Ngay ở vòng đấu tiếp theo, cách có 3 ngày, Samson phạm một lỗi thô bạo với Ngọc Quang (HAGL). Những góc máy cận cảnh cho thấy Samson rõ ràng đã đạp gầm giày lên đầu gối cầu thủ trẻ đội khách, hình ảnh thậm chí được một số người hâm mộ bình luận là “man rợ”, mang tính triệt hạ đối phương.
Samson là cầu thủ chơi mạnh mẽ, đầy tiểu xảo. Anh được đánh giá là "Tây" có sỏi trong đầu. Ảnh: Quốc Bảo. |
Nhưng Samson lại thoát án một cách “kỳ diệu”, khi Ban trọng tài VFF và BTC giải quyết định không gửi hồ sơ xử phạt, dựa trên nhận định đó chỉ là “tình huống tranh chấp với mức độ liều lĩnh… chứ không phải hành vi bạo lực”.
Và kết quả là ngay trong buổi chiều nhận lệnh “ân xá” đó, tiền đạo Hà Nội đã lập cú đúp giúp đội bóng của bầu Hiển thắng đậm đội bóng của Công Vinh 3-1 ngay trên sân Thống Nhất.
Hà Nội có một cái Tết viên mãn khi Samson trắng án, nhưng vết đen của bóng đá nội sau sự cố này thì không gì rửa được. Thanh Hoá, Pape Omar và phần còn lại của V.League sẽ nhìn thế nào và nghĩ thế nào về quan toà VFF, VPF?
Cách xử lý Samson – Omar không còn là câu chuyện bên trọng bên khinh nữa. Nó khiến người ta phải liên hệ đến những ràng buộc, chi phối, những cái vuốt mặt nể mũi, những nỗi sợ hãi ném chuột vỡ bình…
Không cần gắn thêm cái họ Hoàng Vũ thì Samson cũng đã gần như là một cầu thủ thuần Việt rồi. Samson ăn cơm Việt đủ thâm sâu để đi guốc vào những trò tiểu xảo hay bạo lực, và khi anh quay lại áp dụng nó với cầu thủ nội, mức độ nguy hiểm thật khó lường.
Cựu trung vệ ĐT Việt Nam và SLNA Huy Hoàng từng bị “đo ván”, khiêng thẳng đến bệnh viện khi bay vào đạp Samson và dính cú “đà đao” của cầu thủ Nigeria. Văn Nam của Hải Phòng cũng đã nếm mùi nằm sân khi cố tình đá bậy Samson để rồi ăn đòn thù Muay Thái.
Samson từng có lần ăn mừng bằng cách chế nhạo trọng tài, nhưng sự việc này không bị ghi sổ vì thiếu cơ sở. Ảnh: Quốc Bảo. |
Dẫu sao, trong hai trường hợp đó, Samson còn có thể được thông cảm vì anh chỉ là người chịu trận và buộc phải có hành vi tự vệ. Nhưng pha chơi xấu Ngọc Quang thì đáng bị lên án bởi lúc đó, cầu thủ HAGL đã ngã, không còn khả năng tránh đòn.
Có thể hiểu được những phản ứng gay gắt từ phía HAGL, dù họ thua không có gì bào chữa trên sân Hàng Đẫy. Suốt cả trận, cầu thủ khách liên tục bị chơi tiểu xảo, nhưng lộ liễu như pha bóng của Samson thì thực sự là giọt nước tràn ly.
Tiếc thay, vì những “góc khuất” nào đó mà Ban trọng tài và BTC giải đã đồng loạt lờ đi mức độ nghiêm trọng trong hành vi của Samson. Bằng cách đánh tráo khái niệm từ bạo lực trở thành liều lĩnh, VFF coi như… khôn khéo giải được bài toán “nhạy cảm” của mình với một ông bầu đầy ảnh hưởng.
Nhưng, chúng ta không bao giờ quên những thước phim rùng rợn mà Ngọc Hải làm gãy chân Anh Khoa, Bửu Ngọc đá tung đầu gối Duy Long… Bây giờ, sau phán quyết với Samson, ai dám chắc lỗi của Hải và Ngọc sẽ được quy chiếu là bạo lực hay liều lĩnh?
VFF căn cứ vào những tiêu chí gì để định dạng bạo lực và liều lĩnh? Giữa bạo lực và liều lĩnh liệu có phải là một khoảng cách đủ xa để phân biệt bởi 6 tháng treo giò, hơn 800 triệu tiền bồi thường (Ngọc Hải) với một… lưu ý về công tác giáo dục tinh thần fair-play cho cầu thủ (Samson)?
Đó đều là những câu hỏi khó. Chỉ có một câu trả lời dễ, là sau cú “lạng lách” ngoạn mục của VFF, tổ chức này sẽ còn tiếp tay, dung dưỡng thêm nhiều đồ tể trên sân cỏ Việt.
Trong trận đấu giữa Khánh Hoà - Thanh Hoá (14/1), Pape Omar đã có hành vi tát vào mặt cầu thủ đối phương và khiêu khích khán giả. Sau đó, Omar bị phạt nguội 30 triệu, treo giò 8 trận. Trong trận đấu giữa Hà Nội - HAGL (18/1), Hoàng Vũ Samson đã có hành vi đạp vào đầu gối cầu thủ Châu Ngọc Quang. Sau đó, Samson được miễn gửi hồ sơ xử phạt vì Ban trọng tài VFF và BTC giải cho rằng đó chỉ là pha bóng liều lĩnh chứ không bạo lực. |
Theo Quốc Bảo (Zing.vn)