Sự thật không ngờ sau chuyện "Hoàng Xuân Vinh thiếu đạn"

09/08/2016 08:02:00

Sau HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh, người ta đang "vẽ" ra quá mức những khó khăn anh phải gặp trong quá trình tập luyện.

Sau HCV Olympic 2016 của Hoàng Xuân Vinh, người ta đang "vẽ" ra quá mức những khó khăn anh phải gặp trong quá trình tập luyện.

Sự thật nào sau chuyện "Hoàng Xuân Vinh thiếu đạn, phải bắn khan vào tường"?

Tiếp xúc với Thượng tá Hồ Thanh Hải, HLV bắn súng ở CLB Quân đội, cùng tổ, cùng đơn vị với Hoàng Xuân Vinh, chúng tôi biết một thông tin bất ngờ.

"Hoàng Xuân Vinh chẳng bao giờ thiếu đạn khi tập luyện cả. Ở CLB Quân đội, đạn không bao giờ thiếu. Mà khi cậu ấy lên tuyển quốc gia, chúng tôi cấp đạn đủ cho hết các VĐV thuộc Quân đội, không thiếu".

Sự thật không ngờ sau chuyện Hoàng Xuân Vinh thiếu đạn - Ảnh 1.
Anh Hải, HLV bắn súng Quân đội, cùng tổ với anh Hoàng Xuân Vinh.

Hỏi kĩ hơn, anh Hải tiếp:

"Đúng là trên ĐTQG, và có thể ở những nơi khác bị thiếu đạn, nhưng cũng chỉ trong vài năm gần đây thôi. Và trong thời gian tới, có thể là ngay sau Olympic, hoặc đầu năm 2017, sẽ không bị thiếu đạn nữa".

Hóa ra, lý do thiếu đạn không phải vì đầu tư kém, thiếu tiền mà vì 1 trục trặc về mặt cơ chế.

"Quân đội hay cảnh sát nhập đạn thì đơn giản, nhưng bên ngoài nhập đạn về để bán hay việc khác thì khó lắm. Trước đây, Sở TDTT giao cho Công ty Thể thao phụ trách nhập đạn cho VĐV thì thuận lợi.

Vài năm trước, Sở TDTT muốn cho đấu thầu đơn vị được quyền nhập đạn. Theo quy chế đấu thầu, cần có 3 đơn vị tham gia trở lên. Mới đầu cũng có vài cái tên, nhưng sau cũng vẫn chỉ có Công ty Thể thao, nên việc đấu thầu cứ thế bị đình lại, dẫn tới thiếu đạn.

Giờ thì lại giao cho Công ty Thể thao rồi, nên từ năm tới vấn đề đạn sẽ được giải quyết".

Sự thật không ngờ sau chuyện Hoàng Xuân Vinh thiếu đạn - Ảnh 2.
Đạn nổ 5.6mm.

Theo anh Hải cho biết, khi VĐV ra nước ngoài tập huấn, đạn dược sẽ được nhà nước chi tiền, trong gói đi tập huấn, để đơn vị sở tại mua. Vấn đề nhập đạn chỉ khó khăn ở trong nước, còn ra nước ngoài thì đơn giản, nên VĐV cũng không gặp khó khăn.

Trước vấn đề rằng VĐV nước ngoài được phát 500 viên đạn 1 ngày, còn VĐV Việt Nam chỉ được phát cỡ 1/5, bắn không đủ, anh Hải nói:

"Làm gì mà bắn đến 500 viên đạn 1 ngày? Chỉ trừ khi là họ ở nội dung bắn nhanh, thì may chăng mới dùng tới từng ấy đạn.

Còn như các nội dung khác, hoặc nội dung của Vinh, thì ngày tập bắn 2 buổi, cùng lắm hết 150 viên. Nếu bắn 1 buổi, thì chỉ hết nửa số ấy".

Sự thật không ngờ sau chuyện Hoàng Xuân Vinh thiếu đạn - Ảnh 3.
Đạn súng hơi 4.5mm (loại Hoàng Xuân Vinh sử dụng). Ngoài 2 loại đạn 5.6 và 4.5mm, VĐV bắn súng còn dùng loại 7.62mm cho súng ổ quay.

Nói đến chuyện VĐV bắn súng Việt Nam phải tập khan, giơ súng lên trước tường trắng, rồi hạ xuống, anh Hải khẳng định có, nhưng là VĐV các nơi khác, như đã nói ở trên khi lên ĐTQG hoặc ở địa phương, không được Quân đội hỗ trợ nên mới vậy.

Còn Hoàng Xuân Vinh hay các VĐV khác thuộc Quân đội, anh Hải khẳng định lại rằng không bao giờ thiếu đạn!

Hoàng Xuân Vinh vượt qua áp lực, mang HCV Olympic đầu tiên về cho Thể thao Việt Nam.
 

Rất khó để tìm được bác sĩ tâm lý cho VĐV bắn súng

Theo anh Hải, trong môn bắn súng, chấn thương là có, nhưng đề phòng được bằng việc thả lỏng, hoặc cân bằng vận động thể chất – trí não sau buổi tập, nên không quá cần bác sĩ nói chung.

Cái cần là bác sĩ tâm lý, nhưng đây là vấn đề nan giải:

"Về mặt cơ chế thì lúc này ở ĐTQG hay ở CLB Quân đội chưa có. Nhưng ngay cả khi có cơ chế, cho tìm bác sĩ tâm lý cũng rất khó.

Bác sĩ tâm lý bình thường khó lòng giải quyết được vấn đề của VĐV bắn súng, vì cần phải có những trải nghiệm giống nhau.

Cách tốt nhất là chọn những cựu VĐV hoặc VĐV có chuyên môn khá, có kinh nghiệm, từng trải qua biến cố, cho đi bồi dưỡng nghiệp vụ bác sĩ tâm lý để trở lại giúp đỡ anh em".

Theo Đoàn Dự (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật