Bây giờ, HLV Đức đang được ưa chuộng khắp châu Âu. Juergen Klopp, Thomas Tuchel, Hansi Flick, Julian Nagelsmann đều đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ và trở thành HLV mơ ước của nhiều đội bóng.
Đặc điểm chung dễ nhận thấy, họ là học trò hoặc được truyền cảm hứng bằng cách này hay cách khác bởi Ralf Rangnick. Và trước khi gặt hái thành công trên băng ghế chỉ đạo, họ đều không phải cầu thủ ngôi sao. Thậm chí một vài người còn sớm kết thúc nghiệp cầu thủ vì chấn thương, và cũng không đủ giỏi.
Trước đây, xu hướng phổ biến trong bóng đá là các HLV thường có một sự nghiệp thi đấu ấn tượng. Những người đi ngược quy luật sẽ bị chế giễu và mất một thời gian dài để có được sự thừa nhận. Dĩ nhiên họ phải rất, rất thành công.
Một trong những người phá tan định kiến và mở đường cho thế hệ sau chính là Rangnick. Có một thời gian người ta gọi ông là Giáo sư. Biệt danh đó được đặt ra vào 23 năm trước, khi ông 40 tuổi và lên truyền hình quốc gia để nói về ý tưởng chiến thuật quá mới mẻ so với thời đại. Rangnick bị chế giễu vì sự nghiệp tầm thường, chỉ đá bán chuyên, nay lại dám chỉ trích hệ thống chiến thuật mà người Đức tự hào. Biệt danh Giáo sư dẫn đến một loạt nhầm lẫn sau này. Một số tờ báo nói rằng Rangnick từng là nhà thiên văn học và tham gia vào chương trình không gian của Đức.
Thực tế ông chỉ học sư phạm thể dục và tiếng Anh ở Đại học Stuttgart. Vì đam mê bóng đá, ông cũng chơi cho các đội bóng nghiệp dư, để khi tới Đại học Sussex của Anh theo chương trình trao đổi sinh viên, đã tham gia ở đội bán chuyên Southwick.
Những đồng đội cũ ở Southwick kể rằng Rangnick có khéo léo, nhưng không nổi bật. Ông cũng không thể thích ứng với phong cách thiên về thể lực của Anh, dẫn đến việc gãy xương sườn và xẹp phổi sau pha va chạm khủng khiếp với đối thủ ngay ở trận thứ hai. Sau khi nằm viện 4 tháng, Rangnick trở lại, chơi thêm 9 trận (chỉ 2 là đá chính) rồi nói lời chia tay.
Tuy nhiên, khi ấy dù mới 21 tuổi, Rangnick đã sớm thể hiện tư chất của một triết gia, nhà chiến lược. Cựu cầu thủ Southwick, David Plant, nói rằng ông luôn nói về bóng đá và thể hiện sự hiểu biết sâu sắc. Ông giống HLV hơn là cầu thủ.
Trong khi mọi cầu thủ của Southwick đều có thói quen ngồi trong quán bar, uống rượu và đánh bạc, sau đó chỉ làm nóng 5 phút trước khi trận đấu bắt đầu, Rangnick tới sân và khởi động trước cả tiếng đồng hồ. Nếu phải uống, ông chỉ nhấm nháp ly nước chanh pha coca. Rangnick cũng thể hiện sự quan tâm tới đồng đội khi khuyên một cầu thủ trẻ nên học Đại học, bởi “đó là con đường dẫn đến mọi thứ”.
Khi bắt đầu chuyên tâm vào công việc quản lý bóng đá, Rangnick luôn khát khao kiến tạo những điều mới mẻ, từ cách điều hành, chiến lược phát triển đến chiến thuật và nâng cao thể chất. Không quan tâm tới sự chế giễu, ông tìm thấy cảm hứng từ Arrigo Sacchi, người tạo ra cuộc cách mạng chiến thuật ở Italia cùng Milan từng đáp trả những kẻ cạnh khóe về quá khứ bán giày chứ không phải cầu thủ rằng, “tôi chưa thấy ai phải là con ngựa trước khi trở thành nài ngựa”.
Bây giờ, đến cả MU vốn luôn bám lấy triết lý đã theo đuổi nhiều năm cũng phải tìm đến Rangnick. Họ nhìn thấy thành công của Hoffenheim, từng bị gọi là “CLB trong ống nghiệm”, của Schalke và đặc biệt là Leipzig, một tuyệt tác của Rangnick. Họ cũng muốn được thấy thứ bóng đá “tốc độ, trực diện, tấn công và thú vị, mang tính giải trí” dựa trên “pressing tầm cao, chuyển đổi thế trận nhanh chóng”.
Có một số ngờ vực, không biết phương pháp, ý tưởng của Rangnick có thể áp dụng thành công ở MU hay không. Tuy nhiên, “Giáo sư bóng đá” người Đức đã nhiều lần đập tan định kiến và những hoài nghi. Lần này có lẽ cũng vậy.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)