Nhiều lời mời gọi sau ASIAD
Góp phần không nhỏ vào thành tích Á quân U23 châu Á của Việt Nam và mới đây nhất là đưa Olympic Việt Nam vào top 4 đội bóng mạnh nhất ASIAD 2018, cái tên Quang Hải như một ngôi sao sáng và luôn nằm trong danh sách những cầu thủ xuất sắc nhất châu Á do nhiều tờ báo khu vực bình chọn. Đặc biệt, sau khi ASIAD 2018 kết thúc, Quang Hải liên tục lọt vào “mắt xanh” của các CLB nước ngoài với những hợp đồng hấp dẫn.
Đầu tiên là lời mời gọi “cậu bé vàng” từ hai CLB Thái Lan là Bangkok Glass và Muangthong United. Không lâu sau đó, Al Sadd SC - đội bóng sở hữu huyền thoại Xavi Hernandez, được cho là đã có mặt tại Hà Nội để chiêu mộ Quang Hải về xứ Qatar. Mới đây nhất, đội bóng Renofa Yamaguchi cũng đề nghị chuyển nhượng Quang Hải về thi đấu tại Nhật Bản. Thậm chí dư luận còn rộ tin một CLB Argentina muốn mua Quang Hải với mức giá 3,5 triệu Euro.
Nhìn lại người đi trước
Để hướng đến tương lai tươi sáng hơn cho nền bóng đá nước nhà, Việt Nam cần đẩy mạnh việc đưa các cầu thủ trẻ sang thi đấu tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển. Nếu chấp nhận thi đấu tại các CLB nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản hay thậm chí là Argentina, Quang Hải chắc chắn sẽ có cơ hội cọ xát với môi trường mới và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, nhìn lại những cái tên từng xuất ngoại trước kia như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thì vấn đề nên đi hay không của Quang Hải vẫn cần phải cân nhắc kỹ.
Tiếp xúc với nền bóng đá khắc nghiệt và chuyên nghiệp hơn nhiều so với Việt Nam, Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường đều không thể chứng tỏ được sức ảnh hưởng của mình. Vấn đề lớn nhất mà các cầu thủ Việt Nam gặp phải là thể lực và liên tiếp dính chấn thương. Trên thực tế, sau những chuyến xuất ngoại, các cầu thủ trẻ Việt Nam đều rơi vào tình trạng “học nhiều hơn hành”. Thời gian thi đấu tại Nhật Bản, Công Phượng và Tuấn Anh có thể xem là bị “bỏ rơi” khi đa số thời gian phải ngồi trên ghế dự bị hay thậm chí không được ghi tên vào danh sách thi đấu, hoặc chỉ được tham gia ở các giải đấu phụ.
Xuân Trường tuy có “nhỉnh” hơn hai đồng đội một ít do được ra sân nhiều hơn, nhưng vẫn không có gì gọi là ấn tượng so với mặt bằng chung các cầu thủ tại Hàn Quốc. Ngay cả lứa đàn anh như Công Vinh cũng không được trao nhiều cơ hội ra sân thi đấu khi xuất ngoại (thi đấu ở một CLB Nhật). Việc các CLB muốn sở hữu các cầu thủ Việt Nam chỉ mang tính chất thương mại là chính. Không được ra sân cọ xát nhiều, tất cả các ngôi sao Việt Nam đều có một điểm chung là không thể giữ được phong độ vốn có của mình sau khi xuất ngoại trở về nước.
Sẵn sàng nếu đích đến là Anh
Sau rất nhiều những lời chiêu mộ “cậu bé vàng” Quang Hải, chủ tịch CLB Hà Nội Nguyễn Quốc Hội đã khẳng định sẽ tiếp tục giữ tiền vệ này để phục vụ cho CLB và bóng đá Việt Nam chứ nhất định không bán. Vốn có quan hệ mật thiết với Man City và từng mát tay chi tiền đưa các ngôi sao Manchester City sang đá giao hữu cùng đội tuyển Việt Nam, bầu Hiển bày tỏ cái nhìn xa hơn cho tương lai của “cậu bé vàng” qua việc mong muốn Quang Hải sẽ có cơ hội thi đấu tại xứ sở sương mù. Ông cho rằng Quang Hải vẫn cần học hỏi, trau dồi nhiều trong 2, 3 năm nữa. Tuy nhiên, nếu Manchester City hay một CLB nào tại Anh có mong muốn đưa Quang Hải sang thi đấu thì ông sẵn sàng ủng hộ.
Quang Hải có thể lực, tốc độ tốt cùng tư duy nhanh nhạy. Anh được ví như Lionel Messi của Việt Nam với khả năng chơi bóng chân trái điệu nghệ. Không chỉ thi đấu xuất sắc trong màu áo đội tuyển quốc gia, Quang Hải còn góp phần lớn giúp CLB Hà Nội lập nên kỷ lục V.League khi vô địch trước 5 vòng đấu. Việc để tiền vệ Hà Nội thử thách khả năng của mình ở môi trường mới là điều nên làm. Tuy nhiên, thi đấu tại nước ngoài chưa bao giờ là dễ dàng. Vì vậy, việc có nên đưa Quang Hải hay bất kỳ ngôi sao nào của Việt Nam “vươn ra biển lớn” hay không, cần có sự suy xét kỹ lưỡng để không đi vào vết xe đổ của những trường hợp trước.
Theo Hữu Thắng (Nguoitieudung.com.vn)