Rui Faria, trợ thủ đắc lực của Jose Mourinho quyết định rời MU vào cuối mùa giải. Như vậy, "mối tình" gắn bó kéo dài 17 năm giữa ông và Người đặc biệt sẽ kết thúc. Một cú sốc thực sự.
Như Mourinho từng nói, Faria là “cánh tay phải của việc hoàn thiện phương pháp luận trong quản lý, đồng thời luôn hiểu rõ nhất các thông tin từ tôi và tường tận cách thức tôi làm việc”, để rồi thừa nhận, “những ngày tới không có Faria thật chẳng dễ dàng gì”.
Đó là lúc để các manucian lo lắng, không Faria, Mourinho sẽ ra sao? MU sẽ ra sao? Nên nhớ rằng, cho dù Mourinho là một trong những HLV tốt nhất thế giới, một chuyên gia chiến thắng, nhưng ông không thể làm tất cả một mình. Có vẻ như phía trước là một tương lai u ám.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sự ra đi của Faria không tiêu cực như người ta tưởng. Thậm chí, nó còn mở đường cho những đổi thay mạnh mẽ ở Old Trafford.
Chúng ta biết rằng bóng đá có sự đào thải rất mạnh. Các HLV, dù tài giỏi đến đâu, cũng chỉ có thể ngự trị đỉnh cao trong ngắn hạn. Arsene Wenger là một ví dụ sống động. Kể từ sau năm 2004, ông không bao giờ giúp Arsenal đăng quang Premier League một lần nữa. Cuối cùng, chấp nhận ra đi trong thất bại, sự cay đắng và tủi hổ.
Trường hợp hiếm hoi có khả năng kéo dài năm tháng vinh quang là Sir Alex Ferguson. Cho đến khi ông ra đi, MU vẫn là nhà vô địch nước Anh. Vậy bí quyết ở đây là gì?
Không như hầu hết chiến lược gia khác, Sir Alex luôn tự làm mới mình, tìm tòi những điều mới mẻ và không ngại dấn thân vào tiến trình thay đổi. Nhưng Fergie cũng biết rằng, mỗi người chỉ có thể thực hiện một cuộc cách mạng một lần trong đời. Để tạo ra các cuộc cách mạng thứ hai, thứ ba, ông cần sự trợ giúp.
Đó là lý do trong suốt 27 năm dẫn dắt MU, Sir Alex có tới 7 trợ lý khác nhau, từ Archie Knox (1986-91), Brian Kidd (1991-98), Steve McClaren (1999-01), Jimmy Ryan (2001-02), Carlos Queiroz (2002-03 & 2004-08), Walter Smith (2004) và Mike Phelan (2008-13). Trong mỗi giai đoạn, họ cung cấp các ý tưởng đột phá để MU thích nghi với tình hình mới, qua đó luôn chiếm thế thượng phong.
Knox giúp thay đổi văn hóa Quỷ đỏ, Kidd phát triển thế hệ trẻ, bao gồm lứa 92, McClaren thúc đẩy công nghệ phân tích video và tâm lý học thể thao, Ryan toàn diện trong mọi công việc, Queiroz cung cấp nguồn cầu thủ chất lượng đến từ Bồ Đào Nha và phát triển hệ thống 4-3-3, Smith sở hữu kiến thức đồ sộ về chiến thuật cùng tinh thần chiến thắng để cải thiện không khí tập luyện, còn Phelan, như ông sau này tiết lộ, gần như thay thế Sir Alex điều hành đội một.
Vì vậy, MU không bao giờ tụt hậu và nhàm chán. Họ đi qua những năm cuối thập niên 1980 hay 2003-2006 đầy khó khăn, sau đó giữ vững vị thế đội bóng hàng đầu.
Mourinho không như Sir Alex. 17 năm kể từ khi khởi nghiệp, ông gắn chặt với Faria cũng như các cộng sự khác, gồm Silvino Louro, Ricardo Formosinho, Carlos Lalin, Emilio Alvarez và Giovanni Cerra.
Một đội ngũ trợ lý thân quen dĩ nhiên sẽ rất hiểu nhau, đảm bảo công việc tiến hành trơn tru và thuận lợi. Nhưng mặt khác, nó khiến Mourinho đi vào lối mòn. Trong nhiều năm, phương pháp huấn luyện của ông trở nên lạc hậu, thậm chí gây căng thẳng với các học trò. Hệ thống 4-2-3-1 cũ kỹ cũng không còn khả năng gây bất ngờ cho đối thủ.
Tệ hơn nữa, đội bóng của Mou có thể rất giỏi trong việc phá vỡ lối chơi, nhưng gặp vấn đề nghiêm trọng khi cần phải tấn công. Chỉ cần nhìn vào MU mùa này, đó thực sự là nỗi thất vọng ghê gớm bởi không bản sắc, nhàm chán và rặt những bế tắc. Vị trí thứ 2 là tốt, song khoảng cách 19 điểm so với nhà vô địch Man City thật khó chấp nhận.
Chính vì vậy, Faria chia tay mang đến cơ hội để Mourinho tái tạo lại bản thân và tìm ra hướng đi mới. HLV người Bồ nói rằng sẽ không bổ nhiệm trợ lý mới nhưng với tham gia của Michael Carrick, có thể tính sáng tạo cùng các phẩm chất cá nhân sẽ được khuyến khích ở MU. Kết thúc này mở ra một khởi đầu khác, tươi mới hơn.
Theo Thanh Đình (Tri Thức Trực Tuyến)