Ông Đỗ Đình Kháng, Vụ phó Vụ Thể thao thành tích cao 2 kiêm Trưởng bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT, cho biết: “Mới đây, chúng tôi đã nhận được thông báo của Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) về trường hợp Trịnh Văn Vinh. Rất bàng hoàng và sốc. Vinh nằm trong danh sách các VĐV được IWF cấp mã số ID để đăng ký với Ủy ban Phòng chống doping quốc tế (WADA). Những VĐV nào có mã số này phải báo cáo định kỳ hằng tháng, hằng quý với WADA về những giải đấu mà VĐV đó tham gia. Từ đó, WADA sẽ bất ngờ kiểm tra doping mà không báo trước. Vinh cũng được kiểm tra đột xuất như thế trước Đại hội thể thao toàn quốc vào cuối năm ngoái. Vì kết quả mẫu thử chưa thể có ngay nên Vinh vẫn thi đấu tại đại hội và đoạt 1 HCV, 2 HCB. Nhưng theo kết luận tạm thời từ WADA và IWF, mẫu nước tiểu của Vinh có chứa chất testosterone ngoại sinh và một chất khác nữa.
Tại ASIAD 18 vào cuối tháng 8.2018, Vinh đoạt HCB và khi ban tổ chức tiến hành thử doping cho kết quả âm tính. Như vậy có thể hiểu trong thời gian khoác áo đội tuyển, Vinh không bị phát hiện có kết quả dương tính với chất cấm. Sau ASIAD 18, chúng tôi trả các tuyển thủ về địa phương để họ thi đấu đại hội thể thao toàn quốc. Có thể do chủ quan nghĩ rằng thi đấu giải quốc nội thì sẽ không bị thử doping nên Vinh không giữ gìn mà có thể đã vô ý.
Trong suốt quá trình VĐV tập huấn tại đội tuyển hay trước khi họ về lại địa phương, chúng tôi luôn dặn dò rất kỹ và cũng luôn nhấn mạnh doping là vấn đề rất nghiêm trọng, là vấn nạn của thể thao thành tích cao. Nên VĐV phải vì chính mình và vì danh dự quốc gia mà hết sức thận trọng trong sử dụng thuốc cũng như khi ăn uống vì dễ bị dính phải chất cấm.
Thậm chí tôi còn dặn đi dặn lại là dùng cái nào về thực phẩm, thuốc uống là tuyệt đối không được tự ý mà phải thông qua HLV, bác sĩ. Đặc biệt còn nói rõ IWF mới đây đã tuyên bố mạnh mẽ VĐV các nước phải có ý thức giữ gìn sự trong sạch trong tập luyện, thi đấu của môn cử tạ từ nay đến năm 2020. Nếu vấn nạn doping tiếp tục diễn ra mà không có cách giải quyết hiệu quả, IWF sẵn sàng loại cử tạ khỏi danh sách các môn tại Olympic năm 2024”.
Lý do Vinh nằm trong danh sách các VĐV được IWF cấp mã số ID để đăng ký với Ủy ban Phòng chống doping quốc tế (WADA) là VĐV này được đánh giá có tiềm năng đoạt huy chương ở các giải đấu quốc tế nên cần kiểm soát gắt gao để bảo đảm sự trong sạch cho các giải đỉnh cao.
Chờ án phạt từ IWF
Cũng theo ông Kháng, đến thời điểm hiện tại phía VN vẫn chờ quyết định cuối cùng từ WADA và IWF về hình thức kỷ luật. Trong thông báo sơ bộ cách đây chưa lâu, IWF cho hay Trịnh Văn Vinh sẽ bị đình chỉ tạm thời do vi phạm quy tắc phòng chống doping. Trong trường hợp xác định Văn Vinh không vi phạm quy tắc này, IWF cũng sẽ có công bố rộng rãi. IWF sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào về vụ việc cho đến khi bản án được đưa ra.
Theo yêu cầu của IWF, Bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT mới có văn bản gửi IWF về việc VĐV Trịnh Văn Vinh không đề nghị thử thêm mẫu B (là mẫu thử lần 2, sau khi có kết luận của mẫu A ở lần thử đầu tiên cho kết quả dương tính). VN cũng thông báo Vinh chỉ tham gia đại hội thể thao toàn quốc chứ không tham dự bất kỳ một giải đấu quốc tế nào từ khi được thử mẫu A đến nay. Mức kỷ luật mà Vinh đang phải đối mặt sẽ là bị phạt tiền 5.000 USD và cấm thi đấu 8 năm. “Sự việc xảy ra quá đau xót và là bài học cảnh tỉnh cho các VĐV. Vinh sinh năm 1995, là một VĐV tài năng, tương lai còn rất rộng mở. Chúng tôi đã hỗ trợ, chăm sóc từng li từng tí, tập trung bao nhiêu tiền của. Thật buồn quá”, ông Kháng nói.
HLV Nguyễn Văn Dần, thầy của Trịnh Văn Vinh ở đội Công an Nhân dân, cho hay: “Danh mục chất cấm ngày một nhiều mà nhiều khi VĐV không thể lường được hết, không kịp cập nhật. Vinh bị chấn thương cơ lưng, cơ hông, cơ gối và sau khi từ ASIAD trở về, cứ tập khối lượng nặng là lại càng đau hơn. Đó là lý do mà Vinh đã phải dùng đến thuốc giảm đau và cháu tự đi chữa.
Do không có kinh nghiệm nên không may sử dụng phải chất bị cấm chứ Vinh hoàn toàn không cố ý. Hiện giờ Vinh vẫn vừa tập trên Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội vừa đi học, trả nợ môn tại Trường đại học TDTT Bắc Ninh. Thầy trò chúng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau là nếu bị cấm thi đấu thì phải cắn răng chấp nhận, chịu đựng rồi sẽ tính tiếp, mà chắc chắn sẽ phải đi học một khóa về phòng chống doping”.
“Tôi đã sử dụng thuốc và cũng không nhớ là thuốc gì”
Thừa nhận đã sai, Trịnh Văn Vinh ngậm ngùi cho biết: “Tôi được các bác sĩ của IWF lấy mẫu xét nghiệm doping vào ngày 17.11.2018. Trước khi các bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, tôi đã xuống Hải Phòng tiêm thuốc trị đau lưng nhưng cũng không nhớ là thuốc gì và có chất cấm hay không. Tôi tự đi chữa trị chứ không có yêu cầu ban huấn luyện hay bác sĩ. Khi được HLV đội tuyển báo có kết luận dương tính với mẫu thử, tôi quá bàng hoàng. Ban huấn luyện đã hỏi có muốn thử mẫu B hay không, nếu thử tốn 3.000 USD và tôi phải chịu khoản phí này. Tôi rất muốn thử mẫu B để an tâm nhưng thú thật tôi không có tiền để trả chi phí thử. Ngay cả việc khi phát hiện dương tính chất cấm, phía Tổng cục TDTT cũng như đơn vị quản lý là Công an Nhân dân cũng yêu cầu tôi san sẻ một phần trong khoản phạt 5.000 USD nhưng tôi không có tiền. Hiện tôi vẫn phải tiếp tục chữa trị chấn thương lưng, đầu gối và chưa biết phải giải quyết, xử trí sự việc ra sao nữa”.
Theo Hoàng Quỳnh, Nhật Duy (Thanh Niên Online)