Nổi bật trong tài liệu này là dự án xây dựng sân vận động có tên Neom, dù chỉ có sức chứa 46.000 chỗ nhưng nó lại nằm trong một “siêu” dự án, một thành thành phố mới quy hoạch dọc theo bờ biển Biển Đỏ “được thiết kế để nổi bật giữa các địa danh mang tính biểu tượng nhất thế giới”. Trong đó, sân Neom là trung tâm được kết nối bởi một mạng lưới các phương tiện giống như xe điện chạy trên “hành lang giao thông ở nhiều độ cao từ 30, 150, 250, 350 và 450 mét so với mặt đất”…
Dự án World Cup 2034 bao gồm kế hoạch đã công bố trước đó về một sân vận động trên… đỉnh vách đá cao 200 mét gần thủ đô Riyadh, với toàn bộ bức tường là màn hình LED nhìn ra quang cảnh thành phố. Riyadh cũng là trung tâm của sự kiện khi đóng góp đến 8 trong tổng số 15 sân vận động dùng để tổ chức giải, mà trái tim là một sân vận động xây mới hoàn toàn có sức chứa lên đến 92.000 chỗ - dùng để tổ chức các sự kiện khai mạc và trận chung kết. Ngoài ra, còn bao gồm 4 sân đăng cai ở thành phố Jeddah, một sân ở Al Khobar, Abha và sân Neom ở thành phố mới.
Được biết, chỉ 4 trong số 15 sân vận động là cải tạo từ các địa điểm hiện có. Hiện chỉ có 3 sân mới đã được khởi công và 8 sân còn lại chỉ mới là bản thiết kế. Quy mô xây dựng này dự kiến có thể tiêu tốn của Saudi Arabia hàng trăm tỷ USD trong thập niên tới. Mặc dù vậy, nó phản ánh kế hoạch tham vọng hiện đại hóa quốc gia mà Saudi Arabia muốn thực hiện như cách Qatar đã hoàn thành với World Cup 2022.
Việc biến Saudi Arabia trở thành trung tâm tổ chức các sự kiện thể thao và giải trí là chìa khóa cho kế hoạch ‘Tầm nhìn 2030’ nhằm đa dạng hóa nền kinh tế và xã hội, do Thái tử Mohammed Bin Salman, người cũng là Thủ tướng của Vương quốc này, thúc đẩy. “Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp trải nghiệm du lịch, văn hóa và thể thao đa dạng trong một di sản lịch sử và văn minh vĩ đại”, Bin Salman viết trong lời tựa của tài liệu dự án dài 250 trang vừa được nộp.
Saudi Arabia nhanh chóng được xác nhận là ứng cử viên duy nhất trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2034, trước khi được FIFA ấn định vào ngày 11-12 năm ngoái. Kế hoạch của Vương quốc giàu dầu mỏ này là tự mình tổ chức toàn bộ sự kiện bóng đá lớn với 48 đội tuyển, và 104 trận đấu. Mặc dù vậy, có đồn đoán rằng một số trận đấu có thể được cung cấp cho các quốc gia lân cận.
Trước đó, World Cup 2030 sẽ được đăng cai chung bởi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Morocco, cộng với Argentina, Paraguay và Uruguay. Việc các đại diện Nam Mỹ tham gia là nhằm kỷ niệm 100 năm của giải đấu, khi kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1930 diễn ra tại Uruguay. Dự kiến, ba quốc gia Năm Mỹ này chỉ tổ chức một trận và chính là các trận khai mạc giải.
Theo Thanh Tuấn (SGGP)