Vào năm 2007, sau trận hòa 1-1 với Rosenborg ở Champions League, Jose Mourinho chạm trán Roman Abramovich ở hành lang Stamford Bridge. Tỷ phú người Nga nói rằng đó không phải là kết quả được mong đợi và Chelsea lẽ ra phải làm tốt hơn.
Trong dáng vẻ cau có, Mourinho sẵng giọng, nếu ông không hài lòng, có thể sa thải tôi. Sau một thoáng ngạc nhiên, ông chủ Chelsea nói, cậu có thể đi nếu muốn. "Tốt thôi", Mou đáp mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều. Vài ngày sau, những lời bâng quơ trở thành sự thật. Chelsea thông báo rằng Mourinho sẽ rời khỏi Stamford Bridge theo "thỏa thuận chung".
Mourinho thoải mái book vé tới Malaysia nghỉ mát cùng với 18 triệu bảng tiền đền bù hợp đồng trong vali. Khi ấy ông mới 44 tuổi và đang trên đỉnh vinh quang để không chút lo lắng về tương lai. Cả một hàng dài các CLB hàng đầu sẵn sàng trải thảm đỏ rước Mou về.
Thực tế là khi ông rời Porto năm 2004, Liverpool và Chelsea đều vẫy gọi. Tạm biệt Chelsea năm 2007, Inter xuất hiện. Ông lại rời Inter năm 2010 vì Real đưa ra lời đề nghị không thể chối từ. Chán Real, Chelsea một lần nữa đón Mou trở lại. Và sau khi bị Chelsea sa thải bẽ bàng, vẫn có MU mời chào.
Nhưng bây giờ, tất cả đã trở thành ký ức xa xôi. Thật khó để tìm ra một đội bóng danh tiếng nào đó thực sự muốn có Mourinho ở thời điểm này. Gần nhất là cuối năm ngoái, có tin đồn PSG sẵn sàng trả 20 triệu bảng để có đưa ông khỏi Old Trafford.
Tuy nhiên người ta có quyền nghi ngờ tính chân thực của thông tin ấy. Đội bóng nước Pháp chi cả núi tiền để sở hữu những ngôi sao tấn công thượng thặng như Neymar và Kylian Mbappe, sau đó lại thuê một HLV nổi tiếng phòng ngự để dẫn dắt họ? Thật vô lý.
Đó dường như là chiêu trò của người đại diện Jorge Mendes nhằm kiếm về cho thân chủ bản hợp đồng tốt hơn. Sự thật là chỉ sau đó vài tháng, MU đã chìa ra bản hợp đồng gia hạn đến tận năm 2020. Không mất quá nhiều thời giản để Ban lãnh đạo Quỷ đỏ nhận ra, họ đã sai.
Mourinho và triết lý, phương pháp cũng như chiến thuật của ông đều đã lỗi thời. Ông bất lực để truyền cảm hứng, tạo động lực cho các cầu thủ, giúp họ tìm thấy phiên bản tốt nhất của mình. Ông cũng không còn khả năng gây bất ngờ hay mang đến nỗi sợ hãi cho đối thủ.
Tệ nhất, Mourinho cũng đánh mất luôn cả chính mình. Người đàn ông kiêu ngạo, dũng cảm, quyết đoán nay trở nên rúm ró và rụt rè. Nếu như 11 năm trước, Mou sẵn sàng ra đi chỉ vì một câu nói chạm đến lòng tự ái thì hiện tại, giống như cầu xin được ở lại MU khi viện dẫn các thành tích trong quá khứ, đồng thời đổ lỗi cho bất cứ ai để thoái thác trách nhiệm.
Hành động này khiến người ta nhớ lại hồi năm 2015, khi Mou van vỉ Chelsea để cố giữ lấy công việc. Dễ hiểu vì sau Chelsea và bây giờ là MU, ông khó có thể kiếm được bến đỗ nào tốt hơn, với mức lương thuộc tốp đầu thế giới, quản lý ngân sách chuyển nhượng kếch xù và có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề.
Khi Người đặc biệt đã hết đặc biệt, trong khi thế hệ HLV mới đầy tài năng, nhiều ý tưởng và thích khám phá đang nổi lên, vậy ai còn cần Mourinho nữa? Thật ra thì vẫn có, nhưng chắc không phải những đội bóng lớn như HLV người Bồ Đào Nha từng dẫn dắt mà chỉ có thể là Milan, Roma hay Dortmund hoặc Monaco.
Rời MU là không thể tránh khỏi. Và sự kiện này đánh dấu sự giáng cấp của Mourinho, người đã chính thức thuộc về ngày hôm qua.
Theo Thanh Đình (Soha/Trí Thức Trẻ)