Hôm nay, Xuân Vinh sẽ xuất trận tại nội dung sở trường 10 m súng ngắn hơi nam. Cùng với đó, Trần Quốc Cường cũng tham gia nội dung này. Đây là 2 VĐV tốt nhất của đoàn thể thao Việt Nam hiện nay.
Hoàng Xuân Vinh có HCV là điều phi thường
Như tôi đã phân tích từ trước, đối thủ của Xuân Vinh cũng rất hay. Có tới 3 VĐV châu Á cùng thi đấu với anh tại chung kết Olympic 2016. Tất cả đối thủ sừng sỏ của Hoàng Xuân Vinh tại ASIAD lần này đều là những người đã chạm mặt với anh nhiều lần.
Trong số đó, tỷ lệ chiến thắng của họ trước chúng ta cao hơn, đồng nghĩa với độ tin cậy cũng lớn hớn.
Jin Jong-oh với 3 lần vô địch Olympic nội dung 50 m súng ngắn hơi nam, giữ kỷ lục thế giới 10 m hơi nam - nội dung Xuân Vinh phá kỷ lục Olympic. Nếu anh không tự bắn hỏng ở loạt chung kết, chưa biết điều gì sẽ xảy ra.
Trong những cuộc đấu như thế này, trạng thái tâm lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong môn bắn súng. Bên cạnh đó, yếu tố may mắn cũng quan trọng không kém. Có điều, thi đấu thể thao mà chờ đối thủ sảy chân là sai lầm lớn.
Nhiều người yêu thể thao có logic rằng anh đã chiến thắng chỗ này thì vẫn chiến thắng ở chỗ khác. Nhưng là người làm thể thao lâu năm, tôi đúc kết rằng VĐV có thể thắng hôm nay chưa chắc sẽ tiếp tục thắng ngày mai.
Tôi không thể nói rõ và dự đoán trước kịch bản nhưng xin nhắc lại là nếu Hoàng Xuân Vinh giành HCV, đó là điều phi thường.
Thêm nữa, có rất nhiều trường hợp một VĐV vụt sáng rồi không bao giờ trở lại đỉnh cao được nữa. Vì vậy, tôi cho rằng Hoàng Xuân Vinh thất bại là điều bình thường. Anh giành HCV ASIAD 2018 mới là kỳ tích.
Tâm điểm Ánh Viên
Hôm nay, chúng ta còn có Ánh Viên bơi ở nội dung 400 m hỗn hợp nữ. Chắc chắn đây là tâm điểm kỳ vọng của đoàn thể thao Việt Nam nói chung và bản thân Ánh Viên nói riêng.
Thành tích của Ánh Viên đã đạt tới tầm châu Á. Tuy nhiên, để có thể giành HCV thì còn rất chông gai. Hai VĐV người Nhật và một VĐV người Trung Quốc cùng thi ở nội dung này đều có thành tích nhỉnh hơn nữ kình ngư của chúng ta.
Ngoài ra, Dương Thúy Vi thi thương thuật cũng là niềm hy vọng. Tuy nhiên, ở nội dung kiếm thuật hôm trước, Vi chỉ đứng thứ 3, nên cơ hội giành HCV là khá thấp. Vi phải có điểm thật cao và đứng đầu bài thi hôm nay mới có cơ hội.
Ở nội dung dưới 57 kg đối kháng của môn taekwondo, võ sĩ Phạm Thị Thu Hiền là VĐV có trình độ cao và xứng đáng được hy vọng sẽ giành huy chương.
Trên đây là những điều hy vọng của đoàn thể thao Việt Nam trong ngày thi đấu 21/8.
Ấn tượng bóng chuyền nam
Đội bóng chuyền nam vượt qua Trung Quốc là ấn tượng, gây chấn động cho cả làng thể thao châu Á. Họ đạt tầm thế giới từ lâu, với nhiều lần giành HCV và HCB ASIAD. Tất nhiên, mỗi thời kỳ lực lượng của họ khác nhau, nhưng họ có truyền thống dẫn đầu.
Có thông tin cho rằng bóng chuyền nam Trung Quốc không phải lực lượng mạnh nhất. Về logic, Trung Quốc vẫn muốn vô địch ASIAD chứ không thể cấu trúc đội hình đến không thể dành thành tích.
