Đã có nhiều tranh cãi quanh tấm thẻ vàng thứ hai của Kelly, khi ngoại binh này phản ứng quyết liệt Vua áo đen, để rồi phải rời sân ngay phút 36 trận gặp CLB TP.HCM. Trong nhiều trường hợp tương tự, trước nay các trọng tài V.League khá dễ tính và thường bỏ qua cho cầu thủ có hành vi phản ứng.
Nhưng từ cuối mùa giải năm ngoái, VFF đã tỏ rõ lập trường sẽ xử lý mạnh tay các trường hợp phản ứng xấu xí, bất lợi cho bóng đá Việt Nam. Trong đó, các hành vi phản ứng trên sân của cầu thủ sẽ bị phạt nặng.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền đưa ra lời tư vấn đến cánh cầu thủ, để biết cách ứng xử phù hợp với trọng tài, tránh nhận thẻ đáng tiếc.
"Nếu cầu thủ không phản ứng mà chỉ trao đổi bình thường, thì dĩ nhiên trọng tài không phải cảnh cáo làm gì. Sau quyết định của trọng tài, cầu thủ phải tuân thủ. Nếu anh phản ứng lại, chống lại quyết định đó thì không được.
Nếu anh nói chuyện bình thường thì không vấn đề gì. Còn trên sân anh phản ứng "tại sao thế này, thế khác" rồi "lý do gì ông quyết định thế này, thế kia" kiểu đó, rồi vung tay vung chân… Phản ứng bằng hành động hay lời nói thì đều sẽ bị phạt cảnh cáo hết.
Không có tiêu chí cụ thể nào hướng dẫn cầu thủ phản ứng cho đúng mực. Vì vậy cầu thủ khi giao tiếp với trọng tài, cần phải giữ thái độ hết sức vừa phải. Như là 2 con người khi nói chuyện hòa nhã với nhau chứ không phải sửng cồ lên. Như vậy thì mới coi là anh không phản ứng lại trọng tài. Nếu anh chỉ nói chuyện bình thường thì không trọng tài nào rút thẻ hết".
Hành vi phản ứng trọng tài quyết liệt theo kiểu Công Phượng ở trận gặp Hà Nội FC tại V.League mùa trước có thể đã được bỏ qua, nhưng sang mùa này sẽ bị phạt nặng.
Nói thêm về việc xử phạt các hành vi phản ứng, ông Hiền chia sẻ: "Luật về xử lý hành vi phản ứng của cầu thủ đã có lâu rồi, chứ chẳng phải mới đây. Nhưng ý thức của cầu thủ mình nhiều khi kém.
Và cũng có một phần trước đây trọng tài xử lý chưa quyết liệt lắm, nên thành cái nếp xấu. Riêng năm nay thì VFF có khuyến cáo, ban trọng tài cũng khoán triệt anh em phải làm cương quyết vấn đề xử lý các hành vi phản ứng, để bóng đá Việt Nam đẹp hơn nữa.
Trước đây trọng tài vừa thổi xong thì cầu thủ cứ quây lại, phản ứng trọng tài. Có thể là nhiều khi cứ thấy bất lợi thì cầu thủ họ phản ứng, rất không đẹp. Trên quốc tế trọng tài họ thổi, đôi khi sai nhưng trước mắt cầu thủ họ vẫn phải chấp hành đã".
"Có những trường hợp, trọng tài sai, chúng tôi kỷ luật thì báo chí hay các CLB, NHM đâu biết. Ngay trọng tài Ngô Duy Lân nhiều lần sai sót bị kỷ luật thì đâu ai biết. Vì vậy phải hiểu rằng ai cũng có trách nhiệm của riêng mình. Cầu thủ trên sân phải chấp hành quyết định của trọng tài. Còn trọng tài nếu sai, họ cũng có những án phạt của riêng họ" - ông Hiền tiếp.
Nhiều năm qua, giới trọng tài Việt Nam bị nhận định là còn nhiều sai sót không đáng có tuy nhiên thực tế là các Vua áo đen cũng đang rất nỗ lực để trở nên tốt hơn. Ở chiều ngược lại, các cầu thủ, CLB cũng cần làm đúng vai trò của mình, ứng xử phù hợp trên sân để bảo vệ hình ảnh bóng đá Việt Nam và thực tế nhất là để tránh bị phạt thẻ.
Vừa qua, một trọng tài phong trào ở một giải futsal đã bị đá vào thái dương dẫn tới mất trí nhớ tạm thời. Chia sẻ về sự cố này, Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền nói:
"Các giải phong trào, trọng tài phong trào ở đó không do Ban trọng tài quản lý. Thông thường với các giải đó, mọi chuyện đều do BTC giải xử lý. Đây là một sự việc rất đau xót. Tôi chỉ khuyên các trọng tài phong trào là khi quyết định bắt ở giải nào, thì hãy chọn giải có BTC đàng hoàng, để các công tác điều hành được tổ chức tốt. Chứ nhiều giải, BTC họ điều hành không tốt thì dễ dẫn đến các chuyện không may cho trọng tài".
Theo Đoàn Dự (Pháp Luật & Bạn Đọc)