1. "Nếu có thể làm lại một chuyện, tôi sẽ dành nhiều thời gian tập thể chất hơn cho các em. Nói thật, tôi tiếc lắm vì mãi tới năm các em 18 tuổi, tôi mới cho họ được tập thể hình. Năm 2014, chúng tôi gặp U19 Nhật Bản. Nhìn họ, tôi biết chúng tôi đã muộn rồi. Mà khi ấy, họ chỉ mang sang Việt Nam những cầu thủ 17 tuổi nhé. Đấy là sai lầm đáng tiếc nhất của cuộc đời tôi", HLV Giôm Graechen tâm sự với Zing trong bài phỏng vấn mới đây của mình.
Đúng như ông thầy từng gắn bó với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường và nhiều thế hệ cầu thủ trẻ HAGL suốt 13 năm qua, không chỉ ông, mà những nhà chuyên môn cũng đã từng phải thốt lên: "Hỏng rồi", khi chứng kiến trận thua toàn diện đến 0-7 trước những cầu thủ 17 tuổi Nhật Bản của U19 Việt Nam ngày ấy.
"Hỏng", là bởi dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch khủng khiếp về mặt thể lực và chiến thuật giữa hai đội, dẫu cho lối đá khéo léo, ban bật của Công Phượng và các đồng đội chẳng khác mấy với các cầu thủ trẻ Nhật Bản. Cùng lối đá, mới thấy sự khác biệt về đẳng cấp sâu đến nhường nào. Sự thua sút về mặt thể lực khiến chỉ hụt nửa bước chân, là những "con cưng" của bầu Đức thua cả toàn bộ thế trận.
Đấy là chưa nói về mặt tư duy chiến thuật.
HLV Giôm Graechen tiếc một, thì bầu Đức ắt hẳn phải tiếc mười. Bởi theo đúng lộ trình mà ông dự kiến, từ 3 năm trước, HAGL đã phải "đá không ai chịu nổi", Công Phượng, Tuấn Anh & Xuân Trường mới là những người đem chức vô địch SEA Games về cho bóng đá Việt Nam, chứ không phải Văn Hậu và Quang Hải...
Nhưng quả tình đằng sau hình ảnh rất mực đẹp đẽ của học viện bóng đá HAGL JMG, cùng hình ảnh lừng lẫy của lứa U19 HAGL ngày nào, có những hình ảnh khác mà phải mãi về sau, khi niềm vui ban đầu đã lắng xuống rất nhiều, người ta mới nói ra, người ta mới hiểu ra.
Hơn 10 năm về trước, học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG luôn nhận được sự vì nể của giới chuyên môn, cũng như người hâm mộ. Người ta choáng ngợp trước sự đầu tư khổng lồ của bầu Đức, trước cái mác của hệ thống đào tạo JMG, và nhất là Arsenal, bảo chứng cho sự thành công cho công tác đào tạo trẻ, giúp bóng đá Việt Nam chuyển mình.
Cái mác "chuyên gia của JMG" cũng là một sự bảo chứng không kém phần long trọng cho sự thành công của lứa U19 HAGL ngày ấy, cũng như các lứa trẻ tiếp theo. Nhưng theo những gì HLV Giôm Graechen thừa nhận, ông vốn chỉ có kinh nghiệm làm ở học viện JMG Thái Lan có 6 tháng trước khi được điều sang HAGL vì JMG mở thêm chi nhánh tại Việt Nam. Trước đó, ông đang thi đấu cho các đội bóng thuộc hạng dưới của Pháp.
Với ngần ấy kinh nghiệm huấn luyện, cũng như quá trình lĩnh hội giáo án của JMG, việc HLV Giôm Graechen phải ân hận khi mãi đến năm 18 tuổi mới cho các cầu thủ HAGL tập thể chất là việc bình thường. Nó cũng phải nào giải thích cho sự yếu kém về thể lực, thể hình của các thế hệ cầu thủ trẻ HAGL sau lứa Công Phượng, Xuân Trường...
Chẳng cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang đội ngũ huấn luyện viên của học viện bóng đá PVF là đủ, với 24 huấn luyện viên, trong đó có 11 HLV nước ngoài, cùng hàng loạt các tên tuổi danh tiếng của bóng đá thế giới. Bên cạnh đó là cơ sở vật chất với máy móc, thiết bị giúp đánh giá và tập luyện cho các cầu thủ trẻ không những "ăn đứt" học viện của bầu Đức, mà còn đạt chuẩn quốc tế, dẫn đầu Đông Nam Á.
2. HLV Giôm Graechen kể rằng ngày bầu Đức bốc toàn bộ đội U19 lên chơi V.League, ông đã "có ý kiến" với bầu Đức: "Tôi bảo ông ấy là có thể cho chúng tôi đá hạng Nhất trước rồi lên V.League sau được không? Nếu ông ấy muốn những cậu bé của tôi lên V.League ngay, ông ấy phải chấp nhận thất bại ban đầu. Họ chưa sẵn sàng cho sân chơi chuyên nghiệp cao nhất của bóng đá Việt, nơi toàn những cầu thủ sung mãn 24, 25 tuổi, chưa kể các ngoại binh".
HLV người Pháp này đã đúng, tuy nhiên thất bại của HAGL không chỉ là ban đầu, mà kéo dài mãi đến tận hiện tại. Đội bóng của bầu Đức vẫn đang loay hoay đi tìm thành công, sau 6 mùa giải đằng đẵng thất bại.
Cũng theo HLV Giôm Graechen, HAGL chơi tệ suốt 6 mùa bóng qua là bởi bầu Đức quá nóng vội, thay quá nhiều HLV. Song vẫn còn một vấn đề nữa "kéo lùi" đội bóng phố Núi suốt gần 7 năm qua, đấy là chất lượng ngoại binh quá tệ. Bên cạnh đó là với lối chơi và sức mạnh của các cầu thủ "con cưng" bầu Đức, sự lợi hại của các tiền đạo ngoại binh có rất ít cửa phát huy. Rimario là một ví dụ điển hình. Rời HAGL sang Thanh Hóa, tiền đạo này lập tức quay lại ghi cú đúp vào lưới đội bóng cũ.
Trận đấu gần nhất của HAGL, cổ động viên của họ đã phải kêu trời khi chứng kiến hàng công thiếu vắng Công Phượng, Văn Toàn chơi quá tệ. Điểm yếu của đội bóng này vẫn còn nguyên, nhất là khi tiền đạo ngoại binh mà họ vừa tậu nghe chừng cũng chẳng hơn gì những mùa giải trước.
Mùa giải mới, HAGL sẽ vẫn lại là cái tên hot nhất ở V.League, với sự trở lại của Kiatisuk. Nhưng về chuyên môn và thành tích, e rằng "mèo vẫn hoàn mèo".
Theo Ngô Trà (Pháp luật và Bạn đọc)