Bởi vậy, thua Việt Nam có thể coi là thảm bại đối với Trung Quốc, bởi một đội tầm cỡ thế giới lại bại trận trước Việt Nam chưa bao giờ được nhắc tên.
Kết quả này đến từ sự tự tin, dũng cảm và kiên trì trước đối thủ mạnh. Ý chí và tinh thần của đội bóng chuyền nam xứng đáng được noi gương trong những ngày thi đấu tiếp theo.
Theo tôi, sau thành tích của 2 đội bóng đá và bóng chuyền, có thể khẳng định chỉ cần chúng ta bản lĩnh, nỗ lực sẽ làm được những điều phi thường. Những chiến thắng này là sự cổ vũ lớn cho thể thao Việt Nam.
Với tư cách là người hâm mộ, tôi cũng phải chúc mừng VĐV Huy Hoàng đã xuất sắc giành HCĐ môn bơi nội dung 800 m tự do nam.
Đáng nói, Huy Hoàng chỉ chịu xếp thứ 3 vì xếp sau huyền thoại của Trung Quốc Sun Yang (Trung Quốc) - nhà vô địch Olympic và Takeda Shogo - nhà vô địch châu Á. Đó là thành tích hết sức xuất sắc.
Chúng ta vẫn thường nói có những tấm HCĐ giá trị như HCV. Câu nói này áp dụng vào trường hợp của Huy Hoàng cũng không sai, vì anh là VĐV nam đầu tiên giành huy chương ASIAD.
Nội dung TDDC nam với thành tích thứ 5 đồng đội cũng là thành tích đáng tự hào. Chúng ta phải thi đấu với những đối thủ hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cả Kazakhstan nữa.
Với tư cách là chuyên gia môn TDDC, tôi khẳng định vị trí thứ 5 hiện tại là mơ ước của tất cả những người làm môn này, từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, thành tích xếp đầu môn nhảy chống là dấu hiệu tích cực, hy vọng ở vòng chung kết. Điều bất ngờ là Thanh Tùng bị sự đeo bám rất sát của VĐV nước chủ nhà. Đây cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo với các HLV và VĐV môn TDDC trong phần thi chung kết.
Bài học từ cử tạ
Hôm qua, mọi sự chú ý đổ dồn về cử tạ với hy vọng Thạch Kim Tuấn ở nội dung 56 kg nam. Như tôi đã phân tícg, chúng ta không vượt trội với tỷ lệ giành HCV khoảng 50/50. Đây là nguyên nhân cho thất bại của Kim Tuấn.
Nói một cách khách quan, cử tạ thi đấu không thành công, mặc dù Kim Tuấn giành HCB. Chúng ta có 3 VĐV được kỳ vọng thì 2 trong số đó không giành huy chương. Thạch Kim Tuấn được kỳ vọng giành HCV nhưng cuối cùng chỉ có HCB.
Nhìn tổng thể, các VĐV có thành tích tổng cử thấp hơn các kỳ thi đấu trước. Điều đó khiến lãnh đạo đội phải xem xét lại. Bên cạnh đó, việc thi đấu không tốt của Kim Tuấn cho thấy công tác chuẩn bị trước giờ xung trận dường như có vấn đề.
Nói như anh Hữu Trí, Kim Tuấn khởi động không tốt, có sai sót trong kỹ thuật, xuất hiện tâm lý khi chỉ còn VĐV người CHDCND Triều Tiên. Ngay ở lần đầu tiên VĐV Om Yun Choi đã đẩy thành công mức tạ rất nặng 160 kg.
Để thành công trong thể thao, chúng ta cần 3 yếu tố: Thể lực, kỹ thuật và tâm lý. Chưa nói đến vấn đề chiến thuật, nhưng nhìn vào cách đăng ký trọng lượng thì thấy rằng Kim Tuấn và Om Yun Choi quá hiểu nhau, nên cả 2 cùng chơi đòn tâm lý với nhau.
Đối thủ là người già dặn, nhiều kinh nghiệm. Anh ta có thế mạnh ở cử đẩy. Trong tập luyện Om Yun Choi còn tốt hơn thành tích 160 kg. Vì vậy, Thạch Kim Tuấn đã bị tâm lý ngay sau khi đối thủ thành công.
Đội cử tạ sẽ phải làm việc và rút kinh nghiệm về những vấn đề này.
Theo Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh (Tri Thức Trực Tuyến)