Nam châm Saudi Arabia không ngừng hút ngôi sao từ châu Âu, từ Cristiano Ronaldo đến Karim Benzema, N'Golo Kante, Koulibaly, Ruben Neves, Marcelo Brozovi, Roberto Firmino, Sergej Milinkovic-Savic, Jordan Henderson và nhiều người khác nữa. Marco Verratti và Sadio Mane cũng đang hướng về đây.
Saudi Arabia 'đánh gục' hầu như tất cả mọi người - ngoại trừ số ít như Lionel Messi, Sergio Busquets (đến Inter Miami, Mỹ), hay Wilfried Zaha (gia nhập Galatasaray) - đầu tư hàng trăm triệu euro để nhập khẩu các ngôi sao giải đấu của họ, Saudi Pro League.
PIF (Quỹ đầu tư công Saudi Arabia) kiểm soát 4 đội trong giải vô địch (giữ 75% cổ phần), Al-Nassr, Al-Ittihad, Al-Hilal và Al-Ahli. Trên thực tế, Saudi Pro League quốc hữu hóa và có một ban quản lý duy nhất.
Các cầu thủ bóng đá cùng gia đình đến thủ đô Riyadh và các khu vực xung quanh cần ghi nhớ điều này: họ phải sống trong môi trường khép kín và dè dặt, phải hiểu rằng một số hành vi không được dung thứ, kể cả trên mạng xã hội.
Thời gian đầu, Georgina Rodriguez đăng ảnh cô mặc đồ bơi tương đối ít vải trên biển và một số người không thích. Nhiều lời chỉ trích khiếm nhã hướng đến bạn gái của Ronaldo.
Tầm nhìn 2030: Tòa thành tương lai và thể thao
Saudi Arabia muốn tăng hình ảnh của mình trước mắt thế giới tự do và đa dạng hóa. Số tiền khổng lồ thu được từ việc bán dầu sẽ không tồn tại mãi mãi. Do đó, Tầm nhìn 2030 (Saudi Vision 2030) đã ra đời với một tòa thành du lịch, giải trí và thể thao khổng lồ sẽ được hoàn thành ở Qiddiya (bắt đầu xây dựng từ 2019).
Saudi Arabia đã sớm quản lý một Grand Prix của môn F1, và đang nghiên cứu xây dựng một đường đua cố định ở Qiddya.
PIF, với 2 tỷ euro được tạo ra và tài trợ cho LIV Golf - giải đấu golf mới, cạnh tranh với PGA Tour (gần đây các bên tuyên bố hòa bình, nhưng bị phía Mỹ điều tra).
Bây giờ là bóng đá, 200 triệu euro một mùa cho Ronaldo để khoác áo Al-Nassr. Việc sử dụng thể thao để che lấp những tranh cãi, bao gồm cả vấn đề môi trường, và tô đẹp cho quốc gia, được gọi là "sportwashing" trong tiếng Anh.
Qatar đã làm điều này thông qua World Cup 2022, giải đấu đầu tiên trong lịch sử diễn ra vào cuối năm và nhiều tranh cãi trong suốt quá trình chuẩn bị.
Siêu dự án Saudi Arabia hướng đến việc tổ chức World Cup 2034 sau khi chủ động rút khỏi cuộc đua tranh đăng cai sự kiện 2030.
Cuối năm ngoái, để ăn mừng chiến thắng trước Argentina ở lượt trận mở màn vòng bảng Qatar 2022, thái tử Bin Salman tặng mỗi thành viên trong đội - gồm 26 cầu thủ - một chiếc Rolls-Royce Phantom, trị giá khoảng 500 nghìn euro, cũng như tuyên bố một ngày quốc lễ.
Đất nước trẻ và nhiều khoản đầu tư
Không ai biết Bin Salman đam mê bóng đá đến mức nào. Tất nhiên, cũng không mấy ai tin rằng bóng đá liên quan đến ông quá nhiều, nhưng nếu Thái tử quyết định biến môn thể thao này thành tường thành của thế giới trong tương lai để làm rạng danh Saudi Arabia trong mắt phương Tây, thì PIF sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào các SVĐ.
Dưới sự bảo trợ của PIF, số tiền chuyển nhượng mùa hè năm nay của Saudi Pro League đã vượt quá 300 triệu euro. Mùa trước, tổng số tiền để mua cầu thủ mới của toàn giải đấu là 43,8 triệu euro.
Đấy là chưa tính các ngôi sao đến theo dạng tự do như Benzema, Moussa Dembele, Kante, Firmino...
Hơn nữa, 9 trong 18 CLB thuộc Saudi Pro League 2023-24 chưa tiêu đồng nào. Điều này nói lên sự mất cân bằng giữa các đội mà PIF kiểm soát so với phần còn lại.
Đất nước còn trẻ, 70% trong số 36 triệu người Saudi Arabia dưới 35 tuổi và tán thành chiến của Bin Salman. Bóng đá cũng phục vụ cho sự đồng thuận nội bộ.
Trong nỗ lực chuyển sự tập trung của bóng đá từ châu Âu sang Saudi Arabia, thái tử đánh giá về một yếu tố: người hâm mộ vẫn trung thành với CLB của họ. Những cầu thủ ngôi sao quan trọng, nhưng ai trên thế giới này có thể đam mê Al-Nassr hay Al-Ittihad?
Nhập khẩu các CLB hàng đầu châu Âu và Nam Mỹ để tạo ra Saudi Super League được cho là chuyện khoa học viễn tưởng. Ít nhất, Bil Salman đi từng bước khi đầu tư vào các đội bóng ở lục địa già mà Newcastle là ví dụ, với 80% cổ phần thuộc về PIF.
Theo Ngọc Huy (VietNamNet)