Gần hai năm về trước, sau khi lời tuyên bố chia tay với HLV Park Hang-seo được chính thức tung ra, quyền chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết dù VFF mong muốn tiệp tục gia hạn hợp đồng, nhưng nguyện vọng của ông Park là muốn nghỉ ngơi, một phần do ông đã có tuổi tác.
Thật ra, câu chuyện tuổi tác là lý do khá hợp lý để HLV Park Hang-seo chia tay với bóng đá Việt Nam, nhưng có lẽ đấy không phải là lý do chính. Nên nhớ trước khi nói lời chia tay, ông thầy người Hàn Quốc đã có một kỳ AFF Cup khá thất vọng năm 2021 khi không thể lọt vào được đến trận chung kết. Không chỉ thế, đội tuyển Việt Nam giải đấu ấy còn phải xếp dưới Indonesia ở vòng đấu bảng, đồng thời chơi dưới cơ hoàn toàn Thái Lan ở hai trận bán kết.
Dưới triều đại của mình, ông Park nhận được không ít sự chỉ trích vì sự bảo thủ, luôn ưu tiên cho các cầu thủ "con cưng" và đặt thành tích lên tất cả. Hai kỳ SEA Games liền, bóng đá Việt Nam đều lấy về tấm HCV, song đấy cũng là hai kỳ SEA Games HLV Park Hang-seo tận dụng hết quyền dùng cầu thủ quá tuổi để dùng các cầu thủ trụ cột tốt nhất đội tuyển Việt Nam để tham dự, trong khi Thái Lan ưu tiên cho các cầu thủ trẻ.
Xét cho cùng, ông thầy người Hàn Quốc có cái khó của mình, như lời phát biểu nổi tiếng của ông: "Người Việt Nam yêu bóng đá, nhưng chỉ thứ bóng đá chiến thắng mà thôi". Cùng với lứa cầu thủ "thế hệ vàng" của mình, ông đã gặt hái không ít những thành tích "vô tiền khoáng hậu" cho bóng đá Việt Nam. Không thể phủ nhận tài năng và "cái duyên" của lứa cầu thủ từng cùng HLV Hoàng Anh Tuấn dự World Cup U20, song vai trò của HLV Park Hang-seo trong những thành công là cực kỳ quan trọng.
Lối chơi "biết người biết ta", lấy phòng ngự làm nền tảng của ông Park cực kỳ hợp với đội tuyển Việt Nam, bên cạnh đó là sức mạnh tinh thần mà ông truyền tải được cho các học trò đã giúp họ không chỉ có được sự tự tin, mà còn nhiệt huyết cực cao khi phải đối đầu với các đội bóng mạnh châu lục.
Có lẽ cái chưa được lớn nhất của HLV Park Hang-seo là hầu như "bỏ bẵng" việc tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ, dù phải khai thác có phần quá mức các học trò yêu thích của mình. Nhưng xét cho cùng ông cũng chẳng thể nào làm khác được khi sức ép về mặt thành tích luôn đè nặng. Ông cùng bóng đá Việt Nam càng thành công, sự kỳ vọng của người hâm mộ và cả giới chuyên môn lại càng nhiều. Chỉ một thất bại, là sự chỉ trích lập tức trút vào ông.
Khi lứa cầu thủ "thế hệ vàng" bắt đầu có biểu hiện "đi xuống", và lứa cầu thủ trẻ không có dấu hiệu đủ khả năng kế tục lứa đàn anh, cộng với thực trạng "cái nền" của bóng đá Việt Nam là giải vô địch quốc gia không thể rút ngắn khoảng cách so với Thai.League và ngày càng phụ thuộc vào lực lượng ngoại binh, thì quyết định "rút lui", không "cố đấm ăn xôi" của HLV Park Hang-seo là hoàn toàn hợp lý, và là "lời cảnh báo" nặng ký cho bóng đá Việt Nam.
Sau khi HLV Park Hang-seo rời đi, bóng đá Việt Nam rơi vào thảm cảnh "phú quý giật lùi" nghiêm trọng với hàng loạt những thất bại, trong khi đó ngoài Thái Lan, Indonesia cũng đang vươn tầm "ông lớn" của khu vực với 3 trận thắng liên tiếp trước đội tuyển Việt Nam. Nói một cách nôm na, một khi "thời đã hết" thì làm gì cũng khó.
Nhìn thẳng vào thực trạng của bóng đá Việt Nam, đừng mất công so sánh HLV Troussier với Kim Sang-sik, bởi "có bột mới gột nên hồ". Với những gì đang có trong tay là lứa cầu thủ tài năng dưới thời ông Park đã mất đi động lực, đang ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, lứa cầu thủ trẻ chật vật khẳng định mình ở V.League, ngày thoát khỏi nỗi thất vọng vẫn còn xa lắm.
Theo Ngô Trà - Tú Anh (Nguoiduatin.vn)