Trong đội hình U23 Việt Nam đánh bại Thái Lan 4-0 ở Mỹ Đình, Indonesia tại vòng loại U23 châu Á 2020 vừa qua, Bùi Tiến Dũng - Bùi Tiến Dụng là cặp anh em duy nhất hiện diện. Đây là vinh dự cho Dũng - Dụng khi được góp mặt trong đội hình làm nên lịch sử trước người Thái và tràn đầy hy vọng lặp lại chiến công xưa ở vòng chung kết năm sau tại Thái Lan.
Tuy nhiên, đó là trên khía cạnh tập thể. Còn với cá nhân, màn trình diễn của bộ đôi này ở vòng loại U23 châu Á khó có thể mang tới sự hài lòng.
Bùi Tiến Dũng là trường hợp kỳ lạ đầu tiên. Tiến Dũng bắt chính cả 3 trận cho U23 Việt Nam, nhưng chưa đá phút nào tại CLB Hà Nội từ đầu mùa tới giờ. Trận đối đầu U23 Brunei thậm chí là lần đá giải chính thức đầu tiên của Tiến Dũng sau 6 tháng.
Lần gần nhất anh vào sân trong một trận chính thức là ở chung kết cúp quốc gia 2018 với Bình Dương - trận đấu mà Tiến Dũng đã mắc sai lầm. Xuyên suốt từ AFF Cup, Asian Cup và giai đoạn đầu mùa của CLB Hà Nội, Tiến Dũng không được đá dù chỉ một phút.
Tiến Dũng cũng vừa trở lại sau chấn thương. Cùng với việc không được thi đấu, phong độ của Dũng bị ảnh hưởng nhiều. 3 trận vòng loại U23 châu Á, Tiến Dũng được nhớ tới bởi những sai lầm ở trận gặp U23 Indonesia. Anh 2 lần chuyền bóng thẳng vào chân đối thủ ở phút 54 và 60. Phản xạ bắt bóng của Dũng cũng gặp vấn đề nghiêm trọng khi gần như không thể bắt dính bóng trong các tình huống và thường xuyên để ói bóng về phía trước, tạo ra tranh chấp ngay trong khu vực cấm địa.
Nói về Bùi Tiến Dũng, thầy cũ Võ Văn Hạnh than thở: “Điều khiến tôi lo ngại là khả năng bắt gọn những quả bóng sệt của Bùi Tiến Dũng. Cậy ấy còn hơi vụng ở những tình huống đó. Những lỗi kỹ thuật như vậy khó sửa ngay mà phải tập dần qua thời gian”.
Điều kỳ lạ là dù không có phong độ cao, Tiến Dũng vẫn bắt đủ 270 phút và còn giữ sạch lưới. Không tính bảng F chỉ có 3 đội tham dự, thành tích của Tiến Dũng trên toàn châu Á chỉ có U23 Nhật Bản, Iraq và Bahrain làm được.
Thực tế cho thấy Tiến Dũng chỉ thực sự vất vả trước Indonesia. Trong trận gặp U23 Brunei, đối thủ quá yếu để có thể gây khó khăn cho Việt Nam. Trong khi, U23 Thái Lan không còn là chính mình sau bàn thua ở phút 17.
So với vòng chung kết U23 châu Á, giải đấu mà Tiến Dũng để thủng lưới 9 bàn, hay ASIAD 18, thủng lưới 4 bàn, phong độ của Dũng thấp hơn nhưng thống kê thì xuất sắc vượt trội. 2 giải đấu trên, Dũng “gôn” là người hùng của bóng đá Việt Nam. Còn vòng loại U23 châu Á vừa qua, anh là một trong những điểm yếu nhất đội tuyển.
So với Tiến Dũng, cậu em Bùi Tiến Dụng không may mắn như vậy. Tiến Dụng chỉ duy nhất một lần vào sân ở phút 64 trong trận gặp U23 Brunei. Thời gian còn lại, tiền vệ của Đà Nẵng phải theo dõi trận đấu từ băng ghế dự bị.
Tiến Dụng thậm chí không nằm trong chiến lược của thầy Park như chia sẻ hôm 26/3: “Chỗ tiền vệ trung tâm, Hưng (Triệu Việt Hưng - PV) và Hải (Nguyễn Quang Hải - PV) khẳng định được mình. Còn chỗ của Quý (Trương Văn Thái Quý - PV), tôi đã tính đi tính lại. Ban đầu tôi băn khoăn giữa Quý và Sơn (Trần Thanh Sơn - PV), nhưng vì Quý cơ động nên tôi đã chọn”.
Trong đội hình U23 Việt Nam, Tiến Dụng là cái tên duy nhất đang đá chính tại V.League nhưng ngồi dự bị ở đội tuyển. Những trường hợp còn lại như Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Tấn Tài đều là trụ cột của U23 Việt Nam.
Đó là số phận kỳ lạ của 2 anh em Tiến Dũng - Tiến Dụng ở U23 Việt Nam. Người chưa đá trận nào trong 6 tháng thì được bắt chính, người đá chính tại CLB thì dự bị. Người phong độ thấp thì giữ sạch lưới cả giải, người chơi hay tại CLB thì không có nổi cơ hội thể hiện mình.
Theo Thanh Hà (Tri Thức Trực Tuyến)