Phong độ của Pau FC thực sự khiến nhiều người thất vọng. Họ chỉ kiếm được 2 điểm sau 4 trận, ghi 1 bàn và thủng lưới 8. Mùa này chắc chắn sẽ rất dài với đội bóng vùng Nouvelle-Aquitaine. Nhưng điều gây chán nản hơn cả là Quang Hải chơi không phải kém. Anh vẫn là cầu thủ tạo ra nhiều cơ hội thứ hai (5) trong một đội cầm bóng rất tệ, tính liên kết kém và sở hữu tiền đạo cắm vụng về.
Tuy nhiên chúng ta phải hiểu, đây mới là mùa thứ ba Pau FC chơi ở Ligue 2. Mục tiêu của họ luôn là trụ hạng. Mùa này còn khó khăn hơn bởi Pau FC thay đổi tới nửa đội hình. Nguyên nhân chủ yếu vì ngân sách ít ỏi, họ không thể giữ chân các cầu thủ tốt nhất, đồng thời hài lòng với những bản hợp đồng miễn phí. Chỉ một tháng hè là không đủ để HLV Didier Tholot truyền bá triết lý và tạo nên sự gắn kết. Có thể nói Quang Hải đã không gặp may khi tới đúng giai đoạn chuyển giao.
Đây cũng là điều Huỳnh Như phải đối mặt khi gia nhập Lank Vilaverdense. Giống như Pau FC, CLB này cũng mới chân ướt chân ráo lên Liga BPI (giải hạng Nhất Bồ Đào Nha chỉ xếp thứ 16 trong BXH hệ số của UEFA, thuộc hàng kém phát triển) sau nhiều năm chơi ở các giải cấp thấp. Mùa 2021/22 chính là mùa đầu tiên của họ. Trong giai đoạn 2, Lank cán đích ở vị trí cuối (thứ 8), thua 13/14 trận, ghi 11 bàn và thủng lưới tới 50.
Mùa này, Liga BPI rút xuống còn 12 đội chơi theo thể thức đá vòng tròn 2 lượt, mục tiêu của Lank không gì khác là tránh 3 vị trí cuối cùng (đội đứng thứ 12 sẽ xuống hạng còn đội thứ 10 và 11 phải đá play-off). Để tình hình phức tạp thêm, Lank đã mất đi số lượng lớn cầu thủ mùa trước và phải bổ sung một loạt nhân sự mới. Trước Huỳnh Như, có tới 9 cầu thủ vừa gia nhập Lank. Phần lớn không phải chuyên nghiệp, được mượn về từ nơi khác hoặc bị đội khác thải loại. Họ không thể tìm được cầu thủ chất lượng hơn bởi tài chính ít ỏi lại kém danh tiếng.
Thật dễ để nhìn ra sự trùng hợp giữa Pau FC và Lank, hai đội bóng khiêm tốn thuộc các giải đấu bị đánh giá thấp, đang chuyển giao và đối mặt với nguy cơ xuống hạng. Nhưng cũng chính vì thế họ mới trao cơ hội cho Quang Hải và Huỳnh Như. Không những vậy, còn kỳ vọng đây sẽ là những ngôi sao đưa đội bóng tới vị trí tốt hơn. Nếu là CLB lớn, sở hữu nhiều tài năng hàng đầu, liệu họ có đặt niềm tin vào một cầu thủ đến từ vùng trũng Đông Nam Á? Tất nhiên là không.
Vì vậy, đừng thất vọng với Pau FC hay Lank, cũng đừng nghĩ khoác áo hai đội bóng này là sai lầm của Quang Hải và Huỳnh Như. Thứ nhất, ở những đội này, họ sẽ được ra sân thường xuyên, thậm chí đá chính, điều mà Leixoes, Sint-Truidense rồi SC Heerenveen không thể cung cấp cho Công Vinh, Công Phượng, Văn Hậu. Chơi bóng ở châu Âu, tuy không phải CLB tầm cỡ, song Quang Hải và Huỳnh Như vẫn được mở rộng tầm mắt về chế độ tập luyện, dinh dưỡng và tận hưởng môi trường chuyên nghiệp.
Tiếp đến, tại sao Quang Hải và Huỳnh Như không thể nâng cao trình độ và hoàn thiện bộ kỹ năng khi được cọ xát liên tục với những đối thủ lớn. Chắc chắn tư duy chơi bóng, khả năng đối phó với áp lực của cả hai sẽ nâng lên tầm cao mới. Và khi trở về, cả hai đủ tự tin để cùng ĐT Việt Nam dấn thân vào những thử thách khó khăn hơn. Với ĐT nam là chiếc vé World Cup 2026, còn ĐT nữ là cuộc phiêu lưu ở World Cup 2023.
Sáng 23/8, Huỳnh Như đã có buổi tập đầu tiên cùng các đồng đội mới ở Lank. Ngày 11/9 cô sẽ cùng Lank chơi trận ra quân mùa 2022/23 gặp Valadares Gaia. Còn Quang Hải, sau 4 trận đã có 188 phút ra sân cùng Pau FC ở Ligue 2.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)