Bóng đá cũng như cuộc sống, luôn tồn tại sự bất mãn. Đến những đội bóng siêu giàu vẫn còn cảm thấy cuộc đời bất công với mình. Ở đây, đối tượng bị nhắm tới là UEFA.
Chính vì thế, những "nạn nhân" muốn liên kết với nhau để tạo ra một giải đấu không còn "sự bất công", quan trọng nhất là loại bỏ sự ràng buộc vào UEFA.
Không thể nói là nhóm 12 CLB, đứng đầu là Real Madrid và Man United, thiếu nghiêm túc với dự án của mình. Họ đã thai nghén kế hoạch này hơn 10 năm, và lựa chọn thời điểm thích hợp nhất để công bố sự ra đời của Super League.
Hãy xâu chuỗi những phát biểu của chủ tịch Florentino Perez - lãnh đạo tối cao đầu tiên của tổ chức Super League. Nó trơn tru, liền mạch, đầy tính logic. Cứ mỗi luận điểm phản đối, Perez sẽ có ngay luận điểm đáp trả. Tổ tư vấn cho Perez tại Super League đã hoạt động hết công suất và nó mang dấu ấn của sự đầu tư, chuẩn bị kỹ càng.
Nhưng như mọi người đều thấy, sau 48 tiếng, một nửa số "đồng minh" của Perez đã bỏ vũ khí đầu hàng UEFA. Số còn lại đang vừa thở vừa run, chỉ mình Perez là vẫn có thể nói cứng.
Hai con "rắn độc" theo lời chủ tịch UEFA, Aleksander Ceferin và đồng thời là 2 cố vấn quan trọng của Perez tại Super League là Ed Woodward và Andrea Agnelli đều mất vị thế tại chính CLB chủ quản của mình.
Như vậy là chưa cần giao tranh, bên Super League đã tan hoang. Kế hoạch bị đình trệ vô thời hạn, đôi khi chỉ còn trong lời nói của Perez. Câu hỏi là tại sao một dự án được thai nghén và đầu tư kỹ càng như thế lại có thể sụp đổ nhanh như vậy?
Câu trả lời nằm ở vấn đề lợi ích. 12 đại gia đến với nhau vì lợi ích tư thì cũng chia rẽ vì lợi ích tư. Trong số 12 đội bóng tự nhận là giàu có này, vẫn có sự phân hóa rất rõ ràng. Giới siêu giàu là Real, Barca và MU, trong khi Milan và Inter có giá trị chưa bằng một nửa.
Nguồn thu chính của một vài đội bóng thậm chí không đến từ bóng đá, như MU và Man City, trong khi có đội vẫn chết đứng vì phụ thuộc vào tiền bán vé.
Tựu trung lại, sợi dây liên kết giữa 12 CLB này là một thứ lợi ích mơ hồ, chí ít ở thời điểm hiện tại là như vậy. Trong khi đó, với UEFA hay các tổ chức được công nhận khác, dù phía 12 CLB kia có hoài nghi đến đâu, họ vẫn được suy tôn là nơi duy trì sự công bằng trong bóng đá.
Ở đây, "công bằng" dành cho tất cả mọi thành viên, không kể lớn bé. Dù UEFA hay FIFA có không ít tai tiếng, uy tín của họ vẫn trên tầm mọi tổ chức khác về bóng đá, nhất là với những nhóm mới thành lập.
Lời hiệu triệu của UEFA có giá trị toàn châu lục, khác hẳn với lời nói của một vài vị chủ tịch thậm chí còn không lọt nổi tai CĐV của mình. Và chưa cần UEFA phát động, phong trào chống Super League đã nổi lên từ chính cộng đồng fan của từng đội bóng, bên cạnh fan trung lập yêu bóng đá.
Những phản ứng như này chắc chắn nằm trong tính toán của nhóm thành lập Super League. Nhưng như đã nói, lợi ích giữa họ không hề có đảm bảo công bằng, nên khi thấy động, mớ ô hợp này sẽ tan rã.
Hệ thống, kết cấu hiện tại của bóng đá châu Âu là giá trị kết tinh của hàng chục năm phát triển và tái cơ cấu liên tục. Nó có tính kế thừa và nhận được sự công nhận của mọi thế hệ công chúng. Khác xa tính toán của những tài phiệt Super League, UEFA, Champions League và hệ thống giải hiện tại hằn sâu trong tư tưởng của người hâm mộ.
Super League không đánh giá thấp UEFA nhưng lại đánh giá sai vị thế của tổ chức này. Những diễn biến trong chính nội bộ Super League cũng minh chứng cho việc lợi ích vật chất chưa bao giờ là đủ để duy trì một tập thể, nhất là với những tập thể có giá trị tư tưởng lớn như bóng đá.
Bóng đá cần một sự công bằng, dù là công bằng tương đối, chứ không thể là một nhóm nhà giàu công khai sự hợm hĩnh của mình.
Theo Hà Trang (Bongdaplus.vn)