thủ không thể hiện được nhiều”.
Tuy nhiên cậu sẽ thấy vui nếu các bạn của mình thành công, bởi “khi ăn tập cùng nhau tất cả đều là con số 0, mỗi người một con đường đi khác nhau, đi tới đâu tùy thuộc số phận mỗi người”.
Số phận Thái Sung, như cậu nói, “đen đủi vì không gặp thời”.
“Thời gian ở Học viện Aspire em chơi bóng ở châu Âu nhiều, một năm đến ba bốn nước đá giải”, cậu chia sẻ, “Khi về nước cảm thấy bóng đá của mình chậm hơn so với họ rất nhiều. Đơn cử như việc chuyền bóng, nước ngoài chuyền rất căng và người nhận bóng cũng đồng thời mở ra không gian để tiếp tục tịnh tiến bóng lên phía trước, nhịp độ luôn rất nhanh. Giờ đến thời HLV Troussier chúng ta mới chú ý đến việc đó.
Giá như lúc em về cũng như hiện tại thì tốt. Hơn nữa thời nay cầu thủ trẻ được ra sân nhiều, khác xa cách đây mười năm, cầu thủ trẻ đâu có cơ hội. Xưa để được đá phải thật sự hay, lại phù hợp với triết lý của HLV, mà em thì không phải”.
Nghĩ lại, Thái Sung cho rằng mình “không có duyên lắm với sự nghiệp cầu thủ, nó cứ sao sao, nhiều lúc tưởng đến gần mà vì lý do nào đó, lại xa khỏi tầm tay”. Cậu kể: “Hồi Sporting Lisbon đưa ra đề nghị, em vẫn còn hợp đồng với Đà Nẵng đến năm 27 tuổi. Đà Nẵng muốn tiền đền bù hợp đồng, mà em thì không có, và chẳng là gì để Sporting Lisbon bỏ tiền. Giá ngày ấy được ra nước ngoài có lẽ con đường em sẽ khác.
Ở Đà Nẵng có thời điểm em đạt phong độ tốt và được đá, đi khám bác sỹ lại nói bị tim, thế là bị gạch tên khỏi danh sách đăng ký đá V-League. Trước nay em đâu có vấn đề về tim, sau ra Hà Nội, vào Bạch Mai khám, bác sỹ cũng nói không có vấn đề gì. Rồi em đến Long An, và các chấn thương ập đến”.
“Suy nghĩ thấu đáo, thôi thì cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác lại mở ra. Mình không theo được nghiệp cầu thủ chuyển sang huấn luyện cũng tốt”, Thái Sung nói với một nụ cười, đồng thời chuẩn bị đồ đạc để ra sân tập.
Sân tập mà Trung tâm thuê cách chỗ Thái Sung ở không xa. Nó nằm trong khuôn viên của một xí nghiệp cũ bỏ hoang. Từ đây có thể nhìn thấy sân tập của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, nơi ĐTQG Việt Nam thường tập luyện.
Thái Sung không hướng về đó. Cậu chỉ tập trung cho hiện tại. Một buổi dạy bắt đầu bằng việc khiêng ra các hòm tôn to đựng dụng cụ tập luyện, từ bóng đến mắc cơ (marker). “Xưa em học làm gì có những thứ này”, Thái Sung vừa cười vừa xếp mắc cơ, để có thể bắt đầu ngay khi các học viên tới.
Chẳng mấy chốc sân đã kín học viên, những cậu bé vừa rời khỏi các buổi học thêm và được bố mẹ đưa tới. Nhiều phụ huynh sẵn sàng ngồi đó, trong buổi chiều tối Hà Nội đột nhiên trở rét, ngắm nhìn con tập, chờ đợi đến khi kết thúc để đưa chúng về.
Một lần nữa, nó rất khác với thời của Thái Sung. “Ngày còn trẻ em thiếu một người định hướng, không có người chỉ vẽ mà bố mẹ thì đâu có biết về bóng đá. Cái gì cũng phải tự lực cánh sinh, nên đôi khi quyết định sai hoặc rơi vào bế tắc”, cậu nói.
Giờ trẻ em có điều kiện hơn, gia đình cũng quan tâm, ủng hộ để theo đuổi đam mê. Thái Sung cũng sẵn sàng đồng hành với những cậu nhóc này. Không chỉ chia sẻ kiến thức và kỹ năng, cậu sẵn sàng cho các em lời khuyên. Những lời khuyên được đúc kết từ câu chuyện của chính cậu, một tài năng không đúng thời điểm, chịu quá nhiều đen đủi và dần đi vào lãng quên.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)