Nguyễn Thị Ánh Viên - cô gái đã làm mưa làm gió trên đường đua xanh SEA Games 28 (với cú đúp số 8 - HCV và số lần phá kỷ lục) có một 'quá khứ' đặc biệt. Theo tiết lộ của HLV Đặng Anh Tuấn, Viên đã từng bị chê tơi bời khi ông giới thiệu cô cho đội tuyển bơi Việt Nam...
![]() |
Ánh Viên năm học lớp 5, chụp chung với cô giáo, đây cũng là năm đầu tiên đoạt huy chương bạc Hội khỏe Phù Đổng cấp quận, trước khi được tuyển vào học năng khiếu tại Trung tâm thể thao quốc phòng 4, QK9 - Ảnh: Đình Tuyển |
Ông Tuấn tiếp lời: "Cũng chính vì vậy mà 4 năm sau, Viên chưa hề có được một thành tích nào trong nước. Huy chương đồng còn khó, chứ đừng nói đến chuyện dám mơ đến huy chương vàng. Nhưng nhìn con bé, tôi biết chắc đây sẽ là một tài năng chỉ trong tương lai rất gần thôi!”.
Ông Tuấn giải thích một trong những lý do chính khiến ông quyết định “bám đuổi” Viên vì ở Viên có gì đó vô cùng đặc biệt khiến ông linh cảm thấy.
Về thể hình, Viên có cấu tạo cơ thể cực kỳ phù hợp với môn bơi. Diện tích lòng bàn tay rộng, lưng dài, bàn chân to như đàn ông trưởng thành và sải tay thì rất khủng.
Thông thường, sải tay một người bình thường sẽ có độ dài tương đương với chiều cao. Lần đầu gặp Viên, ông Tuấn đã bị “ngợp” vì sải tài dài “dằng dặc” của cô bé. Đến giờ, Viên cao 1m73 thì sải tay của cô là 1m79.
Viết đến đây, tôi hình dung ra đôi chân của Viên khi đưa ra đằng sau để lấy đà trước khi lao xuống nước. Eo ôi, chân của Viên còn dài và to còn hơn cả ông chồng (đi cỡ giầy 40) của tôi.
Ông Tuấn kể rằng, ở bên Mỹ đi mua giầy cho Viên khó ra phết. Vì giầy nữ ít có nơi bán size khủng cho nữ. Hai thầy trò đi… nửa ngày mới mua được.
Lan man sang chuyện giày dép, giờ trở về cái sự lận đận của Viên khi ban đầu không được chấp nhận tập ở tuyển quốc gia. Ông Tuấn ỉ ôi thuyết phục mãi mà không ai trong ngành đồng ý.
“Cuối năm 2010, Viên có chút thành công ở giải đấu dành cho bể 25 m. Nhưng tôi cũng phải lấy uy tín cá nhân để bảo lãnh cho Viên thì Viên mới được gọi vào tuyển quốc gia”, ông Tuấn lục lại ký ức.
5 năm kể từ ngày được đầu tiên khoác áo tuyển thủ cho đến hôm nay - thực sự là một quãng đường không phải là quá dài nhưng trong 5 năm ấy, Viên đã tiến bộ nhanh ở mức thần kỳ, mà theo lối ví von của ông Tuấn “y như những cú nước rút lập nên hàng loạt kỷ lục SEA Games mới của con bé".
Chiến! Chiến và chiến
Từ chỗ bị từ chối ở đội tuyển đầu năm 2010, đến cuối năm 2014, Viên được Liên đoàn bơi lội thế giới xếp hạng 14 thế giới nội dung 400 m hỗn hợp. Còn gì vui mừng hơn với một người thầy nữa đâu.
Ông Tuấn cũng không quên kể thêm lý do quan trọng khác làm nên những chiến công vang dội của Ánh Viên: “Đã huấn luyện rất nhiều VĐV nhưng tôi chưa thấy VĐV nào có ý chí mãnh liệt như Viên" và ông đúc kết: ý chí, nghị lực đó có khi còn lớn hơn cả khả năng của chính Viên.
![]() |
Thầy trò HLV Anh Tuấn và Ánh Viên tại buổi trò chuyện với báo chí hôm 11.6 - Ảnh: Độc Lập |
Tôi đã từng ứa nước mắt khi nghe kể, khi nhìn hình ảnh những cô “búp bê” xinh đẹp của đội tuyển thể dục dụng cụ, phải xa nhà từ tầm bé tí, lơ ngơ, lít nhít rời xa bố mẹ khi chưa đến tuổi dậy thì. Và tôi cũng ứa nước mắt lúc nghe kể về Viên. Ừ thì Viên được đầu tư tiền tỉ sang Mỹ tập huấn thật đấy nhưng có một lần Viên tủi thân nói với thầy: “Sao con khổ thế này. Con muốn được nói chuyện với mẹ. Bạn bè con giờ này đang quây quần cùng gia đình bên mâm cơm ngày Tết. Còn con thì…”.
Nói đến đây, Viên bật khóc nức nở nhưng rồi hai thầy trò lại... bắt tay ngay vào “công cuộc” rán nem (chả giò), nấu miến thịt để đón giao thừa Việt Nam ở đất Mỹ.
![]() |
Viên đã hi sinh rất nhiều thứ khi đến với bơi lội - Ảnh: Khả Hòa |
Theo Lan Phương (Thanh Niên Online)