Môn thể dục dụng cụ (TDDC) tại SEA Games 32, Campuchia không tổ chức thi đấu các nội dung của nữ. Dẫu vậy, với 8 nội dung của nam (1 đồng đội, 1 toàn năng, 6 đơn môn gồm vòng treo, xà đơn, xà kép, ngựa vòng, thể dục tự do, nhảy chống), thì có quy định mỗi quốc gia chỉ có 1 vận động viên vào tranh chung kết các nội dung đơn môn (trước kia là 2 vận động viên).
Nhưng chưa hết, không phải vận động viên nào cũng có thể phát huy được hết thế mạnh của mình tại một trong những kì Sea Games kỳ lạ nhất trong lịch sử. Theo tờ Stappler của Philippines, thay vì 8 nội dung thì chủ nhà chỉ cho phép Carlos Yulo đua tranh ở 4 nội dung của môn thể dụng dụng cụ, gồm tự do, xà ngang, toàn năng và đồng đội.
Như vậy, anh chỉ có thể giành tối đa 4 thay vì 5 HCV như tại Việt Nam hồi năm ngoái. Đó là kì Sea Games thành công nhất trong sự nghiệp của Carlos Yulo với 5 HCV và 2 HCB. Anh là vận động viên giàu thành tích nhất đại hội dù không thể hoàn tất mục tiêu giành 7 huy chương vàng như đã đề ra trước đó.
SEA Games 31 cũng nâng bước cho thành công của Yulo. Sau đó 6 tháng, anh thăng hoa với 3 HCV ở giải thể dục dụng cụ thế giới. VĐV này đến SEA Games 32 với vị thế mới, và có lẽ đó là điều khiến chủ nhà Campuchia e dè. Họ ban hành lệnh hạn chế anh tranh tài.
Ngoài Yulo, nhiều VĐV của các đoàn tranh tài ở các môn khác nhau cũng bị chủ nhà Campuchia đưa ra lệnh cấm rất oái oăm. Đơn cử như ở môn võ, ngoài chủ nhà thì các quốc gia khác chỉ được đăng ký không quá 70% số VĐV tham dự.
Hay môn cầu lông, các đoàn mạnh như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã bị cấm tham dự nội dung đồng đội hỗn hợp.
Minh Ngọc (SHTT)